13 ngày mắc kẹt ở Nam Cực
Tháng chín 14, 2024
Ngày 30 tháng 12 năm 1946.
Một chiếc thủy phi cơ PBM-5 Mariner của Hải quân Mỹ đang bay vào một cơn bão tuyết ngoài khơi Nam Cực. Trên chiếc máy bay đó là chín người đàn ông đang tham gia một nhiệm vụ bí mật nhằm giành lấy Châu Nam Cực cho nước Mỹ.
Càng tiếp cận gần hơn với đất liền, cơn bão càng tồi tệ hơn. Tầm quan sát bị giảm xuống 0. Đột nhiên, một tiếng: Uỳnh! Chiếc máy bay va vào một ngọn núi và đâm xuống tuyết lạnh.
Đây là vụ tai nạn máy bay ở nơi hẻo lánh nhất từ trước đến nay và khiến phi hành đoàn bị mắc kẹt và thương nặng trong môi trường khắc nghiệt nhất thế giới. Nhưng bất chấp điều kiện vô cùng khắc nghiệt, sáu thành viên phi hành đoàn đã sống sót trong 13 ngày cho đến khi họ cuối cùng được giải cứu.
Chiến dịch bí mật đến Nam Cực
Vào năm 1946, một năm sau kết thục của cuộc Đại chiến thế giới đẫm máu, sự chú ý của Hoa Kỳ chuyển sang Nam Cực. Vùng đất lạnh lẽo và vô chủ chưa được khai thác này có tiềm năng vô tận, và có vẻ như cuộc chiến tiếp theo sẽ là để tranh giành vùng đất lạnh lẽo rộng 14,2 triệu ki-lô-mét vuông này.
Và vì vậy, vào tháng 12 năm 1946, Hoa Kỳ gửi một đoàn thám hiểm khổng lồ gồm 5000 người, 13 tàu và 33 máy bay tới Nam Cực với nhiệm vụ: Do thám Nam Cực, thiết lập các căn cứ và tuyên bố chủ quyền.
Một trong những chuyến bay đầu tiên cất cánh là phi hành đoàn của chiếc George 1 gồm chín người đàn ông: Hai phi công, một nhân viên vô tuyến, một thợ máy, một hoa tiêu, một nhiếp ảnh gia và thuyền trưởng của con tàu.
Chuyến bay rất rung lắc và thời tiết giá lạnh đã ngăn máy bay cao hơn độ cao 984 feet (300 mét). Sau 3 giờ, cuối cùng họ cũng đến được bờ biển nhưng điều kiện thời tiết còn tệ hơn bao giờ hết và phi hành đoàn không thể nhìn thấy gì.
Phải mất khá lâu chúng tôi mới đạt được độ cao chỉ 800 feet. Chúng tôi đang bay trong một cơn bão tuyết và tầm nhìn là KHÔNG – KHÔNG. Tin rằng điều kiện thời tiết như đã báo cáo trước đó là CAVU (trần bay và tầm nhìn không giới hạn), và biết rằng radar của tôi hoạt động tốt, tôi không lo lắng…
Máy đo độ cao của máy bay bị nhầm lẫn bởi lớp băng dày bên dưới và cho thấy phi hành đoàn vẫn còn cách mặt đất 300 mét. Nhưng họ không biết rằng mặt đất thật ra đang nằm ngay bên dưới họ và đang cao lên nhanh chóng. Phi công Frenchie đã ra lệnh từ bỏ nhiệm vụ và quay trở lại nhưng ngay khi anh sắp làm vậy thì máy bay đâm vào một ngọn núi và xé toạc một lỗ hổng lớn trên thân máy bay. Hơn năm ngàn lít nhiên liệu phun ra và bắt lửa ngay sau đó, tạo ra một vụ nổ khổng lồ giữa không trung. Chiếc máy bay đâm xuống, ném các mảnh vụn và thành viên phi hành đoàn đi mọi hướng.
Frenchie đang chuẩn bị thực hiện cú “180 độ” và quay trở lại căn cứ vì thời tiết không hề quang đãng; thực tế, có vẻ như tình hình đang trở nên tệ hơn. Sau đó, đột nhiên, tôi cảm thấy như thể chúng tôi đã đâm vào một ổ gà nhỏ. Frenchie ngay lập tức tăng hết công suất, bắt đầu kéo lên và rẽ – và tất cả những gì tôi nhớ là cảm giác đang bồng bềnh. Điều tiếp theo tôi biết là có ai đó đang lay vai tôi. Tôi nhìn lên, từ tư thế khom người trên tuyết, và thấy kỹ sư bay nhỏ bé của chúng tôi, Warr, đang nhìn xuống tôi với đôi mắt đẫm lệ. Câu hỏi đầu tiên của tôi là “Chuyện gì đã xảy ra?” Ngay lập tức anh trả lời, “Robbie, tất cả chúng ta toi rồi”! Tôi đã bị đánh gục và khi mọi thứ bắt đầu trở nên sáng tỏ hơn với tôi, tôi nhìn xung quanh và thấy rõ ràng rằng bình luận của Warr chắc chắn là lời nói khiêm tốn nhất có thể. Lúc này, tôi muốn kể lại chính xác lý do tại sao máy bay chúng tôi phát nổ. Khi chúng tôi cảm thấy cú xóc đó, thân máy bay đã bị xé một lỗ và thùng nhiên liệu trên thân máy bay bắt đầu phụt ra. Nhiên liệu máy bay 145 ốctan đã được đốt cháy bởi ngọn lửa từ ống xả động cơ. KÀBÙM! — 1345 ga-lông (5091 lít) xăng máy bay cao-ốctan đã tạo ra vụ nổ máy bay tráng lệ và rực rỡ. (…)
Đáng buồn thay, Hendersin và Lopez chết ngay lập tức sau khi bị văng vào cánh quạt:
Anh ấy nói, “Robbie, tôi nghĩ chúng ta là những người duy nhất còn sống”! Tôi nhìn sang bên phải và thấy Ensign Lopez, Hoa tiêu của chúng tôi, đang quỳ trong tuyết. Tôi tiến về phía anh ấy và Warr nói, “Không, Robbie, phần sau đầu của anh ấy đã biến mất.” Khỏi cần phải nói, tôi chắc chắn không muốn nhìn thấy điều đó! Tôi nhìn thẳng về phía trước và thấy ARM1 (Aviation Radioman Petty Oficer First Class – Sĩ quan Vô tuyến Hàng không Hạng Nhất) Hendersin, đang ngập trong tuyết đến thắt lưng và nhìn thẳng vào tôi. Tôi tiến về phía anh ấy và Warr lại nói, “Không, đó là tất cả những gì còn lại của anh ấy!” Trời đang đổ tuyết và gió thổi rất mạnh. Tôi không nhớ đã nhìn thấy bất kỳ cảnh tượng kinh hoàng nào trong số này vào thời điểm đó, có lẽ vì tôi vẫn đang trong tình trạng sốc một phần, cùng với thực tế là tôi không bao giờ muốn nhìn thấy một cảnh tượng ghê rợn như vậy.
Các thành viên còn lại thì sống sót, nhưng Frenchie (LeBlanc) thì bỏng nặng và gần như nằm liệt, còn Fred Williams bị gãy lưng và thương ở mặt. Chắc chắn anh ta sẽ chết.
Buồng lái nằm nghiêng trong ngọn lửa đang phừng phừng khắp nơi. Và Frenchie tội nghiệp, anh ấy hẳn là người đàn ông duy nhất trên máy bay thắt dây an toàn (như mọi người vẫn nghĩ), và anh ấy ở đó, bị treo lơ lửng trên dây an toàn trong ngọn lửa đang gào thét. Không cần phải nói, anh ấy đã bị bỏng rất nặng. (…) Khi nghe thấy tiếng rên rỉ yếu ớt, Warr và tôi vội vã chạy đến kiểm tra. Chúng tôi phát hiện Williams nằm gần mép một cái hố lớn đang bốc cháy đối diện với khu vực có sàn bay. Khi quỳ xuống bên cạnh anh ấy, rõ ràng là tình trạng của anh ấy cực kỳ nguy kịch. Anh có vẻ bị nội thương rất trầm trọng, vì anh ấy không thể cử động chút nào và đang chảy máu từ miệng và mũi. Lưng anh ấy hình như đã bị gãy và chúng tôi đồng ý rằng việc di chuyển anh ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. (…)
Bản năng sinh tồn trỗi dậy và những người sống sót biến phần thân máy bay bị xé toạc khỏi chiếc máy bay thành nơi trú ẩn.
Sống sót ở Nam Cực
Có ba túi ngủ có sẵn vào thời điểm này. Frenchie và Bill Kearns mỗi người có một túi và đã ở bên trong phần thân máy bay bên cạnh cửa sập. Chúng tôi đưa cho McCarty một túi còn lại và đặt anh ấy bên cạnh Bill và Frenchie. Có một chiếc chăn giữa Đại úy Caldwell, Warr và tôi. Chúng tôi quyết định ngủ trong thân máy bay và đợi cơn bão lắng xuống. Sẽ rất khó để mô tả chính xác nơi ở tạm thời của chúng tôi, nếu không muốn nói là không thể, vì vậy, theo trí nhớ của tôi, đây là bản vẽ về tình hình lúc bấy giờ:
Họ tìm thấy một chiếc dù và gắn nó vào cuối đường hầm để ngăn gió và tuyết thổi vào. Sau khi lục tung đống đổ nát, họ tìm thấy túi ngủ, lều và một số khẩu phần ăn chủ yếu gồm thịt và súp đóng hộp. Không biết khi nào hoặc liệu phi hành đoàn có rút lui vào nơi trú ẩn của họ để chờ cơn bão qua đi hay không:
(…) chúng tôi tìm thấy ba hộp Pemmican lớn. Mỗi hộp chứa khoảng 100 cốc giấy tám ounce (226,8 gram) loại này. Pemmican là khẩu phần ăn được chế biến đặc biệt có chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho một cuộc sống khỏe mạnh. Tuy vậy, vị của nó thì tệ hại. Tôi phải nói thêm rằng pemmican của 50 năm trước thực sự có vị rất tệ. Tôi nghe nói bây giờ nó có vị ngon. Vào thời đó, hương vị không quan trọng đối với khẩu phần ăn khẩn cấp. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể quen với nó nếu phải làm vậy. Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng khẩu phần ăn trên máy bay mà chúng tôi tìm thấy trước đó: Chúng bao gồm bít tết, khoai tây, rau đóng hộp, bơ, bánh mì, muối, hạt tiêu, đường, sữa đóng hộp và một vài chiếc bánh quy. Chúng tôi thậm chí còn tìm thấy hai hộp bơ đậu phộng một gallon (3,8 lít) của Hải quân! Chúng tôi có rất nhiều thức ăn trong một thời gian khá dài và tôi cảm thấy Pemmican sẽ giúp chúng tôi vượt qua nếu cần. Tất cả thực phẩm tươi sống đều nằm trong hoặc gần khu vực sẽ là bếp (ngay bên dưới buồng lái). Chúng tôi phải đào nó ra khỏi tuyết. Tôi lấy được hầu hết số đường bằng cách liếm tuyết và cảm nhận hương vị.
Williams bị thương quá nặng không thể di chuyển được nên phi hành đoàn đã dựng một nơi trú ẩn xung quanh anh bằng túi ngủ và những mảnh vỡ lớn:
Chúng tôi tìm thấy một mảnh nhôm gợn sóng dài khoảng 7 feet (2,1 mét) và rộng 2 feet (61 cm) và dựng nó để bảo vệ Williams khỏi tuyết thổi.
Vài giờ sau, Robbins ra ngoài để kiểm tra Williams nhưng Williams đã ra đi vì điều kiện lạnh giá của Nam Cực:
Williams đã không gọi tên tôi trong một thời gian (William nói mớ và gọi tên tôi khi ngủ). Chúng tôi đi thẳng đến chỗ anh ấy; anh ấy đã mất. Tôi không tin là anh ấy đau đớn chút nào: chúng tôi hy vọng và cầu nguyện vậy.
Bây giờ, chỉ còn sáu trên chín thành viên phi hành đoàn còn lại và hy vọng sống sót của họ hoàn toàn phụ thuộc vào việc được tìm thấy. Nhưng tàu tiếp tế của họ, Pine Island lại cách đó đến 500 cây, và việc tìm thấy xác chiếc máy bay giữa băng tuyết ngút ngàn của Châu Nam Cực chả khác gì mò kim đáy bể. Trở lại con tàu, phi hành đoàn của Pine Island bắt đầu lên kế hoạch cho một nhiệm vụ giải cứu. Dữ liệu cuối cùng mà họ có được là vị trí cuối cùng của phi hành đoàn, cách đất liền Nam Cực khoảng 130 ki-lô-mét trên biển Weddell, nhưng họ không biết khi nào máy bay rơi, mà phi hành đoàn có thể ở bất cứ đâu.
Chờ được giải cứu
Để giải cứu phi hành đoàn của George 1, thủy thủ đoàn trên chiếc tàu chở thủy phi cơ Pine Island phải tìm họ và bằng cách nào đó giải cứu họ bằng một chiếc máy bay chỉ có thể hạ cánh trên mặt nước. Thời tiết xung quanh con tàu vẫn rất tệ trong ba ngày tiếp theo nữa nên không thể triển khai bất kỳ nhiệm vụ giải cứu nào.
Trở lại hiện trường vụ tai nạn, sáu người sống sót đang dần chết cóng trong trận bão tuyết -20°C. Frenchie đang trong điều kiện rất tồi tệ và vết bỏng của anh khiến anh gần như không thể mở miệng. Anh đang dần chết vì tê cóng và mất nước nhưng may mắn thay, nhờ khí hậu lạnh và khô, Frenchie đã không chết vì nhiễm trùng. Bất chấp tất cả những điều này, Frenchie không bao giờ phàn nàn lấy một lần và anh ấy luôn cố gắng kể một câu chuyện cười bất cứ khi nào có thể:
(…) Khuôn mặt Frenchie bị bỏng nặng. Miệng anh bị bỏng đến mức anh phải dùng ngón tay của bàn tay lành lặn còn lại để tách môi ra. Anh không thể cử động miệng nhiều, nếu không miệng anh sẽ bị vỡ ở khóe và chảy máu. Tôi cho Frenchie ăn chế độ ăn bơ-sữa đặc biệt, được chế biến bằng cách đun nóng sữa đóng hộp và thêm một lượng nhỏ bơ và đường. Đôi khi, tôi sẽ thực hiện một số thay đổi nhỏ miễn là mọi thứ đều ở dạng lỏng hoàn toàn. Bill Kearns sẽ cho anh ăn. Frenchie không bao giờ phàn nàn. Thậm chí anh còn gặp khó khăn khi nói. Anh đã học cách xoay xở khá tốt mà không cần phải cử động miệng. Bill đã cố gắng hết sức để băng bó cho chú bằng bột lưu huỳnh và thêm nhiều hơn nữa bất cứ khi nào chú cảm thấy cần thiết. Bill phát hiện ra rằng một số vùng ở lưng và hông chú bị bỏng nặng, thậm chí một phần mí mắt cũng bị cháy mất. Chúng tôi không tin rằng chú có cơ hội sống sót trừ khi, bằng một phép màu nào đó, chúng tôi có thể được cứu ngay lập tức.
Sau một hồi lục lọi đống đổ nát, Robbins đã tìm thấy một chiếc bếp gas và đã bật nó thành công bằng cách hút nhiên liệu từ một trong những thùng nhiên liệu dự phòng của máy bay. Sau đó, anh trở thành đầu bếp chính thức của cả đoàn, nấu cho họ hai bữa ăn mỗi ngày.
Chúng tôi đã tìm thấy một chiếc bếp gas áp suất hai lò nhỏ trong đống đồ dự trữ khẩn cấp – nhưng không có nhiên liệu. Chúng tôi có một vài bình chứa đầy xăng máy bay tuyệt hảo 145 ốc-tan vẫn còn nguyên vẹn, vì vậy tôi đã chỉnh sửa lại một trong những đường ống nhiên liệu (bằng cách tháo hai kẹp ống và một đoạn ống cao su ngắn) và bịt kín bằng một miếng giẻ. Bây giờ chúng tôi đã có đủ nhiên liệu để dùng cả năm (…)
Thực đơn chính của tôi là “Pemmican Hầm” – gồm thịt bò thái nhỏ và Pemmican, muối, hạt tiêu và nước. Lúc đầu, tôi cho rất ít Pemmican – chúng tôi biết mình phải bắt đầu làm quen với hương vị chết tiệt của nó. Tuy nhiên, những thành phần khác trong món “Pemmican Hầm”đã “ngụy trang” thứ kinh tởm đó khá kĩ lưỡng. Chúng tôi cũng có một loại rau nóng. Món tráng miệng cuối cùng thực sự là “bơ đậu phộng và kem tuyết”, gồm một “viên” tuyết sạch (luôn cẩn thận tránh xa tuyết vàng, tất nhiên!), sữa hộp, đường và một cục phủ bơ đậu phộng thơm ngon, hấp dẫn! Mọi người đều nghĩ rằng nó thật tuyệt!
Vào ngày thứ tư, thời tiết cuối cùng cũng quang đãng và mặt trời tỏa sáng, rải những tia nắng của mình xuống lớp tuyết thuần một màu trắng nguyên sơ của lục địa thứ bảy. Mặc cho hoàn cảnh hiện tại, họ hoàn toàn bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thuần khiết của cảnh tượng.
Chúng tôi vội vã bước ra ngoài dưới ánh nắng mặt trời trong trẻo, rực rỡ, và tận hưởng vẻ đẹp của mọi thứ (…)
Họ đã sử dụng khoảng thời gian này để an táng các thành viên phi hành đoàn đã khuất dưới tuyết. Để đội cứu hộ dễ dàng tìm thấy họ hơn, họ đã đặt các vật bằng kim loại bên trong các ngôi mộ để máy dò kim loại có thể phát hiện. Nhân tiện, kỹ thuật viên ra-đa Robbins đã sơn tên của ba người chết lên mặt trên của một cánh máy bay: WILLIAMS, HENDERSIN, LOPEZ / ĐÃ CHẾT.
Vào ngày thứ năm, những người sống sót đã hết thức ăn tươi và sẽ sớm chỉ còn lại những hộp thịt khô. Ngày hôm đó, Robbins ra ngoài để tìm thêm vật dụng và tìm thấy một chiếc máy ảnh thuộc về Lopez, con người khốn khổ bị quẳng vào cánh quạt máy bay. Robbins đã chụp một số bức ảnh về hiện trường vụ tai nạn và cất phim vào túi ngủ của mình để anh sẽ không quên nó:
Chúng tôi đã tìm thấy những phần còn lại của bộ vật dụng khẩn cấp – xe trượt tuyết, hộp sơ cứu, thiết bị báo hiệu, nhiều khẩu phần ăn khẩn cấp hơn, v.v. Tôi thậm chí còn tìm thấy một chiếc máy ảnh Kodak Brownie có sẵn phim bên trong (tôi tin rằng ban đầu nó thuộc về anh Lopez) (…)
Vì thời tiết rất đẹp, chiếc máy ảnh Brownie nhỏ (tôi đã phơi khô trong lều) hiện lại trong đầu tôi. Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng giờ thì có thể sử dụng nó được rồi. Tôi tin là anh Lopez vừa mới lắp phim vào máy trước khi chúng tôi rời đi. Dù sao thì tôi cũng chụp được những bức ảnh cận cảnh đẹp của những người khác (trừ Bill và Frenchie vì bên trong thân máy bay quá tối), sử dụng các góc khác nhau của xác máy bay làm phông nền. Sử dụng phim một cách tiết kiệm, tôi cũng chụp ảnh buồng lái, cánh và động cơ. Tôi kết hợp càng nhiều càng tốt vào mỗi bức ảnh chụp nhanh. Chúng tôi biết rằng nếu mọi người có thể nhìn thấy những bức ảnh này, họ sẽ không bao giờ hiểu được làm thế nào mà chúng tôi có thể sống sót. Khi hết phim, tôi cẩn thận lấy phim ra khỏi máy ảnh, bọc nó trong một mảnh vải, bỏ vào túi quần áo bay và kéo khóa lại. Có người bảo tôi cất nó trở lại lều trong trường hợp cần phơi khô thêm. Tôi không muốn làm như vậy vì sợ rằng tôi sẽ quên mất. Sau khi suy nghĩ về điều đó và được đảm bảo rằng họ sẽ không để tôi quên, tôi đã đặt nó trở lại lều vì tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đó là điều tốt nhất nên làm. Vâng! Bạn đoán đúng rồi đấy – cuộn phim đã phơi sáng đó vẫn ở đúng nơi tôi để nó.
Phi vụ giải cứu
Đến ngày thứ bảy, thời tiết quanh con tàu cuối cùng đã quang đãng và một chiếc thủy phi cơ cứu hộ đã rời Pine Island để tìm kiếm phi hành đoàn bị tai nạn. Sử dụng vị trí được xác nhận cuối cùng của chiếc máy bay xấu số, đội cứu hộ bắt đầu quét mặt đất qua lại theo mô hình dích- dắc. Khi họ đến đất liền, thời tiết trở nên u ám và mọi hy vọng tìm kiếm phi hành đoàn đã biến mất sau một biển sương mù dày đặc.
Đúng lúc này, Frenchie tỉnh dậy trong trạng thái choáng váng, đánh thức tất cả mọi người và nói rằng anh nghe thấy tiếng máy bay ở đằng xa. Anh gào (trong khả năng mà mồm anh cho phép):
Máy bay-Máy bay!
Frenchie thực ra không nghe thấy gì cả. Anh chỉ đang mơ về việc được cứu.
Trớ trêu thay, chiếc máy bay chất chứa hy vọng của họ thật sự đã bay qua rất gần (dù không thấy), chỉ cách họ có 20 ki-lô-mét.
Trong vài ngày tiếp theo, thời tiết giông bão lại quay trở lại và mood của những người sống sót tụt chạm đáy. Phi hành đoàn đã tuyệt vọng, vì vậy họ đã tạo ra một đống đổ nát lớn có thể cháy để đốt lên nhằm thu hút sự chú ý của bất kỳ máy bay nào ở gần.
Warr và tôi lấy một chiếc bè cứu sinh chín người và trải ra cách vị trí của chúng tôi khoảng 40 feet xuôi theo chiều gió và xuống dốc. Sau đó, chúng tôi tiến hành xác định mọi thứ có thể tìm thấy dễ cháy và chất tất cả vào bè. Thuốc súng từ vỏ đạn súng lục Very (súng pháo sáng) (sau khi chúng tôi phát hiện ra khẩu súng lục Very của chúng tôi không hoạt động), thuốc súng từ pháo sáng thả, nhiên liệu rắn (là một phần của bộ dụng cụ khẩn cấp, nhưng họ đã quên không đóng gói cái bếp cùng với nó), và bất kỳ thứ gì khác có thể cháy tốt. Tất nhiên là tôi không đốt những thứ đang và sẽ còn hữu dụng. Tôi dựng một ngọn đuốc cán dài bằng cách nối (chúng lại với nhau) ba mái chèo và quấn một miếng giẻ quanh đầu mái chèo. Lửa hiệu của chúng tôi giờ đã sẵn sàng để được tẩm xăng và đốt cháy bất cứ lúc nào. May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều diêm khô trong bộ dụng cụ khẩn cấp của mình (…)
Thời gian đã gần cạn nhưng vận may sắp mỉm cười với họ.
Sự giải thoát
Vào sáng ngày thứ mười ba, thời tiết tốt cuối cùng cũng trở lại và phi hành đoàn đang ăn sáng, mà khó có thể gọi là một “bữa sáng”, vì chỉ có vài lát mơ. Đột nhiên, một tiếng brừm brừm nhỏ bắt đầu rung chuyển mặt đất, ngày càng mạnh hơn cho đến khi phi hành đoàn Pine Island cuối cùng cũng tìm thấy những đồng đội mất tích của mình.
Sáng sớm ngày thứ mười ba, có người hét lên “MÁY BAY”, “MÁY BAY”! và tất cả chúng tôi đều chạy ra ngoài. Tiếng động cơ đang dần biến mất và chiếc máy bay sắp bay đi vào hư vô. Tôi cầm lấy xô vải bạt, tháo nắp bình xăng và đổ đầy xăng máy bay vào, dội xăng khắp chiếc bè cứu sinh mà chúng tôi đã chuẩn bị trước đó, rồi nhúng giẻ vào chiếc đuốc dài. Tôi không thể đốt được và máy bay gần như khuất hẳn khỏi tầm nhìn. Tôi bước lên bè, khói xăng tuôn ra, và châm thêm một que diêm nữa. KÀBÙMMMM!! Mọi thứ như nổ tung trước mặt tôi – không còn cơ hội nào để quay mặt đi! Mọi người reo hò khi một cột khói đen khổng lồ phun lên trời. Tôi chớp mắt để đảm bảo thị lực của mình vẫn ổn. Đại úy Caldwell đã theo dõi tôi rất kỹ và hỏi tôi có ổn không. Tôi nói với ông ấy rằng tôi nghĩ vậy, nhưng tôi không chắc lắm! Ngay khi thấy rõ là tôi ổn, ông ấy cười toe toét với tôi và nói rằng tôi rất may mắn khi chỉ bị cháy lông mày và lông mi. Chúng tôi nhìn theo đốm sáng trên bầu trời đang biến mất nhanh chóng. Đột nhiên, rõ ràng là đốm sáng đã đổi hướng và đang nhanh chóng trở nên lớn hơn. Chúng tôi reo hò phấn khích! Những giọt nước mắt vui mừng và biết ơn hiện rõ trên mặt mọi người khi Chúa đã lắng nghe lời nguyện cầu của chúng tôi. Chúng tôi không hề nhận ra thử thách gian khổ phía trước (…)
Tuy vậy, chiếc máy bay cứu hộ cũng là một chiếc thủy phi cơ như chiếc “Geroge 1″ và với việc không có càng đáp có nghĩa là nó sẽ không thể hạ cánh xuống mặt đất. Vậy là phi hành đoàn trên chiếc máy bay đó buộc một tin nhắn vào một vật nặng:”Nếu các bạn có thể đến được hồ, hãy tạo thành một vòng tròn; nếu không, hãy tạo thành một đường thẳng”.
(…) Cái hồ mà anh ta, Trung úy Ball, phi công của chiếc máy bay kia nhắc đến là một vùng rộng lớn không có băng chỉ cách chúng tôi 10 dặm (16,1 ki-lô-mét), đủ lớn để hạ cánh một trong những chiếc PBM của họ. Tôi cho rằng bàn tay của Người đã nhúng vào chuyện này. Tất cả chúng tôi đều cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời, vì rõ ràng là chúng tôi biết không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi nắm tay nhau và tạo thành một vòng tròn để đáp lại.
Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị để di chuyển ngay lập tức. Chúng tôi lắp ráp chiếc xe trượt tuyết của mình (một phần của thiết bị khẩn cấp). Đó là một bộ dây buộc bằng da và nó hoạt động cực kỳ tốt. Ngoài ra, các khớp khung chính được liên kết với nhau. Chúng tôi làm một chiếc giường trên xe trượt tuyết bằng cách đặt ba túi ngủ lên đó theo cách mà Frenchie nói rằng anh ấy khá thoải mái. Một anh chàng tuyệt vời! Anh ấy không hề phàn nàn dù tất cả chúng tôi đều biết đây sẽ là một chuyến đi rất đau đớn đối với anh ấy. Chúng tôi đặt tất cả những gì chúng tôi nghĩ rằng mình có thể cần, bao gồm cả một chiếc áo phao, quanh Frenchie và buộc tất cả vào.
Đường đến chiếc hồ rất khó khăn. Kéo Frenchy qua lớp tuyết cao ngang ngực mất gần 12 giờ. Máy bay cứu hộ đã theo họ hầu hết chặng đường, thỉnh thoảng thả đồ tiếp tế cho Mark trên đường đi và chụp bức ảnh này trên đường đi.
Chúng tôi nghỉ ngơi vài phút và tự khen mình đã làm tốt như thế nào. Trung úy Ball đã bảo vệ chúng tôi rất chặt chẽ trên đầu mỗi bước đi. Trước đó, trên đường đi, anh ta đã thả cho chúng tôi một số đồ tiếp tế. Chúng tôi dừng lại đủ lâu để mở “thùng thính” và kiểm tra. Tôi tìm thấy một chai rượu whisky ngô (bourbon whiskey) Old Crow, bật nắp và mời mọi người. Rõ ràng là không ai có tâm trạng để mà hưởng ứng. Đại úy (rất khôn ngoan) đã cảnh báo tôi vì chúng tôi còn một chặng đường dài phải đi, đồng thời chỉ ra rằng chúng tôi không chắc rượu sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi như thế nào trong những điều kiện này. Anh ấy đã đúng! Như tôi sẽ giải thích sau. Chúng tôi cảm thấy mình sẽ không cần bất kỳ đồ tiếp tế nào được thả xuống, bên cạnh đó chúng tôi không có nơi nào để mang chúng. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng cất chai rượu để dùng cho “mục đích y tế” sau này!
Nhưng đúng lúc họ nghĩ rằng họ đã đến nơi thì họ lại đi qua một vách đá cao 20 mét, rào cản cuối cùng giữa họ và hồ. Thật ngạc nhiên, một con đường gần như hoàn hảo ngay bên trái dẫn đường như thể nó đã được đặt ở đó để cứu phi hành đoàn.
Đây là nơi mà Chúa trời lại nhúng tay vào. Làm thế nào, mà, nhân danh Chúa, chúng ta có thể đi xuống mặt sông băng nhỏ này đến lớp vỏ băng biển mịn màng? Tuyệt vời! Ngay bên trái chúng tôi là một con đường mòn đủ lớn cho xe trượt tuyết, đi xuống với lối đi dễ dàng qua một vài khe nứt ở dưới cùng đến lớp vỏ băng biển mịn màng. Hãy nhớ lại bây giờ — đây chính xác là nơi chúng tôi tình cờ đến đại dương. Bây giờ, chính xác thì, tại sao tất cả may mắn tuyệt vời này có thể xảy ra ngay tại nơi chúng tôi cần nó? Bây giờ bạn biết lý do tại sao tất cả chúng tôi đều trở thành những người Thiên Chúa giáo mộ đạo chân thành!
Chiếc máy bay cứu hộ đã hạ cánh hoàn hảo xuống hồ và hai người đàn ông đã đi ra ngoài để tìm kiếm những người sống sót. Những người sống sót biết họ đang đến gần hơn vì họ có thể nghe thấy âm thanh của máy bay từ xa.
Từ lúc chúng tôi bắt đầu trên lớp vỏ băng biển mịn, chúng tôi đã ở trong màn sương mù đã nói trước đó. Sương mù không quá dày đặc và chúng tôi biết lộ trình của mình. Bên cạnh đó, “Iron John” (biệt danh của chúng tôi dành cho Thiếu tá Howell) đang thực hiện “cối xay gió” (chạy không tải và nổ máy) xung quanh hồ, và tiếng động cơ là bằng chứng tuyệt vời cho chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Sau khi bay được khoảng một nửa quãng đường từ bờ biển đến hồ, chúng tôi đã gặp Dick Conger, từ phi hành đoàn của “Iron John”. Anh ấy và “Iron John” đã lên bờ (bờ băng quanh hồ) trên một chiếc bè cứu sinh của máy bay, và đã ra đây để gặp chúng tôi và giúp chúng tôi một tay. Sương mù rất dày và nặng. Conger dẫn đường đến khu vực hẹn gặp, nơi họ đã kéo bè cứu sinh chín người lên trên bờ băng. Chúng tôi quyết định chờ đợi với hy vọng sương mù sẽ sớm tan.
Sau khi họ cẩn thận xuống thềm băng, họ thấy hai người đàn ông bước ra từ trong sương mù. Sau hai tuần kinh hoàng và đau khổ, cuối cùng họ cũng được đoàn tụ với những người bạn của mình. Họ trèo lên máy bay cứu hộ và cả sáu người đàn ông đều an toàn trở về tàu.
Kết
Đó là một trong những câu chuyện khó tin nhất về sự sống sót và lòng dũng cảm và cả sáu người đàn ông đều kể lại câu chuyện. Còn chiếc máy ảnh, xác máy bay và ba người đàn ông kia: Lopez, Hendersin, Williams, họ vẫn được chôn cất, được bảo quản hoàn hảo dưới ít nhất là một trăm mét băng tuyết tám-mươi-năm-tuổi.
Nguồn:
Ảnh: và
Toàn bộ những đoạn trích trên được lấy từ trang web . Những trải nghiệm và nỗi hàn ôn của sáu người sống sót đã được kể lại chi tiết bởi điện đài viên hàng không James Haskin Robbins, một trong những người sống sót.