Xin đừng trái ngành đá sân sang IT nữa. “Nát” lắm rồi.

Tháng chín 22, 2024

Giá như thời gian có thể quay về cách đây khoảng 7, 8 năm trước, khi mà IT còn hot, còn được người đời xưng tụng là “vua của mọi nghề”. Từ người thợ phụ hồ, anh chạy grab, cô lao công, ai cũng muốn đá nhẹ sang IT bằng những khóa học trung tâm kèo dài 2, 3 tháng để mong tìm được một công việc nhàn hạ ngày ngày ngồi phòng điều hòa, bên trong những tòa cao ốc, gõ bàn phím cach cách và cuối tháng cầm về 20, 30 triệu đồng… Ôi ngày ấy xa rồi, đã xa lắm rồi.

Haiz, nhìn những bài đăng này mà thấy buồn.

I. Thực trạng hiện tại

Nói về thực trạng hiện tại thì buồn không kể siết, mình là một người đã làm trong ngành IT được một thời gian khá dài. Đã đi qua những ngày huy hoàng nhất (khoảng 7, 8 năm trước) và giờ đang nếm trải những ngày tồi tệ nhất của ngành đã từng được mệnh danh là “vua của các nghề” này. Mình chót yêu những dòng code đầy màu sắc trên màn hình, yêu những giao diện đẹp mắt của trang web, mình yêu cả những thuật toán phức tạp khi làm các chức năng khó của hệ thống, mình yêu tiếng gõ bàn phím cơ mà mình vẫn thường nghe khi mình code hăng say, mình nhớ mãi cái cảm giác đeo headphone mở những bài nhạc lofi không lời trong lúc code (ôi lúc đó bình yên đến lạ).
Khoảng tầm 5, 6 năm trước mình luôn nói với cha mẹ, sao con hạnh phúc quá được làm việc trong một nghề vừa được xã hội coi trọng, vừa “hái” ra tiền. Lúc đó mình đã nghĩ có gắng code kiếm thật nhiều tiền sau đó mình sẽ mở trung tâm dạy mọi người cũng lập trình được như mình.
Mình đâu ngờ thời thế lại thay đổi nhanh như vậy, mọi chuyện lại thành ra vậy ngày hôm nay, mình đâu thể ngờ, đâu thể ngờ…
Bản thân mình vừa trải quả khoảng 9 tháng thất nghiệp nhưng may mắn là mình đã tìm được công việc mới, mặc dù mức lương bây giờ chỉ bằng một nửa mức lương như cũ, nhưng như vậy đã là quá may mắn trong thị trường đã quá nát như này rồi.
Mặc dù tình yêu của mình cho lập trình chưa chết nhưng hàng ngày mình đọc báo, lên các fanpage lập trình, mình cập nhật tin tức trên công ty mình, hay các doanh nghiệp của bạn bè mình thì mình khẳng định một câu chắc nịch: ngành lập trình đang chết dần, chết mòn mất rồi (Ôi nói ra câu này mà tự thấy đau lòng).

II. 2 nguyên nhân phụ

Mình sẽ đi thẳng vào 3 nguyên nhân chính dẫn tới hoàn cảnh “lâm ly bi đát” hiện nay.

1. Thị trường quá bão hòa

Nhờ sự thổi phồng của truyền thông cũng như các lãnh đạo các cấp luôn ra rả rằng nước ta cần rất nhiều nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, điều đó khiến đã tiêm vào đầu người lao động, các bậc phụ huynh và cả các em học sinh rằng IT là một ngành rất hot, rất thiếu việc làm, công nghệ nhẹ nhàng và mức lương sẽ cao. Đó là lý dó IT là lựa chọn số một cho bất kỳ ai đang chán ghét công việc hiện tại của mình và muốn thử sức ở một ngành nghề khác. Đó cũng là lý do điểm đầu vào của các khoa công nghệ thông tin ở các trường đại học luôn cao nhất trong các khoa. Những trường đại học chẳng liên quan gì đến IT như giao thông, du lịch, báo chí… cũng lăm le mở một khoa công nghệ thông tin nhằm vơ vét nốt các em sinh viên mong ước mơ đổi đời nhờ việc viết code…. Sau nhiều năm như vậy, kết quả là giờ ta có cứ một công việc IT thì có từ 20 đến 50 ứng viên. Một thị trường siêu bão hòa.
Lưu ý: Có một lưu ý nhỏ là mình thấy rất buồn cười khi có người nói “chúng ta thiếu nhưng là nhân lực chất lượng cao, còn chúng ta không thiếu những người lao động trung bình”. Mình chia sẻ thật lòng, chúng ta nên trao cơ hội cho những những người dù trình độ họ không phải là quá giỏi những sẵn sẵng làm việc. Còn những người chất lượng cao thì họ cũng thừa sự thông mình để sang nước ngoài làm việc ở các tập đoàn lớn chứ đời nào họ chịu làm việc với mức lương đủ sống qua ngày như ở Việc Nam đâu.

2. Alo, có ai cần tạo một phần mềm, website mới không ?

Lý do thứ hai mà nhiều người không nhận ra là thế giới này đã có đủ phần mềm, trang web và nhu cầu tạo mới là không nhiều. Bản đã tự hỏi bản thân là đã bao lâu rồi không có một mảng xã hội mới ra đời, bạn vẫn quanh quẩn với facebook, insta, youtube, tiktok. Đã bao lâu rồi không có một app đặt xe mới hay vẫn quanh quẩn với grab, be.. Đã bao lâu rồi không có một sàn thương mại điện tử mới hay vẫn quanh quẩn với shoppe. Đã bao lâu rồi không có một app chat mới hay vẫn là message, zalo, tele… . Đã bao rồi và lại đã bao lâu rồi……….
Nói như vậy thì cũng hơi quá đúng hơn là công việc mới không nhiều, chủ yêu nhu cầu bây giờ là bão dưỡng và nâng cấp những cái đã cũ. Mà cho hỏi: Có người trẻ nào thích chơi đồ cổ không ?

III. Trí tuệ nhân tạo – Tưởng là “bạn” hóa ra là “thù”

Phần trên là 2 nguyên nhân mình nêu ra để mọi người để hình dung được bức tranh ngành IT hiện tại. Nhưng với 2 nguyên nhân đó thì công nghệ thông tin vẫn còn sống được chỉ là nó không được huy hoàng như trước thôi.
Nhưng đây, đây mới mà lý do lớn nhất bức tử ngành IT. Đó là AI – Trí tuệ nhân tạo.
Có lẽ những người làm việc trong ngành đều hiểu AI như ChatGpt phiên bản mới nhất mãnh mẽ trong việc viết code như thế nào. Còn với những người ngoài ngành thì mình chỉ cần mô tả một cách dễ hình dung là bằng công thức
1 lập trình viên + 1 AI = 10 lập trình viên
Qua đó để bạn thấy rằng, AI có thể làm thay phần việc của toàn bộ lập trình viên, có chăng bạn chỉ cần 1 người duy nhất có kinh nghiệm để vận hành AI một cách trơn tru.
Trước đây ta còn có thể cười vì AI như ChatGPT phiên bản đầu tiên qua ngô nghê, viết code còn sai thì bây giờ (tháng 9/ 2024) tôi có thể khẳng định rằng chatGPT viết code chuẩn xác gần như tuyệt đối. Không những viết code nó còn có thể giải quyết các vấn đề ở mức độ khó như giải toán cao cấp hoặc thậm chí phiên bản mới nhất được cho là có thể giải được bài tập ở mức độ thạc sĩ, tiến sĩ.

IV. Lời cuối

Nếu đến thời điểm hiện tại có người vẫn ngô nghê tranh luận rằng AI sẽ không thay thế lập trình viên thì người nó đó quá lỗi thời so với công nghệ hiện tại.
Cơn bão sa thải ở các công ty công nghệ sẽ vẫn diễn ra và ngày càng nhiều vì các công ty cũng nhận ra rằng với AI ta sẽ cần ít nhân sự hơn để vận hành.
Ngành lập trình sẽ không biến mất ngay lập tức mà nó chết dần, chết từ từ, chết đau đớn, lay lắt sống trong khoảng 5, 7 năm nữa cho tới khi nó được AI tự động hóa hoàn toàn giống như ta thấy trong các nhà máy sản xuất điện thoại, chỉ còn một vài người bấm nút còn lại băng chuyền và robot làm nhiệm vụ còn lại.