4 cuốn sách mình sẽ giới thiệu cho mọi người mình gặp
Ngay khi đọc xong bài viết nội dung tương tự của tác giả Juvenil, mình đã đặt cuốn Dự án Rosie và hừng hực khí thế để viết một bài “must-read” của mình.
Thật sự viết giới thiệu sách hơi “khoai” đối với mình, nên mình sẽ viết về cảm nhận thôi, mong mọi người nếu có thời gian hãy trực tiếp đọc những cuốn mà mình recommend dưới đây.
1.Con đường chẳng mấy ai đi – Scott Peck
Đến một lúc nào đó (đặc biệt tầm 18-24 tuổi, đang chán) thì chúng ta sẽ thắc mắc những câu hỏi “vĩ mô” mang tính hiện sinh, hay về những khái niệm mà chúng ta nghĩ chúng ta đã hiểu: tình yêu, đức tin,….. Mình là một ví dụ cho việc đó, và thật may mắn mình đã vô tình gặp được cuốn “Con đường chẳng mấy ai đi” đã giúp mình giải quyết những câu hỏi “thời đại” này một cách gọn ghẽ. Và mình rất muốn chia sẻ cuốn sách này với mọi người.
Scott Peck là một bác sĩ tâm lý dày dạn kinh nghiệm đã tốt nghiệp tại đại học Harvard và được coi là một trong những nhà tâm lý có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Cuốn sách này đã được ông biên soạn dựa trên những trải nghiệm thực tế của bản thân và được trình bày theo hướng “dân dã” chứ không hề nặng tính chuyên môn nên làm người đọc rất dễ tiếp cận.
Một đặc điểm khác là cuốn này khó có thể tóm tắt, bởi lẽ chủ đề nó bao hàm rất rộng lớn và được bàn đến vừa đủ sâu cho người đọc phổ thông. Cuốn sách không quá chuyên sâu để dành cho các chuyên gia, và cũng không quá nông như một vài cuốn self help khác, và được trình bày dễ hiểu để người đọc có thể nắm được nó trong khoảng 1-2 lần đọc.
Trước đây, mình đã đọc thử Nhập môn phân tâm học của Freud, Hiểu về con người của Adler,… và thấy khá khó hiểu (đọc 2-3 lần vẫn thấy lùng bùng), thì trong Con đường chẳng mấy ai đi, Dr. Peck đã dùng những lý thuyết phân tâm học để giải thích nhiều ca khám bệnh của ông một cách tài tình đến nỗi sau khi đọc xong cuốn này mình cảm giác mình có thể hiểu Freud/Adler nhiều hơn cả khi chưa đọc sách của họ. Cuốn này nếu có đổi tên thành “Phân tâm học ứng dụng” thì mình cũng không lấy làm lạ lắm. Nhưng mình thích tên “Con đường chẳng mấy ai đi” (cũng liên quan đến ý tưởng chính của cuốn sách).
2. Tôi tự học – Nguyễn Duy Cần
Trong tủ sách của vị học giả này còn nhiều cuốn sách khác cũng rất xuất sắc nhưng mình thấy nếu chỉ đọc 1 cuốn trong đó thì nên là cuốn này. Bởi lẽ, thế giới bây giờ phát triển cực nhanh, với sức mạnh đòn bẩy từ internet, và giờ là AI, sẽ dẫn đến một hệ lụy là sự đào thải cực mạnh từ xã hội. Và để chống lại điều đó, không gì hơn là phải liên tục làm mới bản thân. Còn cách nào khác để làm mới bản thân hơn là tự học.
Một thực trạng hơi buồn là kĩ năng tự học là một kĩ năng thiết yếu, đặc biệt với hoàn cảnh xã hội hiện nay, nhưng mình khá chắc không ai trong số chúng ta đã được dạy cách tự học khi còn ở trong trường. Chính vì vậy, cuốn sách Tôi tự học có thể coi như một cuốn sach gối đầu giường của bất kì.
Một điểm mình rất thích ở cuốn này (cũng như rất nhiều những cuốn khác của cụ Nguyễn Duy Cần) là nó rất ngắn gọn (cuốn này 260 trang). Ngắn gọn nhưng rất đầy đủ và mạch lạc. Cụ trình bày theo cùng một cách: nêu luận điểm -> giải thích -> lấy ví dụ -> dẫn đến luận điểm khác khiến người đọc có thể nắm được ý chính mà không bị phân tâm bởi những ý tưởng râu ria bên lề. Những điển tích cổ Trung Hoa, những trích dẫn từ các học giả nước ngoài đều rất duyên dáng và đúng trọng tâm khiến việc hiểu những gì cụ muốn nói dễ dàng.
3. Những niềm vui khám phá – Richard Feynman
Cuốn sách này là tổng hợp những buổi nói chuyện của Richard Feynman – một trong những nhà vật lý lý thuyết xuất sắc và có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20 – về những vấn đề trong xã hội.
Dưới cương vị một nhà khoa học, ông đã đạt giải Nobel Vật lý năm 1965. Không có gì phải bàn về khả năng chuyên môn nhưng mình rất ấn tượng với cách Feynman tiếp cận với khoa học. Đơn giản là thuần một sự tò mò và hiếu kì với thế giới tự nhiên, không hề mong muốn danh vọng. Ông luôn tiếp cận mọi vấn đề không một chút định kiến. Mình đoán cách Feynman nhìn mấy hạt quark chạy nhảy lung tung dưới kính hiển vi cũng sáng lên như cách đứa trẻ thấy bóng đèn nhấp nháy vậy. Ông luôn đặt câu hỏi cho mọi việc, nhìn mọi thứ một cách hiếu kì, các bạn sẽ hiểu thêm khi đọc cuốn sách Những niềm vui khám phá của ông.
Richard Feynman không chỉ là một nhà khoa học tài năng, mà ông còn là một nhà giáo thiên tài. Những khán phòng mà ông dạy luôn chật kín người, và nó xuất sắc đến nỗi Caltech phải ghi lại và lưu trữ nó để làm một “tiêu chuẩn” cho việc dạy vật lý ở trường đại học. Cách ông giải thích vấn đề làm mình thật sự tin rằng chúng ta có thể giải thích mọi thứ cho một đứa trẻ 5 tuổi nếu chúng ta hiểu về vấn đề đó một cách đủ sâu sắc. Cách giải thích thường thấy của Feynman là: ông lấy những hình ảnh so sánh đời thường để miêu tả những thứ trừu tượng. Nghe đơn giản đúng chứ, nhưng mình không thể hình dung cách để miêu tả hình học giải tích bằng ngôn ngữ đời thường nó như nào. Ấy vậy mà Feynman làm được điều đó, đó chính là thứ khiến ông trở thành một nhà giáo vĩ đại. Không những thế, ông còn làm những hình ảnh đó trở nên hài hước qua những câu chuyện dí dỏm của mình. Đọc đoạn trích sau trong cuốn sách mình giới thiệu, chúng ta sẽ thấy được sự “thiên tài” của ông dưới cương vị một nhà giáo:
Trong cuộc nói chuyện giữa 2 cô gái, một cô giải thích rằng nếu muốn tạo ra một đường thẳng, bạn phải đi sang phía bên phải một ô nhất định ở mỗi dòng khi bạn đi lên trên, tức là nếu bạn mỗi lần dịch chuyển cùng một lượng khi bạn đi lên một dòng, bạn sẽ tạo ra một đường thẳng. Một nguyên lý sâu sắc về giải tích hình học ! ….. Cô ấy tiếp tục giải thích: “Giả sử có 1 đường thẳng khác xuất phát từ phía bên kia và nếu cậu muốn xác định chúng giao nhau ở đâu. Giả sử trên một con đường, bạn đi 2 ô sang phải mỗi 1 lần và đi lên 1 dòng, còn trên đường thẳng kia bạn phải đi sang 3 ô đối với mỗi lần đi lên 1 dòng, và 2 đường xuất phát cách nhau 20 ô” Tôi thực sự sửng sốt. Cô ta đã chỉ ra đúng điểm cắt nhau của 2 đường thẳng. Hóa ra cô ta đang chỉ cho cô bạn về cách để đan 1 cái tất có vân
Thử tưởng tượng, bạn nghiên cứu về vật lý, được mời gặp những nhà vật lý khác, cùng nhau chế tạo bom nguyên tử (Dự án Mahattan), đứng xa đeo kính râm ngắm nó nổ trên 1 con xe Jeep, rồi về đại học giảng cho sinh viên về cách các hạt tương tác nhau. Đó chính là cuộc đời kỳ thú của Richard Feynman. Còn gì tuyệt hơn được nghe trực tiếp ông kể về những hành trình kì thú của mình cơ chứ. Mình đã cười rất nhiều khi đọc cuốn sách này.
4. Hà Nội băm sáu phố phường – Thạch Lam
Là một người con xa xứ, tập bút kí mỏng về Hà Nội của Thạch Lam chắc chắn là món ăn tinh thần mình sẽ luôn lôi ra nhâm nhi mỗi khi nhớ Việt Nam.
Mình đố các bạn nếu đã từng ở Hà Nội mà giờ không ở Hà Nội nữa, đọc về phần “Quà Hà Nội” của Thạch Lam mà không ứa nước miếng, lòng bồi hồi nhớ đến thủ đô được. Mỗi khi đọc xong, mình đều phải ngồi ngay dậy viết list những món cần ăn khi về Việt Nam.