91% trẻ em truy cập internet nhưng chỉ 10% biết cách sử dụng an toàn

Tháng mười 4, 2024

91% trẻ em truy cập internet nhưng chỉ 10% biết cách sử dụng an toàn

91% trẻ em truy cập internet nhưng chỉ 10% biết cách sử dụng an toàn- Ảnh 1.

Đại tá Võ Quốc Công, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, phát biểu trong hội thảo

ẢNH: ĐH CSND

Thông tin được chia sẻ trong hội thảo “Xâm hại tình dục trẻ em qua mạng và giải pháp phòng, chống” do Trường ĐH Cảnh sát nhân dân tổ chức chiều 4.10. Hội thảo thu hút gần 150 nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ công an và chuyên gia thuộc Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc tham dự.

Một năm xử lý hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em

Đại tá Võ Quốc Công, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, cho biết từ thông tin được chia sẻ trong hội thảo đã cho thấy tình hình trẻ em sử dụng mạng ngày càng phổ biến, những yếu tố độc, xấu, có hại trên mạng và những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ các em trở thành nguy cơ bị xâm hại tình dục rất đáng lo ngại. Những yếu tố độc, xấu trên mạng ngày càng gia tăng, đã tác động gây ra nhiều hệ lụy, tác hại đối với trẻ em, là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua mạng diễn biến khá phức tạp.

Đại tá Võ Quốc Công đã chỉ ra các thủ đoạn phổ biến như: thông qua dịch vụ mạng xã hội; sử dụng hình ảnh giả mạo là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ em để dễ tiếp cận; sử dụng vật chất để dụ dỗ trẻ em… Đáng chú ý là thủ đoạn đối tượng tạo ra thông tin ảo trên mạng xã hội, nhằm mục đích xây dựng hình ảnh bản thân đối tượng là người rất thành đạt (có cuộc sống rất khá giả, có kiến thức uyên bác, từng trải…) để tác động đến tâm lý của trẻ em, nhất là trẻ em gái. Từ đó khiến cho trẻ em tin tưởng, thậm chí coi đối tượng như là “thần tượng”, là chỗ dựa về tinh thần của trẻ em, và sau đó bắt đầu có hành vi lừa gạt, dụ dỗ trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho thấy Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em (chiếm gần 25% dân số). Trong đó, gần 97% trẻ em sử dụng mạng internet. Đáng lưu ý, có tới 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 và 93% trẻ em từ 14-15 tuổi, sử dụng mạng internet.

Bổ sung thông tin, thượng tá Nguyễn Ngọc Trai, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, cho biết số liệu thống kê đến đầu năm 2024 tại Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng hơn 168 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng internet đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội.

Từ các số liệu trên, thượng tá Nguyễn Ngọc Trai cho rằng: “Việc tiếp xúc với internet, hoạt động trên môi trường mạng từ rất sớm thông qua các thiết bị kết nối thông minh đã tác động đáng kể đến trẻ em ngày nay, là môi trường thuận lợi để phát triển trí tuệ, mở rộng giao tiếp xã hội… Tuy nhiên, cũng chính môi trường đó đã tạo ra, làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng, trong đó, xâm hại tình dục là một trong các nguy cơ gây tổn thương sâu sắc và để lại những hệ lụy, hậu quả nặng nề nhất”.

Dẫn chứng nhận định trên, thượng tá Nguyễn Ngọc Trai dẫn ra số liệu từ báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, từ năm 2020 – 9.2023 cả nước phát hiện 7.483 vụ, với 7.883 trẻ em bị xâm hại (trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ trên 80%). Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, chỉ tính năm 2023, lực lượng công an trên toàn quốc tiếp nhận, phát hiện, điều tra xử lý 2.063 vụ xâm hại trẻ em, với 2.192 trẻ em bị xâm hại (chiếm 12,5%). Trong đó, xâm hại tình dục là 1.677 vụ, xâm hại 1.747 em (chiếm 81,2%). Các vụ lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, phát hiện 295 vụ (chiếm 14,3%).

91% trẻ em truy cập internet nhưng chỉ 10% biết cách sử dụng an toàn- Ảnh 2.

Thạc sĩ Trịnh Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo

ẢNH: ĐÌNH PHÚC

Cần sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ trẻ bị xâm hại

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Trịnh Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM, cho biết theo số liệu ghi nhận trong 2 năm (2023-2024), các cấp Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM tiếp nhận báo cáo 7 vụ việc làm quen, dụ dỗ qua mạng để xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó làm quen qua Facebook 5 vụ, qua Zalo 2 vụ. Trên thực tế, thạc sĩ Thanh cho rằng con số này cao hơn do có những gia đình và nạn nhân không khai báo và còn nhiều hình thức khác mà trẻ em hoặc gia đình không nhận biết, không tiết lộ.

Trong số các giải pháp nêu ra, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM nhấn mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng tham gia trên môi trường mạng. “Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt việc quản lý con vào mạng internet một cách tích cực, giúp con phòng tránh những nguy cơ trên mạng. Bên cạnh đó là hiểu về các loại hình và nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng, nhận biết được các dấu hiệu con bị xâm hại để can thiệp kịp thời và giữ bình tĩnh trong mọi tình huống để tránh chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con…”, thạc sĩ Thanh nói.

Cũng theo thạc sĩ Thanh, trẻ em cần được hướng dẫn, giáo dục, trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng, đặc biệt là nhóm trẻ em gái và nhóm trẻ dễ bị tổn thương. “Hướng dẫn các em ngay từ nhỏ các kiến thức, kỹ năng số thiết yếu; quy định về hành vi, chuẩn mực, quy tắc ứng xử trên không gian mạng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn. Đặc biệt là hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản, tình dục”, thạc sĩ Thanh nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp trên, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM chia sẻ kết quả khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy trẻ em còn thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng, khi 91% trẻ em trai và trẻ em gái tham gia khảo sát có truy cập internet nhưng chỉ 10% trong số đó có kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Trong số các nhóm giải pháp được đề cập, đại tá Võ Quốc Công cũng đề cập đến vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân cho rằng cần tăng cường gắn kết mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội nhằm tạo sợi dây liên kết chặt chẽ trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được phát triển an toàn, lành mạnh, toàn diện. Đặc biệt cần sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để các em bị xâm hại.