3 quyển sách tôi sẽ recommend cho bất kì ai tôi gặp

Tháng bảy 28, 2024

Nói thật thì việc recommend sách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giả sử người ta nói được những yêu cầu hết sức cụ thể như họ đang muốn đọc về vấn đề gì đó, họ thích quyển đó có những thứ như nào (ví dụ như không quá dày, viết dễ hiểu, nếu là truyện thì viết không quá mùi mẫn, hài hước một chút…). Như thế thì việc recommend sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ở đây, tôi đang muốn nói đến nếu phải recommend 3 quyển sách cho một người bất kì, dù cho họ có sở thích hay nhu cầu như thế nào. Tức là những quyển sách được recommend phải là thứ ai cũng đọc được, ai cũng nên đọc và họ sẽ có một quãng thời gian dễ chịu khi đọc nó.
Trong đầu tôi nảy ra 3 quyển sách này gần như ngay lập tức (thực ra là 2, quyển thứ 3 tôi lựa chọn tới lui mới chốt được). Đây là 3 quyển để lại ấn tượng sâu sắc với tôi và thực sự khiến tôi cảm thấy rất thích thú khi đọc. Hi vọng bất kì một ai thích đọc sách cũng sẽ đều cảm thấy vui vẻ khi đọc những cuốn này.

“Dự án Rosie” – Graeme Simsion

Quyển này được Bill Gates recommend luôn nhé. Đây là một trong số rất ít những quyển sách fiction mà ông đọc. Cả ông và vợ đều thích quyển này. Và khi đọc tôi cũng hiểu tại sao.
Câu chuyện được kể một cách dí dỏm với những tình tiết thực ra rất bình thường trong các loại truyện tương tự, thế nhưng thế giới qua ánh mắt của người kể trở nên rất thú vị. Truyện này có phong cách y hệt như bộ “Big Bang Theory”, trong đó nhân vật chính trong truyện – ông giáo sư – cũng giống Sheldon, phải gọi là giống y sì.
Nếu hỏi tôi câu chuyện tình cảm nào tôi thích nhất thì đó sẽ không phải mối tình rực lửa trong Đồi gió hú, cũng không phải đôi nam thanh nữ tú trong Kiêu hãnh và định kiến, không phải tất cả các thể loại Marc Levy, Guillaume Musso, Colleen Hoover, thậm chí không phải hai anh chị Scarlett và Rhett Butler – cặp đôi tượng đài trong lòng tôi một thời, mà chính là cặp đôi Rosie và giáo sư Don Tillman trong quyển này.
Qua hàng loại các thể loại văn học lãng mạn tôi từng đọc, những vần thơ tình tôi từng nghe, những bản tình ca tôi thuộc lòng, thì tôi vẫn thấy cảnh Don nhìn thấy Rosie trong chiếc váy đêm tiệc là cảnh lãng mạn nhất. Và tôi ước cô gái nào cũng có một chàng trai nghĩ về nàng như cách Don nghĩ về Rosie lúc đó.
Đây là phần mô tả về quyển này mà tôi từng làm gửi cho một đứa bạn khi nó đòi tôi rcm cho nó một vài quyển để đọc (Thế nên giọng văn như nói)

Đây là phần mô tả về quyển này mà tôi từng làm gửi cho một đứa bạn khi nó đòi tôi rcm cho nó một vài quyển để đọc (Thế nên giọng văn như nói)

“Người hỏa tiễn” – Robert Kurson

Tôi chỉ ngạc nhiên là sao người ta ít nói đến quyển này như thế. Nó thực sự là một cuốn tài liệu giàu thông tin, một câu chuyện tràn đầy cảm hứng và một sự kiện lịch sử quan trọng của nước Mỹ. Vậy mà đến tận bây giờ tôi mới biết đến nó.
Ai cũng biết Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Nhưng ít ai biết rằng mấy năm trước đó, trong lần phóng tên lửa đầu tiên của Apollo 8 lên quỹ đạo mặt trăng, Neil Armstrong đã bị loại ra khỏi đội ngũ phi hành gia lúc đó do không vượt qua bài test lòng can đảm. Những người phi hành gia lúc đó mới thực sự là những người làm nên lịch sử, là những người khiến nước Mỹ vốn đang chìm trong hỗn loạn với nguy cơ bị Nga hạ knock out trong cuộc đua hàng không vũ trụ, trở lại làm đất nước dẫn đầu thế giới.
“Người hoả tiễn” được viết rất tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết và được móc nối cẩn thận y như một cuốn tài liệu mật. Nhưng cuốn sách cũng không thiếu sự hài hước và đặc biệt rất giàu cảm xúc. Nó không chỉ lột tả lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, tình bạn mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của gia đình trong mỗi con người – nguồn sức mạnh của mỗi phi hành gia trong nhiệm vụ cao cả đó.
Tất nhiên tôi nghĩ không phải ai cũng cảm thấy cuốn sách này hấp dẫn giống như tôi. Cuốn sách này nói về 2 chủ đề mà tôi cũng thích thú ít nhiều: hàng không vũ trụ và lịch sử chiến tranh. Tuy nhiên kể cả không ham mê những chủ đề này, cuốn sách vẫn là một nguồn thông tin hữu ích và cũng là một câu chuyện hài hước nhưng cảm động về một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ.
Nguồn ảnh: Trạm đọc

Nguồn ảnh: Trạm đọc

“Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng” – Rutger Bregman

Hai vị trí đầu tiên thực sự rất dễ chọn, nhưng đến quyển thứ 3 thì tôi lại phân vân rất nhiều. Đến cuối tôi chọn quyển này.
Quyển này thực sự là khó tin – nhưng có thật. Tôi không biết là nó thật đến mức độ nào, nhưng tôi cảm thấy rằng quyển sách này khiến tôi có niềm tin vào nhân loại hơn. Kể cả nếu đó có là lời nói dối thì tôi vẫn muốn tin vào để cảm thấy rằng thế giới này tốt đẹp hơn những gì ta vẫn tưởng.
Quyển sách nói về một thứ mà có lẽ nhiều người sẽ phản đối, đó là: bản chất con người là tốt đẹp. Và cả quyển sách mấy trăm trang chỉ để chứng minh điều đó.
Truyền thông những năm qua đã làm một nhiệm vụ mà tôi nghĩ là phản nhân loại, đó là liên tục đưa các thông tin tiêu cực tới người đọc. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì càng tiêu cực thì càng thu hút. Người ta bị hấp dẫn bởi những thú xấu xa, ác độc, người ta sẽ chú tâm đọc những tin về giết chóc, thiên tai, bạo lực, scandal. Thế nên con người dần tin vào rằng thế giới này là một mớ hỗn độn, rằng ngoài kia rất nhiều kẻ xấu, và nếu có thảm hoạ diệt vong thì loài người sẽ giằng xé nhau, giẫm đạp lên nhau mà sống.
Tác giả quyển sách này không muốn tin vào những điều như trên. Ông có một niềm tin mãnh liệt rằng con người về cơ bản là tốt đẹp và ông đã đi đào lại những sự kiện lịch sử tàn khốc để thực sự kiểm chứng xem con người có ác độc và tồi tệ như vậy hay không. Ơn Chúa, họ không chỉ không tồi tệ, mà còn giàu lòng trắc ẩn, đoàn kết và sẵn sàng cưu mang nhau trong những lúc nguy khó.
Càng đọc, tôi càng cảm thấy tác giả giống một người đi tìm lẽ phải cho nhân loại, bóc tách từng vấn đề, quyết tìm ra sự thật với niềm tin sâu sắc rằng con người là tốt đẹp. Tôi cảm thấy như có một người đồng minh tận tâm đang đứng cùng phe với mình để chứng minh rằng lịch sử và tương lai loài người tràn đầy hi vọng, rằng chúng ta sẽ không đi đến tận thế như các bộ phim hay nói, chúng ta cũng không mê giết chóc và hung hãn, chúng ta bản chất là yêu hoà bình và cùng nhau, con người thực sự có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Một số quyển khác cũng rất hay, rất nên đọc
1. Hội hè miên man (Ernest Hemingway): Đọc để cảm nhận một cái tuổi trẻ tự do và giàu chất thơ của một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ.
2. Tư duy ngược dịch chuyển thế giới (Adam Grant): Thú thực thì tôi cũng không nhớ chính xác quyển này viết về cái gì. Tôi chỉ nhớ cảm xúc nó mang lại cho tôi. Đó là tôi phải chia sẻ nó cho người khác, nhưng đồng thời cũng không muốn chia sẻ cho ai cả.
3. Bẫy 22 (Joseph Heller): Sự lố bịch trong quyển này khiến bạn bật cười và tự hỏi tại sao nước Mỹ lại là phe thắng cuộc trong thế chiến được nhỉ.
4. Vũ trụ (Carl Sagan): Chỉ đơn giản là mọi người đều cần kiến thức cơ bản về vũ trụ và Carl Sagan là người phù hợp nhất để dẫn dắt bạn.
5. Từ tốt đến vĩ đại (Jim Collins): Một công ty vĩ đại là một công ty như thế nào? Làm sao để đi từ tốt (7-8 điểm) lên vĩ đại (10 điểm) mà không phải bán đi linh hồn của mình?
6. Bông hồng vàng và bình minh mưa (K. G. Paustovsky): Mấy quyển trên nặng nề quá nhỉ. Tạm nghỉ và dạo bước trong khu rừng ngập tràn ánh sáng với mấy ông hoạ sĩ nghèo một chút nhé.
7. Thú ăn chơi người Hà Nội (Băng Sơn): Người Hà Nội ăn ít nhưng ngon, chơi nhiều mà vẫn chất. Đời sống cũ kĩ, chậm rãi của người Hà Nội kì thực là sự kết tinh của rất nhiều hoa cỏ, trái cây, thú vui lãng mạn. Nói hoa văn vậy thôi, thực ra đây là một bộ có 3 quyển viết về ẩm thực, thú chơi hoa và một số địa điểm ăn chơi của người Hà Nội xưa. Đọc hay lắm!
Tôi không đọc nhiều sách. Thế nhưng trong số những quyển tôi đọc thì có vài quyển thực sự khiến tôi nhìn nhận thế giới một cách khác đi – một cách tích cực hơn. Do đó, hi vọng những người nghe theo recommend của tôi cũng sẽ có một cái nhìn mới mẻ và tích cực hơn về thế giới và về cuộc sống của chính bản thân mình.
Còn mọi người, nếu recommend 3 quyển sách thì mọi người sẽ chọn 3 quyển nào vậy? Chia sẻ đi, tôi sẽ cố gắng tìm đọc.

Bên em làm anh chị cẩn liên hệ ngay bên em nhé.