HỌC TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRÊN ĐẤT MỸ, NHỮNG TUẦN ĐẦU TIÊN (Phản tư, 1)

Tháng chín 18, 2024

Sau rất nhiều đắn đo, mình quyết định ghi chép lại những suy nghĩ cá nhân trong hành trình học để trở thành nhà Tham vấn Trị liệu Tâm lý ở góc nhỏ xinh này. Vì sao lại đắn đo?
Vì chắc chắn hành trình này sẽ có những cảm nhận rất cá nhân, chạm tới những góc khuất dễ tổn thương bên trong mình; cũng sẽ có những suy nghĩ chủ quan và sơ khai về những kiến thức mới được tiếp nhận. Công khai những điều này có thể gây hại cho mình, có thể tạo ra những tranh cãi không đáng có. Sau cùng, mình vẫn quyết định viết.
(Cùng lắm đoạn nào riêng tư quá thì xoá đi, giữ lại cho riêng mình, kiến thức thì luôn luôn được bồi đắp, nay non nớt thì mai chín chắn hơn :)) nhiều khi hay ô dề thinking thế đấy)
Mong muốn lớn nhất của mình với những phản tư này là để mọi người hiểu hơn về tham vấn trị liệu, để gia đình yên tâm là cái con bé này đang học được cái nghề tử tế chứ không chỉ ba láp linh tinh, và để các đồng nghiệp có thêm cơ hội cùng nhau học hỏi.
Bản thân các môn học của mình đều có cấu phần phản tư và báo cáo với giảng viên. Đây là yêu cầu bắt buộc để các nhà trị liệu tương lại hiểu về mình trước khi cố gắng hiểu về người khác. Giữa các bài phản tư mình viết, sẽ có sự khác biệt, và việc phản tư về những sự khác biệt này, chắn chắn cũng là một cái hay.
—-

MỘT CHÚT VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC CỦA MÌNH

Mình theo học Thạc sĩ ngành Trị liệu Tâm lý Cặp đôi/Hôn nhân và Gia đình. Nghĩa là, mình sử dụng các lý thuyết tâm lý học phân tích cá nhân trong bối cảnh các mối quan hệ khác nhau (bắt đầu từ mối quan hệ gần gũi và quan trọng nhất, mối quan hệ gia đình) để can thiệp tâm lý cho cá nhân, cặp đôi, và gia đình. Đây được gọi là các Lý thuyết Hệ thống [systemic theories]
Mình theo học tại University of Rochester theo học bổng toàn phần của chính phủ Hoa Kỳ, Fulbright Student Program. Một điểm thú vị là trường mình là nơi khai sinh ra tiếp cận Bio-Psycho-Social [Cơ thể – Tâm lý – Tương tác xã hội] được ứng dụng trong trị liệu cặp đôi gia đình hiện nay. Khoa của mình cũng nằm trong bệnh viện của trường và trường đào tạo các sinh viên y khoa luôn!
Thông tin này quan trọng vì hai lý do sau:
Bọn mình là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ công. Nghĩa là bọn mình sẽ phải đưa ra chẩn đoán rối loạn tâm thần để thân chủ được hưởng bảo hiểm xã hội (mặc dù nhiều khi không hề muốn gán nhãn “bệnh” cho ai đó khi không cần thiết. Kiểu… thân chủ đến vì cãi nhau với chồng quá nhiều, và đem về một chẩn đoán Rối loạn Nhân cách Ranh giới chẳng hạn…).
Bọn mình làm việc trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa và đa khoa. Nghĩa là bệnh nhân / thân chủ sẽ được chăm sóc cực kỳ toàn diện. Bọn mình cũng có những buổi thảo luận chuyên đề cùng các bác sĩ tâm thần cũng như được học cách vận hành của hệ thống công để làm việc hiệu quả nhất.

XIN CHÀO NƯỚC MỸ!

Hai tuần đầu tiên, đầu óc mình gần như trắng xoá vì lu bu dọn dẹp, sắp xếp ổn định cuộc sống và jetlag… Dù đã từng học cử nhân ở Anh nhưng khi qua tới Mỹ, mình vẫn siêu ngỡ ngàng. Về ngoại hình, người Mỹ thường to lớn gấp rưỡi đến gấp đôi người châu Âu. Các vấn đề phân biệt chủng tộc và phân hoá xã hội ở Mỹ cũng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cộng thêm các vấn đề an ninh xã hội, liên quan tới việc sở hữu và sử dụng súng cũng khiến mình hơi rén :)) Ở đây cái gì cũng to, đất đai bạt ngàn, đi bộ mỏi chân chưa thấy điểm dừng, nên đa số người dân họ đi ô tô.

HỌC VÀ CÁCH HỌC

Tạm gác các vấn đề thích nghi qua một bên, ngay từ buổi đầu tiên, giảng viên đã nhấn mạnh “You get what you put into the program”, nghĩa là “Giá trị nhận về tương ứng với công sức bạn bỏ ra.” Ơ, rõ ràng??
Nhưng không bạn ơi :)) trước mỗi buổi học là 2-3 chương sách và 4-5 bài nghiên cứu cần được đọc kỹ. Lớp học sẽ bắt đầu với câu hỏi “Các bạn có chiêm nghiệm hay câu hỏi gì về bài đọc không?”. Nghĩa là, nếu như câu trả lời là “Không” thì lớp học kết thúc :)) kết thúc thật sự chứ không lờ đờ nhiều chuyện.
Ở một không gian khác, một giảng viên lớn tuổi người Mỹ, hiện đang công tác ở Hà Nội, cũng giảng dạy bộ môn Tâm lý, liên tục chia sẻ với mình sự bức bối của bác về sự thụ động của sinh viên Việt Nam. Cũng là học sinh Việt Nam, mình hiểu nguyên nhân của vấn đề này. Kể ra không phải để chê trách, mà để nếu như bạn vô tình thấy mình trong đó thì chủ động để ý và tìm cơ hội tạo cho mình những cơ hội học tập tốt hơn.
Sau 3 tuần thì mình cũng có một thời gian biểu khá ổn, có đi chơi, có tập tành, ăn ngủ lành mạnh. Mỗi tội chỉ follow được 70% vì toàn ngủ 2h thay vì 12h… It’s okay, cũng không thể quá hoàn hảo được phải không?

VAI TRÒ CỦA NHÀ TRỊ LIỆU

Buổi học đáng nhớ đầu tiên xoáy thẳng vào băn khoăn của mình “Thế cái gì là YẾU TỐ TIÊN QUYẾT trong trị liệu?”. Hai nhà tâm lý học Adrian Blow và Douglas Sprenkle cho biết, hiện nay có hơn 200 mô hình trị liệu tâm lý và hơn 400 kỹ thuật tương ứng với các mô mình này. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, chiếm tới 40% hiệu quả trị liệu, là CÁC YẾU TỐ ĐẾN TỪ CHÍNH THÂN CHỦ như nội lực, niềm tin tôn giáo, mục tiêu, động lực, sự tự chủ.
30% khác tới từ CHẤT LƯỢNG MỐI QUAN HỆ TRỊ LIỆU, đặc trưng bởi sự ấm áp, tôn trọng, chân thành và đồng cảm. Thực sự, có bao nhiêu người trong cuộc đời này có thể lắng nghe ai đó mà không đánh giá, không đưa ra những ý kiến chủ quan để huyễn hoặc người đối diện? Việc “học” trở thành nhà tham vấn chính là “thực hành” nhìn rõ chính mình trong mối tương quan với người khác, để bản thân mình trong suốt như một tấm gương để phản chiếu thân chủ. Nhà trị liệu không thể tránh khỏi việc nhìn thấy bản thân trong câu chuyện của thân chủ, cũng khó để hoàn toàn trung lập với mọi vấn đề để không áp đặt. Tiến trình học làm nhà tham vấn là học cách làm sáng tỏ tất cả những điều trên, để mối quan hệ trị liệu thực sự chân thành và đồng cảm.
15% là TIẾP CẬN TRỊ LIỆU và KỸ THUẬT trị liệu được nhà tham vấn sử dụng. Trái với suy nghĩ của nhiều sinh viên (bao gồm cả mình), yếu tố này không quan trọng đến thế… Nhiều khi, nhà trị liệu quá tập trung vào việc cần phải nói gì, trông ra sao, tiếp cận gì, kỹ thuật như nào, mà đánh rơi sự tập trung đáng lẽ ra phải hướng về thân chủ.
15% cuối cùng là NIỀM TIN và KỲ VỌNG của thân chủ, khi nhà trị liệu cùng thân chủ đưa ra những kỳ vọng đúng đắn, xây dựng được niềm tin vào nhà trị liệu và tiến trình trị liệu.
Như thế nào là kỳ vọng đúng? Chẳng có kỳ vọng nào là hoàn toàn đúng, nhưng chắc chắn sẽ có những kỳ vọng mơ hồ, không rõ ràng hoặc hoàn toàn xuất phát từ mong muốn của nhà trị liệu, chẳng liên quan gì tới thân chủ. Ví dụ: gây ảnh hưởng khiến thân chủ muốn chia tay khi thân chủ không muốn, thân chủ sẽ tốt lên, mà không rõ sẽ tốt hơn như nào, đại loại vậy.

VAI TRÒ XÃ HỘI THÌ SAO?

Nghe thì đao to búa lớn nhưng bản chất của việc trị liệu là thay đổi từ những thứ dễ quan sát nhất như hành vi, suy nghĩ, cảm xúc, cho tới thứ rộng hơn như: cách nhìn nhận về tiền bạc, sự thành công, thái độ với phụ nữ, người thuộc cộng đồng LGBT, người khuyết tật, hay rộng hơn là sự bất công trong xã hội. Chính nhưng nhà nhà tham vấn trị liệu đang góp phần tạo nên một thế giới nhân văn và công bằng hơn.
Cùng trong tuần học về chủ đề công lý xã hội, mình liên tục khóc nấc trước nạn diệt chủng đang diễn ra ở một khu vực khác trên thế giới. Khi việc ủng hộ một nhóm người đồng nghĩa với sự diệt vong của nhóm người còn lại, không một khoảng xám, không một cơ hội cho sự thoả hiệp, mình thấy đau và bất lực… Một người bạn lớn tuổi người Mỹ của mình, đã từng tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, nói rằng “Bác tôn trọng mong muốn và lý tưởng hoà bình của cháu, nhưng có những điều, thực sự chỉ là lý tưởng.”
Mình, mình chọn tin vào lý tưởng.

GIA ĐÌNH…

nguồn sức mạnh, nơi mềm yếu nhất trong tim
Bọn mình bắt đầu học cách vẽ genogram, một mô hình tương tự như phả hệ gia đình, chú thích được rất nhiều đặc điểm của từng cá nhân cũng như tính chất của các mối quan hệ trong gia đình. Giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác, yêu như nào, ghét ra sao, kết hôn, ly dị, quay lại, chăm sóc, từ mặt nhau, đều được biểu thị trên mô hình với các ký tự đủ kiểu hình Mình nhận ra, gia đình, rộng hơn là họ hàng, luôn có những kiểu người, kiểu tương tác, kiểu tính cách được lặp đi lặp lại.
Một người có thể quá tập trung vào những kiểu mẫu tiêu cực mà quên đi những kiểu mẫu tích cực mà mình có thể học hỏi. Mình học được sự gọn gàng từ bố, sự khéo léo ân cần từ mẹ, sự chăm chỉ từ anh, sự sắc xảo từ bà, sự thông thái từ một người bác này, sự điềm đạm từ một người bác kia, sự dí dỏm từ cậu, sự ổn định từ cô, sâu sắc từ một người chị, sự hài hước từ một người anh khác, sự can đảm từ một người cháu xa lắc, vân vân và mây mây. Càng ngày càng thấy biết ơn vì một nền văn hoá giàu sự gắn kết cho mình nhiều nguồn lực nội tại như vậy.
Để làm hoà với sự căm phẫn, đau đớn để tới được giai đoạn tha thứ cho mình, cho gia đình mình lại là một hành trình hoàn toàn khác. Mình đang đọc một cuốn khá hay về chủ đề này, chờ ngày được thảo luận trên lớp.
Mỗi tuần, mỗi người trong lớp sẽ thuyết trình về phả hệ của gia đình họ và những bài học cả lớp cùng nhận ra trong tiến trình làm genogram hay nghe về genogram của người khác. Lớp mình có cả các bạn Mỹ da trắng, các bạn Mỹ nhập cư cho đến các sinh viên quốc tế. Háo hức lắm!! Vừa háo hức, vừa rén, là làm genogram của gia đình mình :))
Nghĩa là gọi điện cho bố mẹ và các bác, hỏi những câu đại loại như
– Ông bà là người như thế nào?
– Ông bà đối xử với nhau ra sao?
– Mối quan hệ của ông / bà và bác / cô / chú abc như thế nào?
– Vào năm abc, chuyện gì xảy ra?…
Giống như tìm hiểu lịch sử, lịch sử gia đình.