Thời gian trôi với tốc độ khác nhau?
Khi chúng ta trẻ, thời gian trôi chậm hơn khi chúng ta đã trưởng thành. Tương tự, khi buồn chán, thời gian dường như kéo dài vô tận. Liệu thời gian có thể thay đổi tuỳ theo cảm nhận và trạng thái của mỗi người?
Lý thuyết tỷ lệ
Con người nhận thức tốc độ thời gian phụ thuộc vào độ tuổi.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy thời gian trôi rất chậm khi chúng ta còn là những đứa trẻ và thời gian dần tăng tốc khi chúng ta lớn lên. Khảo sát của các nhà tâm lý học chỉ ra rằng những người trưởng thành cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn so với khi còn nhỏ 1/2 hoặc 1/4 lần.
Việc cảm thấy thời gian đột nhiên trôi nhanh hơn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viễn vọng, khi con người nghĩ rằng các sự kiện trong quá khứ đã xảy ra gần hơn so với thực tế. Ví dụ, việc đứa con nay đã 18 tuổi bước vào mẫu giáo tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.
Lý thuyết tỷ lệ là đáp án phổ biến khi con người gặp phải tình trạng thời gian tăng tốc. Được nghiên cứu bởi nhà khoa học Paul Janet vào năm 1877, thuyết này mô tả độ dày biểu kiến của một khoảng thời gian tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời con người tỷ lệ thuận với tổng độ dài của cuộc đời.
Nói dễ hiểu, khi con người già đi, mỗi khoảng thời gian sẽ trở thành một phần nhỏ trong toàn bộ cuộc sống của họ. Đơn cử, một đứa trẻ 10 tuổi cảm thấy một năm bằng 1/10 toàn bộ cuộc đời trong khi người đàn ông 50 tuổi chỉ thấy một năm bằng 1/50, dù thời gian một năm không đổi.
Ngoài ra còn có các lý thuyết sinh học về sự tăng tốc của thời gian. Có ý kiến cho rằng, thời gian tăng nhanh liên quan đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể dần chậm lại khi con người trưởng thành bởi tim của trẻ em đập nhanh hơn tim của người lớn.
Cũng từ góc độ sinh học, có lý thuyết cho rằng, con người cảm nhận tốc độ của thời gian dựa vào nhiệt độ cơ thể. Vào những năm 1930, nhà tâm lý học Hudson Hoagland đã tiến hành nhiều thí nghiệm cho thấy nhiệt độ cơ thể gây ra những nhận thức khác nhau về thời gian.
Ý tưởng này bắt nguồn từ một lần vợ của ông bị bệnh cúm. Khi ông rời nhà một chốc lát, bà đã phàn nàn rằng ông bỏ đi quá lâu mà không chăm sóc vợ. Tiếp đó, Hoagland đã kiểm tra nhận thức của vợ về thời gian ở các nhiệt độ khác nhau và nhận thấy nhiệt độ càng cao, con người càng cảm thấy thời gian trôi chậm.
Kết quả này cho thấy, việc tăng nhiệt độ cơ thể của một người có thể làm chậm cảm giác về thời gian lên đến 20%. Đặc biệt, trẻ em có thân nhiệt cao hơn người lớn nên đồng nghĩa chúng cảm thấy thời gian dài hơn người trưởng thành.
Lý thuyết tri giác
Trẻ em thường nhận thấy thời gian trôi nhanh hơn người lớn.
TS Steve Taylor, giảng viên Tâm lý học tại Trường Đại học Leeds Beckett lại cho rằng, nhận thức về thời gian có liên quan đến lý thuyết tri giác. Sự tăng, giảm thời gian phụ thuộc vào nhận thức, trải nghiệm của con người về thế giới xung quanh.
Tốc độ của thời gian phần lớn được quyết định bởi lượng thông tin mà tâm trí con người hấp thụ và xử lý. Con người càng thu nạp nhiều thông tin, thời gian trôi càng chậm. Mối liên hệ này cũng được nhà tâm lý học Robert Ornstein chứng minh vào những năm 1960.
Ông Ornstein đã cho một nhóm tình nguyện viên nghe băng âm thanh với mức độ thông tin khác nhau và yêu cầu nhóm ước tính thời gian nghe băng. Âm thanh nhấp chuột chứa lượng ít thông tin trong khi âm thanh tiếng ồn trong nhà đậm đặc thông tin. Những người nghe cuộn băng có nhiều tiếng động hơn ước tính thời gian nghe lâu hơn dù các cuộn băng có độ dài như nhau.
Điều này cũng phù hợp với sự phức tạp của thông tin. Khi xem tranh, nhóm tình nguyện ước tính thời gian xem bức có nhiều chi tiết lâu hơn bức ít chi tiết dù thời gian cho phép là như nhau. Vì lẽ đó, thời gian trôi chậm hơn với trẻ em do khả năng tiếp nhận thông tin của các em còn hạn chế.
Ngược lại, khi già đi, con người mất đi cường độ nhận thức cao như hồi trẻ nên thế giới trở thành một nơi buồn tẻ, quen thuộc. Khi bắt gặp một khung cảnh đẹp, người lớn không còn nhiều sự trầm trồ ngạc nhiên vì họ đã nghe đến, nhìn qua.
Họ dần ngừng chú ý đến môi trường xung quanh, các trải nghiệm cũng không còn mới lạ. Kết quả người lớn tiếp nhận khối lượng thông tin ít hơn nên thời gian trôi qua nhanh hơn.
Một khi chúng ta trở thành người lớn, sẽ có một quá trình làm quen dần dần và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Con người càng sống lâu, thế giới càng trở nên quen thuộc. Do đó lượng thông tin tri giác mà chúng ta hấp thụ giảm dần theo mỗi năm và thời gian dường như trôi qua nhanh hơn mỗi năm.
Một định luật khác là “thời gian trôi nhanh trong các trạng thái hấp thụ”. Khi ở trong trạng thái hấp thụ, sự chú ý của con người thu hẹp vào một tiêu điểm nhỏ và chặn thông tin từ môi trường xung quanh. Đồng thời, tâm trí chúng ta cũng tiếp nhận rất ít thông tin vì mải tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.
Mặt khác, thời gian trôi chậm trong trạng thái buồn chán và khó chịu bởi vì trong những tình huống này, con người đang buông lỏng sự chú ý khiến những dòng suy nghĩ có cơ hội lướt qua tâm trí, mang theo lượng lớn thông tin nhận thức. Điều này khiến con người cảm thấy không thoải mái.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai già đi cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh. Nhận thức về thời gian phụ thuộc tương đối lớn vào cách thức con người sống cuộc sống của mình và cách chúng ta liên hệ với những trải nghiệm thu nạp được.