9 tháng đầu năm 2024, ngành Xây dựng tăng trưởng 7,48% so với cùng kỳ
9 tháng đầu năm 2024, ngành Xây dựng tăng trưởng 7,48% so với cùng kỳ
(Xây dựng) – Ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị tổng kết. |
Hoàn thành nhiệm vụ đề ra
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước tăng 7,48% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt trên 43,7%, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước đạt 26,5m2 sàn/người, tăng 0,9m2 so với năm 2023.
Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 93%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 16%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý 18%.
Trong công tác sản xuất vật liệu xây dựng, sản lượng sản xuất xi măng đạt khoảng 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023, tiêu thụ đạt 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 311 triệu m2, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tiêu thụ khoảng 270 triệu m2 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất vật liệu xây đạt khoảng 16,7 tỷ viên QTC, trong đó gạch đất sét nung là 12,9 tỷ viên, gạch không nung chiếm 23%…
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến tích cực, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được giao. Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ đã hoàn thành 17 văn bản, xin và được lùi thời hạn hoàn thành 2 Thông tư; xin rút khỏi Chương trình 1 Thông tư.
Hiện nay, Bộ đã trình và được Chính phủ thông qua chính sách, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; được Chính phủ thống nhất, được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. |
Trong công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc, Bộ Xây dựng đang thực hiện đúng tiến độ dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đảm bảo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Bộ đã thẩm định, tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ 9 nhiệm vụ và 12 đồ án; có ý kiến đối với 93 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch kiến trúc thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh; Phê duyệt theo thẩm quyền 13 nhiệm vụ/đồ án.
Trong công tác quản lý phát triển đô thị, tính đến hết tháng 8/2024, toàn quốc có 907 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 21 đô thị loại I, 39 đô thị loại II, 43 đô thị loại III và 96 đô thị loại IV. Bộ tiếp tục tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quyết định công nhận loại đô thị, đạt tiêu chí đô thị.
Về triển khai xây dựng Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cung cấp thông tin, dữ liệu quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội nghị. |
Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu thành lập Cổng thông tin giám sát trực tuyến về chỉ số cấp nước và chất lượng nước sạch của hệ thống cấp nước, Điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2035…
Trong công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã thực hiện chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nghiên cứu soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Về triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ đã tổ chức thành công các Hội nghị triển khai Đề án, họp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Qua tổng hợp báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn.
Trong công tác quản lý hoạt động xây dựng, kinh tế xây dựng và giám sát chất lượng công trình, Bộ đã tiếp nhận thẩm định 73 hồ sơ thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình; 640 dự án thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; tổ chức 93 đợt kiểm tra, nghiệm thu công trình xây dựng; Thường xuyên theo dõi tình hình công bố bộ đơn giá xây dựng, tình hình biến động giá vật liệu xây dựng và công bố giá tại các địa phương…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội nghị. |
Trong công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030”, “Đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng”; Xây dựng báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng chủ động, tích cực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Sắp xếp lại doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh; Thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ với các nước Cuba và An-giê-ri…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong 9 tháng đầu năm 2024 như tình trạng văn bản chậm muộn, quá hạn vẫn còn tồn tại; Thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc; Chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu; Hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền…
Tập trung xây dựng pháp luật, bám sát chương trình, kế hoạch đề ra
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, khó khăn, vướng mắc và các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) mong muốn Bộ Xây dựng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc tái cơ cấu, giảm thuế clinker, hỗ trợ về cấp phép khai thác khoáng sản…
Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) có doanh thu 9 tháng đầu năm vượt kế hoạch, dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ đạt và vượt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Tuy nhiên, LILAMA cũng dự báo tình hình trong năm 2025 sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm các dự án, công việc mới. Hiện nay, LILAMA đang tiếp tục làm việc với Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera để tìm kiếm các hợp đồng chế tạo module điện phân cho các dự án sản xuất hydro xanh. LILAMA cũng mong muốn Bộ Xây dựng giúp đỡ tháo gỡ vướng mắc trong công tác thoái vốn Nhà nước.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) mong muốn Bộ Xây dựng hỗ trợ công tác tổ chức nhân sự, tìm kiếm người thay thế Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Việt Hùng đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Về phía các đơn vị đào tạo, Đại học Kiến trúc Hà Nội đã báo cáo về công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo, kiện toàn đội ngũ nhân sự, phát triển cơ sở vật chất… của nhà trường. Đơn vị chia sẻ khó khăn trong công tác đào tạo, tuyển sinh, nâng lương cơ bản…Nhân dịp này, Đại học Kiến trúc Hà Nội mong muốn Bộ Xây dựng hỗ trợ thực hiện Đề án tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án tự chủ, đồng thời tích lũy tài chính nhằm chuẩn bị cho lộ trình tự chủ. Nhà trường kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm giúp đỡ Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về Đề án tự chủ, phê duyệt dự án xây dựng cơ sở tại Thủ Đức, mua sắm trang thiết bị và tăng thêm chỉ tiêu tuyển dụng.
Đại diện Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, một số đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 9 tháng đầu năm. Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, 5 doanh nghiệp thuộc Bộ cơ bản hoàn thành kế hoạch 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Đề án tự chủ của các đơn vị đào tạo vẫn chưa đạt yêu cầu, cần được điều chỉnh. Đồng thời, các trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tiền lương cho cán bộ, nhân viên…
Cục Phát triển đô thị đã hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Cục Hạ tầng kỹ thuật đang triển khai xây dựng Luật Cấp thoát nước, Nghị định về quản lý cây xanh đô thị đúng tiến độ. Trung tâm Thông tin đang hoàn thiện Đề án chuyển đổi số và phối hợp với Cục Quản lý hoạt động xây dựng để triển khai các nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chưa theo sát tiến độ, dẫn đến nhiều công việc chưa hoàn thành đúng hạn. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp cũng cần được xem xét và đổi mới để phù hợp với giai đoạn mới, đồng thời phải sắp xếp lại các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói thêm về việc rà soát, tăng cường công tác kiểm tra quản lý tại các địa phương trong giai đoạn mới. Về xây dựng thể chế, Thứ trưởng lưu ý việc cần sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật Cấp thoát nước. Nghị định về cây xanh đô thị và định hướng chiếu sáng đang được triển khai, cần đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn vẫn còn chậm, cần được đẩy nhanh triển khai.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh, Luật Phòng cháy chữa cháy cần được tiếp tục được trao đổi. Các đơn vị chuyên môn của Bộ cần rà soát để đảm bảo Luật khả thi và đồng bộ. Trong lĩnh vực đào tạo, Thứ trưởng đề nghị các trường khẩn trương hoàn thiện Đề án tự chủ theo nhiệm vụ được giao và tăng cường tuyên truyền tuyển sinh để thu hút sinh viên.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh phát biểu tại Hội nghị. |
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng yêu cầu các đơn vị thực hiện những nội dung cụ thể như hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị giai đoạn 2026-2030; Ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Xây dựng; Phát triển dữ liệu cơ sở quốc gia về hoạt động xây dựng…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, ngành Xây dựng đã đạt được kết quả khá tích cực và toàn diện trong 9 tháng đầu năm 2024. Các nhiệm vụ đề ra cơ bản hoàn thành như: Phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng, quý, đảm bảo chất lượng công trình…
Chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung thực hiện công tác xây dựng pháp luật, bám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra, trong đó lưu ý các Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, đồng thời tăng cường truyền thông chính sách.
Cục Phát triển đô thị và các đơn vị có trách nhiệm cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về đô thị. Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, ngoài Luật Cấp thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật còn phải lưu ý về Luật Cây xanh đô thị, Nghị định về quản lý không gian ngầm đô thị, lưu ý vấn đề ngập úng trong các đô thị…
Trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cần phối hợp với Vụ Pháp chế tập trung hướng dẫn các địa phương thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan; Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; Thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội; Sớm ban hành chính sách nhà ở cho người có công.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các nội dung sắp xếp đơn vị hành chính, ban hành tiêu chí, chương trình đô thị xanh, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai thực hiện quy hoạch về vật liệu xây dựng, xử lý các dự án tồn đọng…
Trong khi đó, các doanh nghiệp cần rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, xem xét công tác thoái vốn…Các đơn vị sự nghiệp công lập phải rà soát lại kế hoạch tự chủ, quan tâm công tác quản lý nội bộ, cán bộ, nhất là xây dựng Đảng.