Chúng ta chỉ là những bụi sao trời
Tháng chín 17, 2024
Vượt hàng tỷ năm để gặp nhau, vậy sao không tử tế với nhau
Mình từng nghĩ “Chúng ta là những bụi sao trời” chắc là một câu nói văn hoa nào đó dành cho những người yêu nhau.
“Anh và em từng ở bên nhau 13,8 tỷ năm trước, thế rồi vụ nổ lớn xảy đến. Những ngôi sao bừng cháy rồi lụi tàn, những nguyên tử bụi sao biến hóa qua hàng vạn năm để anh bên cạnh em hôm nay.”
Mình từng là đứa không biết gì về vũ trụ, không biết dải ngân hà và thiên hà là gì, Trái Đất là hành tình hay là một ngôi sao.
Và vì rõ hiểu biết của mình còn hạn hẹp cùng niềm tò mò tìm hiểu, mình tìm đọc cuốn Vũ trụ của Carl Sagan, cuốn sách chiễm chệ nằm trong danh sách bán chạy của tờ New York Times suốt bảy mươi tuần.
Hóa ra vũ trụ trữ tình như vậy thật.
Trong chương IX mình vừa đọc về Đời sống của những ngôi sao, hóa ra tất cả những nguyên tố của Trái Đất đều được “chế biến” từ vụ nổ của những ngôi sao hàng tỷ năm về trước, trừ hai khí cơ bản của vũ trụ – hydro và heli – được hình thành từ vụ nổ lớn.
Khi ban đêm ta ngước nhìn lên trời và thấy các sao, thì mọi thứ mà ta thấy sáng lấp lánh đó là nhờ sự tổng hợp hạt nhân. Bốn hạt nhân hydro kết hợp để tạo thành một heli, đồng thời thoát ra một photo (quang tử) khỏi bề mặt sao dưới dạng ánh sáng nhìn thấy được. Khi hydro ở tâm ngôi sao cạn kiệt, nếu lực hấp dẫn của ngôi sao đủ lớn để bắt đầu hiệp phản ứng tổng hợp hạt nhân tiếp theo với khí heli, nó có thể tiếp tục vụt cháy sáng sinh ra phân tử cacbon và oxy.
Các nguyên tử được tổng hợp trong lòng các sao thường lại trở về với khí giữa các sao: hydro tổng hợp thành heli, heli thành cacbon, cacbon thanh oxy, và sau đó là neon, magie, silic, lưu huỳnh và sắt lần lượt được tạo ra. Những nguyên tố quay trở lại với khí giữa các sao, nơi chúng bị cuốn vào đợt suy sập của mây khí để hình thành nên sao và hành tinh. Trái Đất được hình như như vậy đó.
Nghĩ mà xem, canxi trong răng chúng ta, sắt trong máu chúng ta, nito trong ADN chúng ta,… đều được làm ra từ trong lòng các ngôi lòng.
Chúng ta được là ra từ vật chất của các ngôi sao.
Chúng ta chỉ là hạt bụi trong vũ trụ bao la
Đọc Vũ trụ, mình cảm nhận sâu sắc chúng ta bé nhỏ ra sao trong vũ trụ bao la rộng lớn kia.
Như chú ếch nhìn lên bầu trời, ta thấy bầu trời thật rộng lớn. Ta nhìn từ miệng giếng nhìn lại, chú ếch chỉ bé tí teo.
Con người là loài động vật bậc cao nhất sinh sống trên Trái Đất. Nhìn từ mặt đất, bầu trời thật rộng lớn. Nhìn từ Mặt Trăng, vệ tinh duy nhất của Trái Đất, chúng ta chỉ là một “viên bi xanh”.
Tiếp tục zoom nhỏ toàn cảnh, Trái Đất chỉ là một hành tinh nằm trong hệ Mặt trời.
Tiếp tục nhỏ bé hơn nữa, hệ Mặt trời nằm trong một thiên hà (galaxy) có tên Dải Ngân Hà (Milky way). Nhưng nếu muốn tìm thấy Trái Đất, chúng ta phải đổi hướng đi ra vùng ngoại ô của thiên hà chúng ta, tới một nơi mờ nhạt gần rìa của một tay xoắn xa xôi. Chúng ta giờ đây chỉ là một trong khoảng 100 – 400 tỷ hành tinh có xoay quanh một “Mặt trời”.
Liệu có sự sống nơi vũ trụ xa xôi
Con người luôn khao khát tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Từ thập niên 1960, cộng đồng khoa học liên tục cố gắng phát hiện tín hiệu từ những nền văn minh cao cấp. Từ kính viễn vọng vô tuyến quét bầu trời tìm sóng lạ, tìm kiếm dấu hiệu của siêu cấu trúc, ô nhiễm khí quyển hoặc sự phát thải năng lượng, những đến nay vẫn chưa có sự sống nào được phát hiện.
Không chỉ tìm kiếm dấu hiệu đến, các nhà khoa học còn gửi đi các thông điệp từ Trái Đất. Trong số đó có bộ đôi tàu Voyager 1 và 2 phóng năm 1977. Mỗi con tàu mang theo một chiếc đĩa vàng chứa bộ sưu tập âm thanh và hình ảnh được lựa chọn để minh họa tính đa dạng của sự sống và văn hóa trên Trái Đất.
Thế nhưng không phải chiếc đĩa vàng, điều khiến mình ấn tượng lại chính là những điều kỳ diệu, điểm rẽ nhánh trong lịch sự đã làm nên sự sống trên Trái Đất.
Các nhà khoa học tạo ra phương trình Drake, một công thức toán học giúp xác định xác suất tìm thấy sự sống hoặc nền văn minh ngoài Trái Đất trong vũ trụ. Trong hàng nghìn tỷ hành tinh trong dải Ngân Hà, có biết bao tham số giới hạn khả năng có sự sống, có một nền tiến bộ khoa học.
Trong khoảng 400 tỷ ngôi sao trong dải Ngân Hà, ước khoảng chỉ có 1/3 ngôi sao có khả năng có hệ hành tinh. Nếu mỗi hệ có khoảng 10 hành tinh như hệ Mặt Trời thì sẽ có khoảng 1.000 tỷ hành tinh trong dải Ngân Hà.
Thế nhưng liệu có bao nhiêu hành tinh trong số đó phù hợp với sự sống về mặt sinh thái, và trong số đó có bao nhiêu hành tinh thực sự có sự sống xuất hiện. Trong hệ Mặt Trời, dẫu có 4 hành tinh hứa hẹn có sự sống, chỉ có Trái Đất thực sự có sự sống xuất hiện.
Mình cảm thấy thật sự kỳ diệu và may mắn khi Trái Đất đã phát triển một hình thái sinh vật thông minh là giống loài Homo Sapien chúng ta ngày nay, để mình ngồi đây gõ những dòng chữ này.
Chúng ta chỉ là những bụi sao trời vượt hàng tỷ năm để gặp nhau
Đọc về vũ trụ bao la để thấy chúng ta nhỏ bé đến chừng nào. Để rồi mình cảm nhận rõ cuộc sống vô thường biết bao nhiêu.
Nhìn về Trái Đất, về những trận lũ lụt và biến đổi khí hậu, về những chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất, suy cho cùng là bảo vệ chính con người chúng ta mà thôi. Chúng ta gọi Trái Đất “chết” khi sự sống không thể tiếp tục, khi loài người chết. Khi đó Trái Đất trở thành giống như các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, như hàng tỉ hành tinh khác trong vũ trụ, và nó vẫn tồn tại ở đấy mà thôi.
Có lẽ Trái Đất chỉ quan trọng đối với riêng chúng ta.
Trái Đất là ngôi nhà xinh đẹp của chúng ta – nơi có những bầu trời nito màu xanh nhạt, những đại dương nước lỏng, những cánh rừng mát mẻ, những cánh đồng cỏ mềm và xanh mướt. Đó là ngôi nhà mà chúng ta cần bảo vệ.
Nhìn về con người, với những phông bạt và sân si, những giả dối lừa lọc, những ganh đua áp lực, soi mói, hiềm khích, tất cả với mình hóa nhẹ như một hạt bụi. Như Trái Đất là một hạt bụi trong vũ trụ bao la này.
Chúng ta được tạo nên từ những bụi sao trời.
Có những ngôi sao tử tế đã phát nổ để sinh ra vật chất tạo nên chúng ta ngày hôm nay. Trong vô vàn những biến chuyển của vũ trụ, có những điều kỳ diệu liên tiếp xảy đến để tạo nên loài người. Và chỉ trong Trái Đất, trong cuộc đời của một con người mà thôi, có những cơ duyên đã đưa chúng ta gặp nhau, biết đến nhau hay chỉ lướt nhẹ qua đời nhau.
Chúng ta được tạo nên từ những bụi sao trời, vượt hàng tỷ năm để gặp được nhau, đó đã là một điều đẹp đẽ. Và còn điều gì đẹp đẽ hơn khi ta đối xử tử tế và chân thành với nhau.
—-
Được gặp gỡ bạn đã là một điều tuyệt vời. Gửi tới bạn một bài hát hay của tháng 9:
Theo dõi blog chính trên substack của mình để không bỏ lỡ bài viết mới nào nhó!