4 cách giúp kiểm soát sưng bàn chân do tiểu đường
4 cách giúp kiểm soát sưng bàn chân do tiểu đường
Sưng phù bàn chân khiến người bị tiểu đường đau và khó chịu. Tình trạng sưng phù này thường xảy ra sau khi họ ăn nhiều muối hay ngồi trong thời gian dài. Trong một số trường hợp, sưng phù bàn chân còn là biểu hiệu của các bệnh tiềm ẩn như suy tim sung huyết hay bệnh thận, theo trang thông tin y học MedicineNet (Mỹ).
Để ngăn ngừa và giảm sưng phù bàn chân, người bị tiểu đường có thể áp dụng những cách sau:
Mang vớ nén
Vớ nén sẽ che phủ chân đến tận đầu gối. Khi mang, vớ sẽ tạo một áp lực vừa phải lên bàn chân và cẳng chân, nhờ đó cải thiện quá trình lưu thông máu. Điều này sẽ giúp giảm sưng phù và viêm ở bàn chân.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên mang vớ nén vào ban ngày và cởi ra khi ngủ vào ban đêm. Vớ không nên quá chật vì có thể làm giảm lưu thông máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Hạn chế ăn muối
Muối giúp tạo hương vị đậm đà cho món ăn nhưng ăn quá nhiều sẽ gây huyết áp cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Với người bị tiểu đường, ăn nhiều muối khiến chân dễ bị sưng phù hơn.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện đường huyết, thúc đẩy lưu thông máu và ngăn ngừa sưng phù chân. Các bài tập người bị tiểu đường nên tập là đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy kết hợp các bài tập sức bền với sức mạnh, chẳng hạn như nâng tạ, hít đất hay kéo xà, sẽ giúp kiểm soát đường huyết rất hiệu quả.
Kê cao bàn chân
Những người bị tiểu đường mà thường xuyên bị sưng phù chân thì khi nghỉ ngơi, hãy tranh thủ kê cao bàn chân. Điều này sẽ giúp giảm tích tụ nước ở nửa phần dưới cơ thể. Cách này giúp cải thiện lưu thông máu và giảm sưng phù chân hiệu quả.
Người bệnh có thể kê cao chân khi ngồi trên ghế dài hay nằm trên giường. Nếu làm việc trong văn phòng thì hãy để một chiếc ghế nhỏ và kê chân lên đó, theo MedicineNet.