38 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học, lừa đảo giảm 50%
38 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học, lừa đảo giảm 50%
Vụ việc lừa đảo giảm 50%
Ngày 18.12.2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.
Quyết định nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Tại buổi họp báo Ngày thẻ Việt Nam 2024 do Báo Tiền phong và Công ty CP Thanh toán quốc gia (Napas) tổ chức sáng 26.9, tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tổng số dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập từ ngày 1.7 đến nay khoảng 38 triệu tài khoản, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử.
Có thể nói, gần như tất cả những khách hàng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều đã được đăng ký các thông tin sinh trắc học để kiểm tra, xác thực lại chính chủ của tài khoản, thẻ, ví khi thực hiện giao dịch.
Trong 2 tháng 7 – 8, theo báo cáo của Napas, trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch, trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường.
Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể.
Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 khoảng 700 vụ, giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8 khoảng 678 tài khoản, giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Không phải mọi giao dịch đều phải xác thực sinh trắc học
Ông Tuấn thông tin thêm, về quy định đối với thẻ cá nhân, từ ngày 1.1.2025, tất cả những thẻ chưa được ngân hàng, các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra, đảm bảo chính chủ thì khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ tại quầy.
“Đây là điều kiện để đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, không phải mọi giao dịch đều phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học. Giá trị các giao dịch được kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 2345.
Dự kiến tháng 10, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 35 về an ninh, an toàn trong giao dịch trực tuyến. Thông tư này ban hành sẽ nâng tầm pháp lý để tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan tới sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2024, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Điều này nhằm hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh với mục tiêu khách hàng là trung tâm, nhiều lựa chọn, dịch vụ được cá nhân hóa tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật; qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.
Thanh toán, chuyển tiền qua internet, điện thoại di động, QR code đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.
“Tiếp nối, phát huy những kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán những năm qua và thành công của Ngày thẻ Việt Nam 3 năm vừa qua, năm nay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đồng hành trong các sự kiện của Ngày thẻ Việt Nam 2024 để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa, đưa ra những gợi ý cho thị trường Việt Nam trước xu hướng phát triển mới của hệ sinh thái ngân hàng mở trong tương lai”, ông Tuấn nói.
Ngày thẻ Việt Nam 2024 hướng đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và gia đình trẻ có độ tuổi từ 15 – 40, có nhu cầu sử dụng các phương thức thanh toán số, thanh toán trực tuyến thông qua các dịch vụ internet banking, mobile banking của ngân hàng cũng như các dịch vụ ngân hàng được tích hợp trên nền tảng của bên thứ ba như các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, đặt phòng trực tuyến, dịch vụ di chuyển…
Trong khuôn khổ Ngày thẻ Việt Nam 2024 có 6 hoạt động chính gồm: họp báo công bố chuỗi sự kiện (ngày 26.9); Chiến dịch Megasale Online (30.9 – 26.10); hội thảo chuyên (ngày 2.10); hội thảo hướng nghiệp tại Trường đại học Kinh tế quốc dân (ngày 4.10); sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam 2024 – Sóng Festival tại sân vận động Bách Khoa (5 – 6.10).