Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Hồi sinh câu hát lý di sản
Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Hồi sinh câu hát lý di sản
“ÔNG MAI” CỦA TRĂM ĐÔI TRẺ
Dù được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2015, nhưng nói lý, hát lý trong cộng đồng người Cơ Tu vùng thấp ở xã Hòa Bắc như đang ở thế “lâm chung” khi người biết đến loại hình diễn xướng dân gian này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Từ rất lâu, ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí – nơi quần cư của đồng bào người Cơ Tu – không còn vang lên những câu lý trong các lễ hội của cộng đồng. Có chăng chỉ là những buổi biểu diễn của già làng Bùi Văn Siêng với 1 – 2 người bạn đồng trang.
“Nói lý, hát lý quả thật khó học vì đây là loại hình văn nghệ dân gian ứng khẩu không theo một bài mẫu nào. Từ xa xưa, cộng đồng người Cơ Tu đã rất coi trọng nói lý, hát lý và nó trở thành nếp giao tiếp không thể thiếu trong những lễ cưới, đám ma, tiệc đón khách…”, già Siêng mở đầu câu chuyện.
Nói đoạn, già Siêng cất tiếng hát mở đầu “ô… ô… adô… achỏỏng…” rồi hát lý bằng tiếng bản địa Cơ Tu với những ca từ đại ý: Nhà trai xa xôi đến, mong được nhà gái giảm bớt của cải để không là gánh nặng cho đôi trẻ sau khi đám cưới. Dứt lời, già Siêng kể, già thường nói lý, hát lý trong vai trò là “ông mai” khi cùng nhà trai đi hỏi vợ ở khắp các bản làng có người Cơ Tu sinh sống, như: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Nam Đông (Thừa Thiên-Huế). Mỗi lần như thế, già phải vận dụng biết bao kiến thức, lý lẽ để làm sao thuyết phục nhà gái thuận tình gả con cho nhà trai.
“Trong đoàn đi hỏi vợ không có người nói lý, hát lý được coi là “thua về mặt ngoại giao”, thậm chí bị người ta coi thường vì không có ai đủ khả năng đối đáp. Bởi vậy, tôi trở thành “ông mai” bất đắc dĩ khi đứng ra nói lý, hát lý để gieo duyên cả trăm đôi trẻ nên vợ nên chồng”, già Siêng kể.
Theo lời già, nói lý, hát lý của người Cơ Tu là cách dùng hình tượng ẩn dụ, mượn cái này để nói cái kia. Chẳng hạn, nói về thôn Giàn Bí có cách đề cập là sông Nam – sông Bắc (con sông chảy qua địa phương). Còn theo nhà nghiên cứu Bh’riu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam), hát lý bao giờ cũng sau nói lý. Hát lý là bước nâng cao giá trị của nói lý, thường chủ tiệc chọn thời điểm thích hợp để cất lên tiếng hát mở đầu, sau đó nói lên nội dung bằng những từ ẩn ý, sâu lắng…
“Ví một quả núi được hiểu là tập thể; ví con lợn lòi được hiểu là người độc thân có bản lĩnh; ví con vật nhỏ là người yếu hèn; ví con chuột là người ăn vụng; ví con khỉ, con vượn là người phá hoại, bướng bỉnh…”, ông Liếc dẫn giải.
NHỮNG TRANG GIÁO ÁN ĐẶC BIỆT
Từ những nghiên cứu của mình, ông Bh’riu Liếc đánh giá, nói lý, hát lý muốn thể hiện hay, ý tứ sâu, đòi hỏi ở tài ứng khẩu nhanh, thấu tình đạt lý của người diễn xướng. Đó là nghệ thuật sâu sắc về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung. Từ đó, bắt đối phương phải suy nghĩ, cân nhắc, chắt lọc để đáp lại một cách chính xác. Theo ông Liếc, không phải ai cũng giải đúng nghĩa cái lý bên đưa ra, cho nên cần phải khổ luyện học hỏi, tích lũy vốn sống và kinh nghiệm của cha ông mới mong có bài lý đi vào lòng người. Quả đúng như vậy, không phải người Cơ Tu nào cũng biết nói lý, hát lý và không phải người nào có tuổi thì sẽ biết cách ứng khẩu, đối đáp hay với “vế đối” của đối phương.
Như trường hợp của già làng Alăng Mỹ trú thôn Tà Lang gần đó, dù đã 67 tuổi và là một nghệ nhân có tiếng ở Hòa Bắc, nhưng với bộ môn nói lý, hát lý thì ông chỉ như cậu học trò đang học “vỡ lòng”. Dẫu vậy, là người có vốn sống nên già Mỹ nhanh chóng bắt nhịp những kiến thức nói lý, hát lý thông qua lớp học do Phòng VH-TT H.Hòa Vang phối hợp UBND xã Hòa Bắc tổ chức từ cuối năm 2023 đến nay. Giảng viên của lớp học này chính là già làng Bùi Văn Siêng. Đều đặn mỗi tuần, già Siêng cùng một số cụ già khác lại đến nhà gươl (nhà làng) Tà Lang để giảng dạy cho khoảng 40 học viên, có trẻ có già.
Những bữa đầu lên lớp, nhiều học viên cứ mắt tròn mắt dẹt vì không hiểu được những câu nói lý, hát lý mà già Siêng đưa ra. Cách ví von, ẩn dụ, lấy hình ảnh, hiện tượng này để ám chỉ sự việc, câu chuyện kia khiến nhiều người nản lòng vì không “hiểu kịp”.
Già làng Bùi Văn Siêng nhẫn nại động viên và kể câu chuyện của mình: “Thời còn trẻ, tôi được những cụ già dặn dò rằng đồng bào Cơ Tu mình trọng tình, trọng lý nên nói lý, hát lý mới tồn tại suốt bao đời qua. Không lẽ khách đến nhà, đến với hội làng mà mình im lặng vì không biết nói lý, hát lý. Vậy là tôi quyết tâm học. Mình cứ kiên trì, thử nói, thử hát, sai đến đâu các cụ chỉ đến đó. Dùng từ này chưa hay thì đổi sang từ khác. Chịu khó học hỏi, năm này qua tháng nọ, tự nhiên mình sẽ có vốn từ ứng khẩu…”.
Vì nói lý, hát lý là loại hình văn nghệ dân gian truyền khẩu nên giáo án của “thầy Siêng” khi lên lớp cũng rất đặc biệt. Ông bài bản khi phân chia nói lý, hát lý thành từng chủ đề, như: cưới hỏi, đám ma, đãi khách… nhưng chỉ với những gạch đầu dòng ngắn ngủi. Thời lượng của mỗi buổi học, già Siêng chủ yếu dành cho phần thực hành, bởi theo già, nói lý, hát lý mà không dành để nói, hát, để nghe thì vô nghĩa.
“Thời điểm này, du lịch cộng đồng phát triển, khách về với làng chúng tôi cũng mong muốn tìm thấy những giá trị đặc sắc của người Cơ Tu. Đây sẽ là cơ hội để hát lý, nói lý hồi sinh khi biến đó thành sản phẩm du lịch…”, già Siêng nói. (còn tiếp)
Bạn đang đọc Những đại thụ văn hóa nơi đại ngàn: Hồi sinh câu hát lý di sản tại website hungday.com