Số phận của huyền thoại: Từ “451 độ F” của Ray Bradbury đến “Xứ cát” của Frank Herbert
Tháng chín 26, 2024
Tóm tắt
Vận dụng khái niệm huyền thoại của Roland Barthes kết hợp với trần thuật học, thông diễn học và các thao tác phân tích, tổng hợp, chứng minh vào phân tích 451 độ F của Ray Bradbury và Xứ cát của Frank Herbert, bài nghiên cứu hướng đến hai mục tiêu chính: (1) Xác định sự kiến tạo và cấu trúc những huyền thoại nổi bật; (2) Làm rõ chức năng và hệ quả của huyền thoại đó đối với đời sống cá nhân và cộng đồng. Theo đó, huyền thoại về sách và huyền thoại về đấng cứu thế được đưa ra xem xét, từ đó làm rõ xu hướng chức năng kép: chỉ định và thông báo, giải thích và áp đặt mà Roland Barthes đã đề cập trong công trình nghiên cứu Những huyền thoại của ông.
Từ khóa
Fahrenheit 451, Dune, Mythology, Science Fiction
[…]
1. Khái lược về huyền thoại theo cách hiểu của Roland Barthes
Trong công trình Những huyền thoại, Roland Barthes đã khẳng định: “Huyền thoại là một hệ thống thông báo, đó là một thông điệp. […] Huyền thoại là ngôn từ, nên tất cả đều có thể là huyền thoại, nó liên quan đến diễn ngôn. Huyền thoại không xác định bởi đối tượng thông điệp của nó, mà bởi cách nó phát ra thông điệp ấy” (Barthes 2008: 289). Cũng theo Barthes, huyền thoại không cố định ở một chất liệu duy nhất, mà “bất cứ chất liệu nào cũng có thể được gán cho ý nghĩa biểu đạt một cách võ đoán” (Barthes 2008: 291).
Roland Barthes cũng cho rằng huyền thoại có hai thành phần cơ bản, có mối quan hệ với nhau: hình thức và khái niệm. Hình thức của huyền thoại là cụ thể: đối tượng, hình ảnh hoặc ngôn từ thực tế mà chúng ta cảm nhận được bằng các giác quan của mình. Bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành hình thức, “vật chứa” của một huyền thoại: một cuốn sách, một cây bút, một bức tranh, một câu chuyện, một ngôi nhà,… Khái niệm của huyền thoại là trừu tượng, là sự liên kết, chồng lấn, liên tục tái tạo của nhiều lớp ý nghĩa. Huyền thoại xảy ra khi những chất liệu, những vật chứa được kết nối với một khái niệm trừu tượng, dựa trên nhiều cấp độ biểu đạt ý nghĩa chồng xếp lên nhau. Như vậy, có thể coi huyền thoại là chỉnh thể của một thông điệp được truyền tải đi, còn “vật chứa” của thông điệp ấy có thể là đồ vật, hình ảnh hoặc ngôn từ… gắn liền với một khái niệm hoặc giá trị mang ý nghĩa biểu tượng.
Ở Những huyền thoại, Roland Barthes cũng bàn về cách huyền thoại được tạo ra và được sử dụng trong xã hội. Theo ông, huyền thoại “được tạo thành bởi sự vứt hết tính chất lịch sử của các sự vật” (Barthes 2008: 346)và “chức năng của huyền thoại là tống khứ hiện thực ra” (Barthes 2008: 346). Ông cũng đặt huyền thoại vào sự tương quan với chính trị và cho rằng huyền thoại thường mang đậm sắc thái chính trị (Barthes 2008: 345 – 350). Bên cạnh đó, Barthes gợi ý rằng một đặc điểm nổi bật của huyền thoại là khả năng nó có vẻ “tự nhiên” ngay cả khi nó được tạo nên, đồng thời huyền thoại có chức năng kép: “nó chỉ định và nó thông báo, nó giải thích và nó áp đặt” (Barthes 2008: 303).
Như vậy, chúng tôi sẽ sử dụng khái niệm “huyền thoại” của R. Barthes để xác định những huyền thoại/ thông điệp chính xuất hiện trong 451 độ F và Xứ cát, đồng thời bước đầu nhận diện và bóc tách lớp hình thức và lớp khái niệm của các huyền thoại trong hai cuốn tiểu thuyết. Cuối cùng, căn cứ trên ý tưởng về chức năng kép của huyền thoại, chúng tôi hướng đến làm rõ chức năng kép của những huyền thoại được thể hiện trong 451 độ F và Xứ cát.
2. Số phận của huyền thoại: Từ 451 độ F của Ray Bradbury đến Xứ cát của Frank Herbert
2.1. Những huyền thoại được kiến tạo
2.1.1. Sách: từ hiểm họa tinh thần đến phương tiện lưu giữ tri thức
Theo Roland Barthes, huyền thoại, hiểu theo nghĩa là những thông điệp, có thể được dệt nên từ nhiều chất liệu khác nhau, từ chữ viết, lời nói, ảnh chụp, điện ảnh, đến cuộc biểu diễn, quảng cáo,… (Barthes 2008: 290). Theo cách đó, mỗi ý tưởng được rút ra từ hai cuốn tiểu thuyết 451 độ F và Xứ cát đều có thể được hiểu là một huyền thoại. Cũng từ quan điểm của Roland Barthes, “huyền thoại không xác định bởi đối tượng thông điệp của nó, mà bởi cách nó phát ra thông điệp ấy” (Barthes 2008: 289). Trong tiểu mục này, chúng tôi tập trung làm rõ cách “phát ra thông điệp”, hay cũng chính là cách huyền thoại ở hai tác phẩm được kiến tạo nên.
Trong tiểu thuyết 451 độ F, tác giả Ray Bradbury đã xếp đặt nhân vật thành hai tuyến: Những kẻ đốt sách và những người bảo tồn. Các sự kiện chính thuộc cốt truyện đều xoay quanh cuộc giằng co giữa hai tuyến nhân vật này, với đại diện tiêu biểu là Beatty và Guy Montag. Theo đó, khi nói về sách, Beatty dành phần lớn lời thoại để chứng minh rằng nhân loại đã khước từ việc đọc. Họ muốn được vui chơi, thư giãn, giải trí bằng ti vi, truyện tranh, bằng những âm thanh không ngớt bên tai, thay vì đắm chìm trong sự khơi gợi có thể ẩn chứa một hành trình suy tư khắc khổ mà sách có nguy cơ mang lại. Beatty khẳng định: “Một cuốn sách là một khẩu súng đã nạp đạn trong căn nhà bên cạnh. Đốt nó đi. Tước phát đạn khỏi khẩu súng kia đi. Xé toạc tâm trí con người đi. Ai biết được kẻ nào có thể là đích ngắm của người đọc rộng? Tôi ư? Tôi không thể nuốt nổi bọn đó dù chỉ một phút.” (Bradbury 2020: 87) Không chỉ để nhân vật trực tiếp phát ngôn về mối nguy hại của sách đối với đời sống tinh thần của con người, người kể chuyện cũng sắp xếp nhóm nhân vật Mildred và những người họ hàng làm minh chứng cho chính lời phát ngôn đó. Mildred – vợ của Guy Montag – không có nhu cầu trò chuyện sâu, đọc sách, và tận hưởng thiên nhiên. Chị cảm thấy an toàn và vui vẻ khi được bao quanh bởi Tường Trắng, với chiếc vỏ sò nhét gọn trong tai để tán gẫu vô thưởng vô phạt cũng những người họ hàng. Khi phát hiện ra chồng mình giấu sách trong nhà, Mildred phản ứng theo cách điên cuồng; còn những người họ hàng bật khóc khi nghe hết một bài thơ. Họ bất chợt phải nghĩ ngợi trong khi không hề muốn. Kết quả là buổi tán gẫu trở thành buổi phản tư bất đắc dĩ, mà kết quả dường như bi kịch cho tất cả những người tham gia. Như vậy, dựa vào lời thoại và hành động của nhân vật, cùng với tình huống truyện được nêu ngay từ đầu về việc đốt sách, một huyền thoại đã được hình thành: Sách là một vật dụng gây nguy hiểm cho tinh thần con người. Do đó, để bảo toàn hạnh phúc của con người, sách cần phải bị tiêu hủy.
Tuy nhiên, giữa những nhân vật thuộc tuyến người bảo tồn lại tồn tại một huyền thoại khác. Qua những gợi mở từ Clarisse, trải nghiệm của Guy Montag, lời thoại của Faber, hành động của người phụ nữ trung niên vô danh bị đốt sách, sách lại mở rộng tầm hiểu biết và bồi đắp tâm hồn của con người. Ở đây, “sách” chỉ là một hình thái vật chất của chất lượng thông tin. Theo lời nhân vật Faber khi giải thích với Montag, những cuốn sách quan trọng là vì “chúng có phẩm chất” (Bradbury 2020: 118), phẩm chất để kích thích người ta suy nghĩ, nhìn nhận, phân tích, đánh giá lại về cuộc đời và con người, để “cho thấy những lỗ chân lông trên khuôn mặt cuộc đời” (Bradbury 2020: 119). Chính bởi lẽ đó, đọc sách vốn không đem lại sự thư giãn, giải trí, mà đem lại những băn khoăn về sự tồn tại, và trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, con người sẽ phải đối mặt với khổ đau, thử thách trong tâm trí, tinh thần mình. Những người trữ sách phải giấu giếm, trốn tránh, thậm chí bị đẩy ra ngoài trung tâm tồn tại của cộng đồng. Họ phải sống trong sự cô độc, luôn luôn đề phòng với ánh mặt dò xét của người khác. Bằng cách để Guy Montag chuyển dịch vị trí từ người đốt sách sang người bảo tồn, người kể chuyện đã trực tiếp khẳng định sự lựa chọn chính thức của nhân vật: Không nhìn nhận sách như một hiểm họa, mà coi sách như một phương tiện để lưu giữ thông tin, qua đó con người có thể gia tăng sự kết nối và cùng khám phá thế giới.
Trong đoạn kết, Ray Bradbury không chỉ trích lại sách Giảng viên, mà còn trích dẫn Khải huyền. Lúc này, thông tin không được lưu giữ bằng chất liệu giấy, mà thông qua ký ức của nhân vật. Khi muốn tiếp cận một thông tin nào đó, Guy Montag và những người đàn ông ở ngoại ô chọn trao đổi với nhau bằng hình thức truyền miệng. Chi tiết này cho thấy sách chỉ là một trong rất nhiều phương tiện, rất nhiều cách thức để lưu trữ, truyền đạt thông tin. Những kẻ đốt sách có thể hủy diệt được “đời sống” vật chất của thông tin, nhưng sẽ bất lực trước bản thân sức sống của thông tin ấy. Thoát ly khỏi yếu tố vật chất, chất liệu, ở đây, một huyền thoại mới hình thành: Sách, những cuộc trò chuyện, thư từ, truyện kể,… tất cả đều chỉ là phương tiện để lưu trữ tri thức của nhân loại. Huyền thoại này được cấu thành từ tầng tầng lớp lớp các yếu tố trần thuật và các lớp liên văn bản tồn tại trong 451 độ F.
Như vậy, trong 451 độ F tồn tại hai huyền thoại về sách: (1) Sách là tác nhân chính mang đến nỗi đau tinh thần cho người đọc, vì thế cần phải bị tiêu hủy; (2) Sách là một trong những công cụ bảo lưu vốn thông tin, tri thức của nhân loại. Qua việc phân tích lớp hình thức bao gồm lời thoại và hành động của các nhân vật, sự kiện và biến cố của cốt truyện, có thể thấy huyền thoại (1) nhấn mạnh vào sự tồn tại vật chất và tác hại của sách, còn huyền thoại (2) quan tâm đến “phẩm chất” của sách, và coi sách chỉ là một trong rất nhiều phương tiện để con người ghi nhớ, lưu giữ kiến thức, kinh nghiệm, bài học,…
2.1.2. Đấng cứu thế: thủ lĩnh tôn giáo và lãnh tụ chính trị
Nếu trong 451 độ F, huyền thoại về sách được nêu bật lên trong những lí luận của Beatty hay hành động của Guy Montag, thì trong Xứ cát của Frank Herbert, huyền thoại về đấng cứu thế của dân Fremen được tạo nên từ một lời tiên tri. Để dọn đường cho sự ra đời của một nhân vật sẽ được gọi là Kwisatz Haderach – Lisan al-Gaib, “đấng cứu thế” của người Fremen tại Arrakis, người dẫn đường cho Hiệp hội – một lời tiên tri đã được lan truyền đi ngay trên hành tinh Arrakis từ hơn 10.000 năm trước. Điểm khác biệt là lời tiên tri này vốn là một kế hoạch đã được thiết kế chi tiết, tỉ mỉ từ lâu bởi hội Bene Gesserit. Như vậy, đấng cứu thế Lisan al-Gaib không phải hài nhi được thụ thai màu nhiệm như trong truyền thuyết cổ xưa, mà là kết quả của quá trình tính toán chi li của hội Bene Gesserit về khả năng lai tạo gen giữa người nữ và người nam thuộc hai gia tộc Atreides và Harkonnen. Có thể nói, những câu chuyện truyền tai nhau về Lisan al-Gaib và chiến công của nhân vật này trong tương lai đều là những huyền thoại nhân tạo, được phủ lên một màu sắc linh thiêng, thần bí.
Xuyên suốt Xứ cát, nhân vật Paul Atreides – đầu tiên – luôn luôn được đặt vào tình thế của người đã hoàn thành lời tiên tri về đấng cứu thế mang tên Lisan al-Gaib. Dù anh không phải Kwisatz Haderach theo đúng kế hoạch mà hội nữ tu Bene Gesserit đã đặt ra từ đầu, nhưng sự xuất hiện của Paul ở Arrakis và những hành động của anh lại trùng khớp với những gì vốn đã được lưu truyền trong dân gian từ trước đó.
Ở đây, người đọc có thể thấy được hai góc nhìn chi phối hai chuỗi hành động khác nhau của các nhân vật. Góc nhìn đầu tiên là niềm tin tôn giáo thuần túy của người Fremen về sự xuất hiện của đấng cứu thế trên hành tinh Arrakis. Người Fremen tin rằng sẽ có một người dẫn dắt họ thoát khỏi ách nô lệ của gia tộc Harkonnen, giúp toàn bộ dân chúng Fremen được độc lập, tự do trên chính hành tinh quê nhà của họ. Lời tiên tri đã tồn tại từ hơn 10.000 năm khiến họ rất mực tin tưởng vào tương lai đó. Dẫu vậy, khi Paul Atreides đặt chân đến Arrakis, người Fremen vẫn còn mối hoài nghi. Họ yêu cầu Paul cần phải chứng minh bản thân xứng đáng qua nhiều bài thử thách khác nhau, trước khi thực sự đi theo sự dẫn dắt của anh. Với góc nhìn này, Paul là đấng cứu thế, là vị lãnh tụ tôn giáo tối cao của người Fremen. Góc nhìn thứ hai lại thuần túy mang tính chính trị. Tổ chức Bene Gesserit được tập hợp kể từ sau trận chiến Butlerian Jihad, tồn tại như một lực lượng bí mật có ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị của Hoàng gia và các Đại gia tộc. Mục tiêu của Bene Gesserit là đạt được quyền lực và duy trì sự ổn định của toàn nhân loại. Lời tiên tri về Kwisatz Haderach cũng là một trong những kế hoạch để đạt được mục tiêu đó của Bene Gesserit. Như vậy, một lời tiên tri về “đấng cứu thế” Lisan al-Gaib có thể dẫn dắt dân bản địa cuối cùng lại chỉ là một nước đi trong bàn cơ chính trị nhằm bảo đảm sự ổn định khu vực. Để rồi khi Paul kế vị ngai công tước từ cha, anh cùng một lúc đảm nhiệm cả ba vai trò: vừa là Công tước Paul Atreides –người cai trị hợp pháp của Arrakis, vừa là Lisan al-Gaib – lãnh đạo tôn giáo của cư dân Fremen sinh sống trên Arrakis, lại vừa là Kwisatz Haderach – vị thủ lĩnh có thể thống nhất cư dân trên khắp các hành tinh. Ở vai trò người cai trị, Paul cần thiết lập quyền lực và trật tự, làm suy yếu thế lực của gia tộc Harkonnen và đội quân của Hoàng đế trên Arrakis. Ở vai trò thủ lĩnh tôn giáo, anh cần đảm bảo gánh vác được trọng trách của lời tiên tri và chứng minh bản thân là Lisan al-Gaib/ Kwisatz Haderach phù hợp với cư dân bản địa. Nghĩa vụ và trách nhiệm ở ba vai trò này không phải lúc nào cũng thống nhất, do đó, khó khăn của Paul là cần cân bằng được lợi ích của người dân Fremen với lợi ích của gia tộc Atreides và những đồng minh, đồng thời vẫn cần xử lý những vấn đề ở phía Bene Gesserit.
Tóm lại, trong Xứ cát, huyền thoại về Kwisatz Haderach ban đầu được kiến tạo để phục vụ cho một kế hoạch chính trị trong tương lai. Tuy nhiên, đối với người dân Fremen tại thời điểm Paul xuất hiện, với những hành động hoàn thành lời tiên tri, anh thực sự đã trở thành một niềm hy vọng cho họ. Và từ những hành động đó, người Fremen tiếp tục lan truyền đi những huyền thoại của riêng họ về Lisan al-Gaib/ Muad’Dib. Các lớp huyền thoại chồng chất lên nhau, vừa nhấn mạnh vị thế của Paul với tư cách là đấng cứu thế, lại vừa đặt Paul vào một tình thế không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.
Qua việc khảo sát cách kiến tạo huyền thoại ở 451 độ F của Ray Bradbury và Xứ cát của Frank Herbert, chúng tôi đưa ra kết luận sau:
Về bản chất thể loại, huyền thoại trong 451 độ F hiện lên như một “thông điệp” theo cách hiểu của Roland Barthes, huyền thoại trong Xứ cát lại mang đúng bản chất lưu truyền của truyện kể cổ xưa, liên quan đến việc khơi gợi niềm tin tôn giáo.
Về phương thức tạo thành, huyền thoại có thể được kiến tạo dựa trên chính những sự kiện đang-diễn-ra, thông qua lời phát ngôn trực tiếp và hành động thể hiện xung đột của nhân vật (451 độ F). Huyền thoại cũng có thể được tạo thành từ những lời phát ngôn gián tiếp trong-quá-khứ và liên tục được bổ sung bởi những hành động của nhân vật trong hiện tại, tương lai (Xứ cát).
Về ý tưởng, huyền thoại được đề cập đến trong 451 độ F liên quan đến sự thay đổi cách đánh giá về sách và chất lượng thông tin; còn huyền thoại trong Xứ cát tập trung vào việc xây dựng quyền lực và củng cố vai trò của người thủ lĩnh ở cả khía cạnh tôn giáo lẫn chính trị.
Về vai trò, những huyền thoại được đề cập đến đảm nhiệm hai vai trò chính: vừa như phương tiện để mô tả gián tiếp một hiện tượng của đời sống, vừa hiện diện như một công cụ đắc lực phục vụ cho mục đích chính trị.
2.2. Chức năng tối hậu của huyền thoại
Trong phần này, chúng tôi mong muốn trả lời câu hỏi: Với sự tồn tại song song của huyền thoại ngày nay và huyền thoại cổ xưa, huyền thoại và những chức năng của nó ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống cá nhân và cộng đồng người trong cả hai cuốn tiểu thuyết? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tiến hành xem xét cách thức huyền thoại xâm nhập vào cấu trúc trần thuật của cả hai cuốn tiểu thuyết.
Ở 451 độ F, thông điệp sách mang theo mối hiểm họa khiến tinh thần đau khổ khiến cho phần lớn các nhân vật né tránh việc sở hữu, lưu giữ sách. Bên cạnh đó, việc những người lính phóng hỏa tồn tại cũng củng cố thêm vào tâm trí các nhân vật rằng tàng trữ sách là một hành vi không được công nhận. Trong trường hợp này, huyền thoại về sách giống như một bức tường ngăn cản con người tiến đến với những thông tin được ghi chép, chứa đựng trong những cuốn sách đó. Cụ thể, huyền thoại này vừa kéo con người lại gần hơn với những cách thức giải trí bằng phương tiện truyền thông đại chúng, vừa đẩy con người xa khỏi hành trình khám phá tri thức về bản thân, về người khác, và về thế giới.
Tuy nhiên, thông điệp còn lại trong sáng tác của Ray Bradbury lại cung cấp một hướng đi khác. Khi độc giả và cả nhân vật Guy Montag bất lực trong việc “giải cứu” những cuốn sách, nhân vật Faber đã mở ra một khái niệm về phẩm chất của sách, đề cao chất lượng thông tin hàm chứa trong sách, thay vì nhấn mạnh vào trạng thái tồn tại của đồ vật. Lúc này, sách chỉ là một trong số những vật chứa đựng thông tin. Vật chứa đựng hoàn toàn có thể bị phá hủy, cũng có thể được chuyển từ vật này sang vật khác. Có thể xem đây là một huyền thoại được tạo ra để giải huyền thoại về vai trò tiêu cực và cả tích cực của sách.
Có một điểm đáng lưu ý về thứ tự xuất hiện của hai huyền thoại trong cốt truyện 451 độ F. Những tác hại của sách lần đầu tiên được nhắc đến trực tiếp thông qua lời của nhân vật Beatty: “Các sách này chẳng cuốn nào hòa hợp cuốn nào sất. Bà đã giam mình ở đây suốt bao năm cùng một cái Tháp Babel chết giẫm thứ thiệt. Bùng ra khỏi đó đi! Mấy kẻ trong những quyển sách đó đã bao giờ sống thật đâu.” (Bradbury 2020: 61). Lúc này, giá trị của sách hay những thông tin tồn tại trong sách chưa hề được đề cập trực tiếp. Những câu hỏi, hành động mà Clarisse đặt ra cho Guy Montag chỉ mang tính khơi gợi để anh mơ hồ cảm nhận về một thế giới khác: thế giới trước khi sách bị coi là vật cấm. Có thể thấy, trong toàn bộ phần một “Bếp lửa và rồng lửa”, huyền thoại về hiểm họa của sách chiếm thế thượng phong. Huyền thoại này chi phối đến toàn bộ những nhân vật xuất hiện ở phần một: Ngoại trừ Clarisse và người đàn bà trung niên bị đốt sách, các nhân vật lính phóng hỏa (Guy Montag, Beatty, Stoneman, Black) và nhân vật Chó Máy chiếm phần lớn thời lượng văn bản. Clarisse – nhân vật giữ vai trò mời gọi Guy Montag bước vào “thế giới khác” – dần biến mất. Thay vào đó, Beatty – đội trưởng đội phóng hỏa, “người phát ngôn” về hiểm họa của sách – dần đặt ảnh hưởng của anh ta lên Guy Montag bằng cách giải thích với Guy Montag về nguồn gốc và tác hại mà sách mang lại cho tâm hồn con người một cách đầy sức thuyết phục.
Sang đến phần “Sàng và cát”, người kể chuyện bắt đầu lấy lại vị thế cho sách bằng sự xuất hiện của nhân vật Faber. Từ đây, sách được nhìn nhận ở góc độ mới: Sách là phương tiện lưu giữ kiến thức. Có thể thấy, hai huyền thoại này có sự xuất hiện nối tiếp nhau, đi từ việc coi sách là hiểm họa cho đến việc nhìn nhận sách như công cụ bảo tồn tri thức, văn hóa loài người. Sự xâm nhập của hai huyền thoại này vào cấu trúc cốt truyện thể hiện rõ nét trong cách tổ chức các phần trong văn bản 451 độ F, trong việc xây dựng hai tuyến nhân vật với hai hệ tư tưởng khác biệt nhau, trong điểm nhìn và hệ thống diễn ngôn trần thuật của văn bản. Khi đặt hai huyền thoại ở thế song song, đối nghịch, người kể chuyện tận dụng diễn ngôn trực tiếp và tạo tình huống đối thoại gay gắt giữa Beatty và Guy Montag, Guy Montag và Faber, Beatty – Guy Montag – Faber. Khi đẩy mâu thuẫn, xung đột lên đến cao trào (trong phần ba “Cháy sáng”), tất cả chỉ còn lại ở hành động: Guy Montag phóng hỏa Beatty, Chó Máy săn lùng Guy Montag.
Tuy nhiên, cuộc rượt đuổi tư tưởng này không kéo dài bất tận, và phần chiến thắng cũng không nghiêng về một trong hai bên nào. Kết thúc, Guy Montag chạy trốn đến khu vực ngoại ô, còn những người trong thành phố lại tin tưởng rằng kẻ thủ ác đã bị bắt giữ. Điều này cho thấy sự tồn tại song song của cả hai huyền thoại ở hai cộng đồng riêng rẽ, một bên là cư dân trong thành phố và những người lính phóng hỏa, bên còn lại là Guy Montag và những người đàn ông sống ở khu vực ngoại ô. Sự tồn tại cùng lúc của cả hai huyền thoại này đã dẫn đến một ý tưởng: những huyền thoại được sinh ra không nhằm triệt tiêu lẫn nhau một cách hoàn toàn, mà sẽ mở rộng những giới hạn, từ đó đặt con người vào trạng thái luôn có thể dao động giữa những lựa chọn khác nhau.
Ngược lại, Xứ cát của Frank Herbert lại vẽ ra một viễn cảnh khác: khi huyền thoại có thể điều khiển, lấn át định mệnh cá nhân. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua số phận của nhân vật Paul Atreides. Ban đầu, Paul không quá mặn mà với lời tiên tri về một đấng cứu thế sẽ dẫn dắt người dân Fremen đến với tự do thực sự. Tuy nhiên, những biến cố chính trị diễn ra khiến anh lưu lạc và gia nhập vào tổ chức của người Fremen. Ở đây, vì mục tiêu sinh tồn, Paul buộc phải hành động, và chính những hành động đó của anh lại ứng nghiệm với lời tiên tri về đấng cứu thế của người Fremen. Trong suốt tác phẩm, Paul luôn có sự giằng xé giữa vai trò người kế thừa gia tộc Atreides và người lãnh đạo cư dân Fremen. Sau khi uống Nước Sự Sống và thức tỉnh khả năng của một Kwisatz Haderach, Paul có khả năng cùng một lúc thấu thị quá khứ – hiện tại – tương lai. Với mỗi hành động được tiến hành, Paul nhìn được toàn bộ những khả năng và hệ quả của hành động đó trong tương lai.
Tuy vậy, Frank Herbert đặt Paul vào tình thế hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ theo đúng tương lai đã được tiên tri trước đó. “Ta là một nhà hát của các vở diễn, chàng tự nhủ. Ta là con mồi của sự thấu thị bất toàn, của ý thức giống nòi và cái mục đích kinh khủng của nó.” (Herbert 2022: 511) Ý thức rõ ràng về trách nhiệm và các vai diễn cần gánh vác khiến cho Paul không còn được sống đúng với những ước muốn cá nhân của anh nữa. Paul buộc phải trưởng thành và gánh vác trọng trách trước tuổi, không thể cưới Chani – người phụ nữ anh yêu thương hết lòng – làm vợ chính thức, dùng cả cuộc đời để thực hiện nghĩa vụ của một vị thủ lĩnh. Paul thường xuất hiện trong trạng thái vừa cô độc, vừa hoài nghi, lại vừa phải chấp nhận dấn thân vào tương lai đã biết trước. Trên hành trình đó, Paul ngày một nhận ra sự vô nghĩa của tất cả những gì anh đã làm đối với cá nhân anh. Tuy nhiên, Paul không thể cưỡng lại được định mệnh của mình. Anh sống trong một tương lai đã định sẵn và không thể chối bỏ, bị buộc phải tuân thủ một lời tiên tri và những hành động của anh lại cung cấp thêm chất liệu cho những huyền thoại khác về đấng cứu thế. Lời tiên tri của hội Bene Gesserit cùng hàng loạt lựa chọn ứng xử khác đã gò ép cuộc đời của Paul vào khuôn mẫu đấng cứu thế; còn mỗi huyền thoại, truyền thuyết mới về Lisan al-Gaib đều sẽ trở thành một sợi xích trói chặt Paul Atreides vào định mệnh vốn đã không thể khước từ này.
Bằng việc sử dụng các motif Kinh Thánh (lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, kiểu mẫu nhân vật Đức Mẹ,…), kết hợp với cấu trúc lồng ghép giữa các lớp văn bản (ghi chép của Công chúa Irulan, Thánh Alia Con Dao, và lời người kể chuyện), Frank Herbert đã dựng chân dung và cuộc đời của nhân vật Paul Atreides/ Lisan al-Gaib/ Kwisatz Haderach như cách Thánh Matthew, Thánh Mark, Thánh John, và Thánh Luke tái hiện lại thân thế và cuộc đời của Đấng Cứu thế Jesus Christ trong bốn sách Phúc Âm. Cách thức kể chuyện này đã tạo ra sự đa dạng trong điểm nhìn và cách đánh giá nhân vật. Tuy nhiên, nếu bốn sách Phúc Âm đều chỉ kể lại câu chuyện về Jesus Christ từ điểm nhìn của những tông đồ, thì Xứ Cát đã làm rõ hơn về số phận đau thương của Paul Atreides bằng cách khai thác điểm nhìn bên trong nhân vật này. Sự lồng ghép các lớp văn bản và cách khai thác điểm nhìn bên trong đã mang lại ba tác dụng: (1) tái hiện nhân vật dưới con mắt khách quan của cộng đồng, (2) khắc họa rõ nét nội tâm nhân vật, và (3) khắc sâu bi kịch của một con người bị cộng đồng “cướp đi” đời sống cá nhân. Như vậy, huyền thoại trong Xứ cát không chỉ phản ánh cấu trúc Kinh thánh mà còn đi sâu hơn vào sự phức tạp trong trải nghiệm của con người và mối quan hệ giằng xé giữa đời sống cá nhân và vận mệnh cộng đồng. Các lớp văn bản chồng lấn lên nhau không chỉ làm phong phú thêm tính cách của nhân vật Paul Atreides mà còn gợi mở những suy tư về quyền lực của huyền thoại đối với thân phận con người. Nhìn chung, khi khai thác những lựa chọn và đi sâu vào suy tư của Paul Atreides, sau đó là Leto Atreides II, Frank Herbert đã đưa ra một viễn cảnh về huyền thoại: Khi nhận được niềm tin trọn vẹn từ con người, khi đóng vai trò như một công cụ chính trị phục vụ mục đích dài lâu, huyền thoại có khả năng lấn át, thậm chí triệt tiêu mọi định mệnh cá nhân, tính cách cá nhân, suy nghĩ cá nhân. Lúc này, cuộc đời cá nhân trở thành một “nhà hát” cho nhiều “vở diễn” khác nhau, giống như Paul Atreides trong suốt cuộc đời mình đã phải diễn quá nhiều vai diễn, và có rất ít cơ hội để được sống đúng như mong muốn, khát khao của bản thân.
Như vậy, thay vì trao cho con người quyền dao động giữa các lựa chọn như các huyền thoại được đề cập đến trong 451 độ F, huyền thoại trong Xứ cát đã tước đoạt các lựa chọn riêng của cá nhân, buộc con người ra quyết định và hành động trên cơ sở sự thắng thế của hàng loạt những trường lực xã hội khác nhau. Cũng có thể nói rằng, các huyền thoại trong 451 độ F được tạo ra để phục vụ con người cá nhân. Còn trong Xứ cát, mối tương quan sẽ là: những huyền thoại ngay từ đầu được tạo ra và củng cố để phục vụ cho lợi ích của toàn thể cộng đồng, và con người cá nhân được sinh ra trong kế hoạch phục vụ và làm dày thêm ý nghĩa của huyền thoại đó.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, hai cuốn tiểu thuyết 451 độ F của Ray Bradbury và Xứ cát của Frank Herbert đều có những cách kiến tạo huyền thoại khác nhau. Theo đó, huyền thoại trong 451 độ F là những ngôn từ hàm chứa thông điệp, có thể được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, gắn liền với những sự kiện trong hiện tại, có chức năng mô tả, nhận diện một hiện tượng đời sống. Huyền thoại trong Xứ cát lại xuất hiện trong hình hài lời tiên tri và những truyền thuyết có liên hệ với niềm tin tôn giáo, gắn với thời quá khứ và liên tục được bồi đắp trong hiện tại, tương lai, là công cụ mang chức năng thiết lập quyền lực chính trị và áp đặt hành động cá nhân. Hai cuốn tiểu thuyết đồng thời cũng đưa ra những viễn cảnh khác nhau về hệ quả của những chức năng ấy. Những huyền thoại được kiến tạo trong 451 độ F hướng tới con người và nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người; còn huyền thoại xuất hiện trong Xứ cát lại có mục đích đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, hệ quả là triệt tiêu những ước muốn, lựa chọn của cá nhân. Như vậy, bài viết đã bước đầu nhận diện số phận của những huyền thoại nổi bật được thể hiện trong hai cuốn tiểu thuyết. Trong thế đối sánh, 451 độ F và Xứ cát vẫn còn bỏ ngỏ cho nhiều nghiên cứu tiếp theo.
Bài viết được trích dịch từ báo cáo nghiên cứu bằng tiếng Anh, in trong “Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ hai về các vấn đề Khoa học Xã hội và Nhân văn”, tháng 7 năm 2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ansari Amir Ali. 2022.Fahrenheit 451: A Jungian Psychoanalysis of the Monomyth(). January 2024.
Barthes Roland. 2008.Những huyền thoại. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
Feneja Fernanda Luísa. 2012. “Promethean Rebellion in Ray Bradbury’s Fahrenheit 451: The Protagonist’s Quest”.Amaltea: Revista de MitocríticaVolume 4: 1-20.
Georgescu Andreea Monica. 2016.Greek Mythological Influences in Frank Herbert’s ‘Dune’ Saga. Editura Universităţii din Bucureşti.
Irvin Aaron. 2022. “Time versus History: A Conflict Central to Herbert’sDune”. pp. 153-162 in Dune and Philosophy: Minds, Monads, and Muad’Dib, edited by Kevin S. Decker. New Jersey: Wiley Blackwell
Mohr Sara, Butler Sam. 2023. “The Agamemnon Problem: The Fluidity of History-Making and Myth-Making in theDuneUniverse”.New ClassicistsIssue 8: 3-21
Palumbo Donald. 1998. “The Monomyth as Fractal Pattern in Frank Herbert’s Dune Novels”.Science Fiction StudiesVolume 25 No 3: 433-458.
Spencer Susan. 1991. “The Post-Apocalyptic Library: Oral and Literate Culture in Fahrenheit 451 and A Canticle for Leibowitz”. Extrapolation Volume 32: 331-342.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
Barthes, Roland. 2008.Những huyền thoại. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức.
Bradbury, Ray. 2020.451 độ F.Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.
Herbert, Frank. 2022.Xứ Cát.Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.