Cha Mẹ Thương Ai Nhất? | Review Phim “Gia Tài Của Ngoại”

Tháng chín 25, 2024

Một tấm hình thật đẹp từ phim. Ảnh: GDH
Nếu từ “Past Lives”, chúng ta đã biết được rằng cuộc sống của người trưởng thành không chỉ có tình yêu mà còn rất nhiều sự tính toán thì trong phim “Gia tài của ngoại”, người xem sẽ biết được đường đi nước bước của những người con người cháu mong kiếm chác từ sự sắp-ra-đi của bà ngoại. Sau đây là bài phân tích câu chuyện muôn thuở: Vật chất quyết định ý thức, ý thức quyết định tình thương, trong 2450 từ.
*Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Người bà của năm 2024: Một kiếp người và những ngôn ngữ yêu thương khác nhau của người làm mẹ

Bà Meng Ju xuất hiện với ấn tượng làm người xem màn ảnh Việt tưởng là người Việt, dàn casting đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc khi chọn lựa một người bà vô cùng phúc hậu, đẹp lão nhưng nhìn nhân tướng vẫn thấy được sự chỉn chu, khó tính của một người đã nhìn thấu nhân gian. Bà làm tôi người xem nhớ về hai người bà, một người sống thọ, người còn lại đã mất của mình. Cuối phim, là phụ nữ sẽ tiết kiệm được mấy miếng bông Silcot và nước tẩy trang Loreal vì khóc trôi sạch lớp makeup, là nam giới sẽ vuốt tay vào hai khóe mắt trong vì xã hội điều kiện hóa việc khóc của đàn ông là không mạnh mẽ, còn là LGBT thì sụt sùi thành tiếng ở trong rạp.
Cái tựa tiếng Anh đắt giá thật sự. Ảnh: CGV Vietnam

Cái tựa tiếng Anh đắt giá thật sự. Ảnh: CGV Vietnam
Nếu trong “House of The Dragons” mùa 1, người xem chỉ thấy thú vị khi được xem quá trình tàn lụi dần về nhan sắc và cả sức khỏe của vua Viserys thì trong “Gia tài của ngoại”, quá trình ấy làm khán giả nhói lòng đến đau đớn, xót xa, chột dạ không biết người bà ngoại 90 tuổi phương xa của mình có phải chăng cũng đã có những suy nghĩ giống bà, người ông ngoại của mình khi bị trúng “độc đắc” của ngành y (ung thư) phải chăng cũng đã khóc nấc lên trong đêm tối mong được ra đi cho bớt đau đớn, người ông và bà nội đã ra đi của mình liệu đã siêu thoát và bắt đầu một kiếp người mới hay vẫn ở nơi chín suối để cầu nguyện phước lành cho con cháu của mình.
Một người bà vô cùng đẹp lão. Ảnh: Mobilecity

Một người bà vô cùng đẹp lão. Ảnh: Mobilecity
Dẫu là phim Thái, người bà làm tôi nhớ đến người bà mang dòng máu Việt của tôi, vẫn sống trong một căn nhà nhỏ như thế, mắc những bộ đồ giản dị như thế, chắt chiu từng 10, 20 bath (7k – 15k VND) và cần mẫn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng suốt mấy chục năm trời để lo cho cháu của mình. Sáng nay, tôi phải gọi ngay cho bà vì tôi quá xót, quá chột dạ vì đã là người cháu chỉ làm được nửa chữ “báo hiếu”, hỏi mẹ rằng một chuyến đi về quê tốn bao nhiêu tiền để dành dụm về thăm bà, thấp thỏm mong bà còn sống mãi để mình còn kịp tạo dựng những kỉ niệm cho bà lần cuối.
Và rồi, phim cũng đề cập thẳng câu hỏi của đời người: Bà thương ai nhất? Bà đáp rằng bà không biết, nhưng bà muốn ở với con gái nhất; nhận xét thật lòng rằng cháu trai chăm bà giỏi nhất, khéo nhất, để cây lựu cho cháu trai mà không cho bất kỳ ai ăn; nhưng lại để sổ đỏ cho con trai thứ dẫu rằng nó dính vào cờ bạc, chỉ biết nói rằng nó không lo được cuộc đời nó thì bà đành để dành (một nửa) vốn liếng cả đời là chiếc sổ đỏ; còn con trai trưởng là người giỏi giang nhất mà bà luôn nói đỡ cho, dẫu rằng không biến tướng ra nông nỗi như Walter White nhưng vẫn bị đồng tiền làm tha hóa bản chất.
Phim làm người đọc nhói lòng vì một người như bà, đã thay tã, dọn vệ sinh cho bậc làm cha làm mẹ của mình cũng cảm thấy ấm ức vì không được chia gia tài một cách xứng đáng. Đầu phim hiện lên logo của hãng phim GDH 559 – Gross Domestic Happiness –  Tổng Lượng Hạnh Phúc Quốc Gia, trái ngược với cảm giác mà bộ phim này của họ đem lại khán giả màn ảnh rộng khi chuyển đến cảnh: Vì sao một người tốt tính, chăm chỉ, luôn cố gắng và hết mình vì con cháu như bà lại nhận bản án ung thư. Rốt cuộc ông trời vì sao lại lấy hết của một người như vậy.

Cháu trai M – Hành trình từ …”mất dạy, có học” sang “mất học, có dạy” 

Nếu có giải Nobel về Mất dạy thì M chắc chắn sẽ được sang Thụy Điển.
M "sai đẹp chiêu". Ảnh: Mobiecity

M “sai đẹp chiêu”. Ảnh: Mobiecity
M gây ấn tượng với khán giả về một hiện tượng thường thấy: Con cháu bình thường chẳng thấy đâu, sắp chết thì tự nhiên tốt với mình đến lạ. Người ta nói cấm có sai: Vật chất quyết định ý thức. Bố mẹ xem con cháu là một loại tài sản, nuôi để về già nó nuôi lại, nhưng không gì chắc chắn, chỉ biết rằng, sắp lâm chung, con cháu cũng sẽ xem ngược lại bố mẹ mình là một loại tài sản, nuôi bằng việc thay tã, dọn chất thải, bật TV những cô người mẫu hot nhất, gửi tiền nhờ người khác trông coi giùm, hoặc tống hẳn vào nhà dưỡng lão cho đỡ mệt người rồi khi nào kẹt quá đến xin tiền như người con đã lâm vào vòng quay của số đề.
Hành trình từ việc mê tiền sang thương bà của M là một hành trình đặc biệt. Lại một lần nữa, GDH 559 casting rất thành công diễn viên Putthipong Assaratanaku, cậu trai diễn nét mê game, mê tiền, mất dạy, đến chửi thẳng chú mình, giả vờ cao thượng không nhận tiền của người chú giàu nhưng thật ra chỉ muốn chú khuất mắt cho xong để gom tiền của bà cho trọn.
Ngay cả hành động nói cho bà biết về bệnh ung thư, trông thì mất dạy, “thương cho roi cho vọt” nhưng thật ra cũng là sự thật mà một phần đông đảo người già sẽ muốn biết , vì con cháu bình thường sẽ giấu, sợ mình buồn. Cũng vì cơ thể của bà, bà có quyền, mà sự thật thì lúc nào cũng đắng như thuốc giã tật, như thuốc hóa trị, như những lọ thuốc màu cam thần kỳ mà Taylor Swift đã nhắc đến một cách xúc động, khiến cô tự nhiên cũng cầu xin Chúa Jesus phù hộ cho mẹ cô thoát khỏi bệnh ung thư trong ca khúc “Soon You’ll Get Better”.
(Độc giả nào muốn phản biện rằng M bỏ ngang đại học để làm streamer game thì có học chỗ nào, tôi xin giải thích rằng dẫu cậu bỏ học nhưng cậu rất thông minh – điều khiến bà ngoại bắt đầu mở sổ tiết kiệm để dành cho cậu.) 

Vật chất quyết định ý thức, ý thức quyết định tình thương

Một gia đình đa thế hệ sẽ thấy thiếu thiếu nếu không có một người đánh bạc.

Như lời đề tựa: Câu chuyện có thật trong mọi gia đình, con cháu của ngoại có một người chơi trò đỏ đen, không làm mà muốn có ăn thì ăn nợ chứ làm gì còn gì nữa mà ăn. Những người như vậy cần bị nói thẳng mặt: “Cầm lấy mà xài, sau này không ai giúp nữa đâu” để tỉnh ngộ, dẫu rằng người xem ngờ ngợ mèo vẫn hoàn mèo. Trả nợ, nhưng rồi muốn việc nhẹ lương cao và nghĩ mình có thể thắng nhà cái, những đồng tiền của người mẹ mình rồi cũng sẽ trôi đi.
Mobiecity làm loạt ảnh này đẹp phết, xin mượn, cảm ơn rất nhiều.

Mobiecity làm loạt ảnh này đẹp phết, xin mượn, cảm ơn rất nhiều.

Tình thương cũng cần trao đúng lúc để tránh hy sinh bản thân mình một cách vô nghĩa

Về người mẹ của M, đó là người con gái khó tránh khỏi định mệnh của mẹ mình. Vì quá thương mẹ nên chỉ nghĩ đến mong muốn trước mắt là giúp mẹ bán cháo mà bỏ bê việc học. Cuộc đời sau này của cô chỉ có thể đi làm những công việc phổ thông là nhân viên siêu thị. Và cuối cùng, giống mẹ mình, cô không nhận được gì ngoài lời khen của mẹ “muốn ở với con nhất.” Cực chẳng đã, cực vẫn hoàn cực.
Xem mà tội mẹ Sew thiệt sự. Ảnh: Mobilecity

Xem mà tội mẹ Sew thiệt sự. Ảnh: Mobilecity

Người con trai bị lóa mắt bởi đồng tiền

Một trong những cảnh đắt giá nhất của bộ phim chính là cảnh chụp lại những mong ước của cặp vợ chồng người con trai trưởng. Trong khi những mong ước của phái nữ (bà ngoại, con dâu và cháu dâu) luôn là về gia đình, thì mong ước của người đàn ông, cụ thể là người con trai trưởng vẫn chỉ là tiền và nhiều tiền hơn. Thậm chí ngay đến lúc người bà đã quắt khô, Kiang vẫn giận dỗi chỉ muốn ở trong xe đậu bên ngoài. Chỉ khi M nói rằng bà Meng Ju, người đã mong Kiang hồi nhỏ khỏi bệnh nên hứa với Đấng trên cao sẽ không ăn thịt bò nữa; chỉ như vậy, Kiang mới bỏ cái tôi cao ngất trời của mình trong xe và vào nhìn mặt mẹ mình. Ông ta tiếc sổ đỏ, trong khi mẹ mình chẳng tiếc gì, chỉ mong con mạnh khỏe, thành đạt, dẫu rằng sau này Kiang đã thành đạt và bị đồng tiền làm lóa mắt, “con dù lớn vẫn là con của mẹ”.
Tôi mong chồng tôi sau này sẽ không như Kiang. Ảnh: Mobilecity

Tôi mong chồng tôi sau này sẽ không như Kiang. Ảnh: Mobilecity

Liệu bố mẹ và con cháu có nên xem đối phương là một loại tài sản, mong chờ lãi kép?

“Gia tài của ngoại” làm tôi nhớ lại một phân cảnh trong bộ truyện Tokyo Babylon của nhóm tác giả CLAMP kể về việc thắt chặt chi tiêu khiến người con gái trưởng thành đối xử với bố mình, một người già như một chứng chỉ quỹ hết thời phát triển, không bao giờ có thể mang lại lợi nhuận nữa. Và người bố ấy đã gặp tai nạn qua đời khi đi mua thức quà mà con mình thích hồi nhỏ là một nải chuối, để an ủi con mình. Trước khi đi, ông bị con mình lớn tiếng vì định đi mua gì đấy ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình Trên đường đi, vì cái chân đau, người bố gặp tai nạn và qua đời. Kết quả của chuyến đi ấy có lẽ sẽ là số tiền bảo hiểm để lại cho con gái của ông.
Điều đó, tổng hòa với bộ phim này đã làm dấy lên một câu hỏi nhức nhối:
“Liệu bố mẹ và con cháu có nên xem đối phương là một loại tài sản, mong chờ lãi kép?”
Tôi!
Có lẽ câu trả lời chính là mỗi người nên chuẩn bị cho mình một đường lui, hiểu rõ câu “phi thương bất phú” bởi vì dựa dẫm vào bất cứ ai ngoại trừ bản thân mình cũng đều phạm phải nguyên tắc quan trọng nhất của chủ nghĩa khắc kỷ: Đem lòng quan tâm sâu sắc đến những thứ không nằm trong sự kiểm soát của mình.

Những hạt bụi vàng của tác phẩm

Tựa đề tiếng Anh của phim

Tôi đã bật cười ngay những phút đầu phim khi biết rằng tựa phim là: Cách kiếm tiền triệu khi bà mất. Và đương nhiên là cái tựa này không thể được phía Việt Nam duyệt, bởi, “gây ảnh hưởng xấu cho giới trẻ”, cái đám hút vape và trap trai gái LGBT từ cấp 3 ấy, tuyệt đối phải giữ những bông tuyết ấy trinh sạch.
Một tựa đề đáng suy ngẫm. Ảnh: Youtube GSC movie.

Một tựa đề đáng suy ngẫm. Ảnh: Youtube GSC movie.

Người cháu gái OnlyFan

Điều làm tôi ấn tượng nhất với Mui chính là câu nói cuối phim về việc cô biết cách làm ông đỡ hóc nhưng không làm, trong khi đầu phim cô nói: “Điều mà không con cháu nào đem lại cho người cao tuổi được chính là thời gian.” Ngỡ như cô hóa ra lại ham tiền hơn mọi người nghĩ (nghĩ lại thì ai sẵn sàng bán hình ảnh những bộ phận âm dương trên OnlyFan mà lại chẳng vì tiền), hóa ra, cái chết cũng là một đặc ân của loài người, ít nhất là so với Wolverine (sống dai hơn cũng khổ mãi mới chết được) và Deadpool. Cô thuật lại rằng ông đã nhắn nhủ: Để ông sống đến đây là được rồi. Dù gì ông cũng liệt giường, còn những cô người mẫu nhìn mãi cũng có chạm được đâu, biết đủ là hạnh phúc. 
Xinh thế khum biết. Ảnh: Mobilecity

Xinh thế khum biết. Ảnh: Mobilecity

Người anh của bà – Tiền bạc phân minh, tình anh em lạnh lẽo

Tiền như serum huyết thanh, làm phóng đại những bản chất của mình. Nếu lúc chưa giàu, bạn tốt thì khi giàu bạn sẽ là người tốt thông minh, nhưng nếu khi giàu bạn keo kiệt bủn xỉn thì đắp tiền vô bạn cũng là sẽ những người keo kiệt bủn xỉn, vốn dồi dào. Anh trai của bà là kiểu người thứ hai. Khi nghe câu “Em cũng có mặt khi được chia gia tài mà, sao bây giờ lại nói thế. […] Một đồng anh cũng không cho”, nụ cười của bà mấy tiếng trước vừa nở lên khi hát karaoke với anh, vụt tắt. Bà bảo M hãy đưa bà về nhà.
Vì anh bà chỉ biết lo cho gia đình, còn bà, người em ruột thì không còn là gia đình mấy với ông nữa. Cái lạnh lẽo của đồng tiền và con người thật khó mà sưởi ấm bằng bất cứ tấm chăn bông và máy sưởi nào.

Kết

Với tất cả phân tích trên của tôi, “Gia tài của ngoại” hoàn toàn xứng đáng với gần 90 tỷ doanh thu, trở thành phim điện ảnh Thái Lan có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam. Tác động của bộ phim là cực kỳ lớn, còn ở góc độ vi mô, nó làm tôi tức tốc chuẩn bị tài chính để cuối năm về thăm bà. Tôi không muốn để người bà 90 tuổi của mình phải đợi lâu. Thi thoảng bạn cũng hãy xem lại bộ phim vì nó là một bảo chứng của tình thương, khiến người xem suy ngẫm về cuộc đời, về cách liệu con người tài sản hóa đối phương hòng đem về lợi nhuận cho bản thân mình.