Quảng Ngãi: Đề xuất giải pháp kéo giảm giá cát xây dựng
Quảng Ngãi: Đề xuất giải pháp kéo giảm giá cát xây dựng
(Xây dựng) – Giá tính thuế tài nguyên giảm sẽ trực tiếp kéo giảm giá cát xây dựng, từ đó kiến tạo giải pháp căn cơ giúp ổn định thị trường vật liệu, kích cầu xây dựng và hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng cát trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Giá tính thuế tài nguyên giảm sẽ trực tiếp kéo giảm giá cát xây dựng. |
Sáng 24/9, thông tin đến phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa có Công văn gửi Sở Tài chính liên quan đến tình hình thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi về bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2024 trên địa bàn.
Qua rà soát, mức giá tính thuế tài nguyên đối với cát vàng dùng trong xây dựng (mã II50202) được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành tại Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND ngày 22/12/2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 là 230.000 đồng/m3. Nếu chỉ tính thuế tài nguyên thì tăng 12.000 đồng/m3 so với trước đó.
Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất giảm giá tính thuế tài nguyên từ 230.000 đồng/m3 xuống còn 150.000 đồng/m3. |
Tuy nhiên, mức giá tính thuế này lại là tham số chính tham gia trực tiếp trong công thức tính tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Từ đó làm phát sinh tăng tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở một số doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát từ trước đó, khiến cho giá thành mỗi mét khối cát trước khi xuất bán ra thị trường bị đội lên đáng kể, giảm tính cạnh tranh, kế hoạch tổ chức kinh doanh bị phá sản…vì vậy, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá đã trả lại mỏ cát, chấp nhận bị xử phạt hành chính và mất tiền đặt trước.
Quảng Ngãi được xem là thủ phủ cát của Việt Nam. |
Đây được cho là nguyên nhân khiến kế hoạch tăng điểm mỏ được cấp phép khai thác, tăng trữ lượng và năng lực cung ứng để tham gia điều tiết thị trường, đáp ứng nguồn cung và kéo giảm giá cát của UBND tỉnh Quảng Ngãi không đạt kết quả như mong đợi; thị trường cát xây dựng trên địa bàn tiếp tục khan hiếm và giá tiếp tục tăng cao, luôn dao động ở mức từ 300.000 – 400.000 đồng/m3, làm ảnh hưởng lớn đến các công trình đầu tư công và người dân có nhu cầu xây dựng trên địa bàn, kéo theo nhiều hệ lụy.
Trong khi đó, Quảng Ngãi được xem là thủ phủ cát của Việt Nam, với trữ lượng lên tới hàng trăm triệu mét khối, phân bố rộng khắp ở hầu hết các con sông lớn trên địa bàn, đã được quy hoạch hàng trăm điểm mỏ. Đồng thời, chất lượng và phương pháp khai thác cát ở Quảng Ngãi cũng được đánh giá cao, rất thuận lợi và có chi phí thấp hơn so với nhiều địa phương trong cả nước.
Công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dần đi vào nền nếp. |
Do đó, để ổn định và giảm giá cát theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tăng kích cầu xây dựng, kích thích tiêu dùng các mặt hàng liên quan ngành Xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi giảm mức giá tính thuế tài nguyên đối với cát vàng dùng trong xây dựng từ 230.000 đồng/m3 xuống còn 150.000 đồng/m3; đây là ngưỡng trong khung trung bình cho phép và tương đồng với các tỉnh trong khu vực miền Trung. Còn lại, các mức tính thuế các tài nguyên khác đề nghị giữ ổn định như năm 2024.
Các chủ mỏ đã tuân thủ các quy định có liên quan trong quá trình khai thác. |
Ngày 29/8, Tin tức xây dựng mới nhất có bài “Đấu giá mỏ cát ở Quảng Ngãi: Trúng 5, bỏ 4 còn 1” nêu lên thực trạng các doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ cát trên địa bàn đã đồng loạt trả mỏ vì cho rằng mức giá tính thuế tài nguyên năm 2024 đối với cát vàng dùng trong xây dựng được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành là quá cao, khiến kế hoạch tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp bị phá sản.