Cựu lính biên phòng bất chấp nguy hiểm cứu người mắc kẹt giữa sông Ayun 8 ngày
Cựu lính biên phòng bất chấp nguy hiểm cứu người mắc kẹt giữa sông Ayun 8 ngày
Ngày 27.9, chúng tôi có mặt ở sông Ayun, một con sông lớn ở Gia Lai, đoạn thuộc xã Đăk Djrăng, H.Mang Yang, nơi mà anh Phan Minh Thắng bị mắc kẹt nhiều ngày ở giữa sông. Dù nước đã rút so với 2 – 3 hôm trước nhưng nghe tiếng nước dữ chảy dội vào những mỏm đá lớn, chúng tôi cũng đã rợn người.
Cựu lính biên phòng làm nghề đánh cá trên sông
Trên sông Ayun, dòng nước đỏ nặng phù sa vẫn cuồn cuộn chảy về hạ du. Cách đó không xa là nhà anh Dương Văn Khiêm. Anh Khiêm kể: “Chiều 24.9, khi tôi đang làm vườn thì có người trong xã đến tìm nói là ra bờ sông cứu giúp người. Tôi lật đật chạy ra sông thì thấy một người đang bị mắc kẹt ở mô đất cao ở giữa sông Ayun. Lúc ấy, các anh công an cũng đã có mặt.
Sau một hồi bàn nhau, chúng tôi nhất trí sẽ để tôi không mặc áo phao bơi sang chỗ mô đất mà em Thắng đang mắc kẹt, cầm theo dây thừng được nối từ bờ và áo phao. Tôi cam đoan với các anh là tôi khá rành về con nước dữ của sông Ayun và cũng làm nghề đánh cá nên rất dạn dày sông nước. Các anh cũng đã biết tôi từ trước nên đồng ý nhưng dặn tôi phải thật cẩn thận”.
Theo anh Khiêm, anh đã tìm cách vượt dòng nước lũ, lựa thế bơi ngược lên tiếp cận được chỗ Thắng đang bám víu. Gặp Thắng, anh Khiêm động viên là không sao, có người cứu rồi. Lúc ấy, Thắng đã suy kiệt, chỉ gật gật đầu. “Tôi mặc áo phao, cột dây vào người cho em rồi nói em hãy bình tĩnh. Sau đó, cùng với sự hợp sức của lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên bờ, chúng tôi đã đưa được Thắng vào bờ an toàn”, anh Khiêm cho biết thêm.
Anh Khiêm từng là lính biên phòng, thuộc lực lượng cơ động của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai. Sau 2,5 năm trong quân ngũ, anh ra quân, trở về địa phương năm 2005, lập gia đình và ở gần bờ sông Ayun, làm nghề đánh cá, nghề nông mưu sinh.
Dù không còn trai trẻ, năm nay đã 45 tuổi nhưng nhìn anh Khiêm rất tráng kiện. Anh kể gia đình mình ở tỉnh Cao Bằng, theo gia đình vào H.Mang Yang từ năm 1991 đến nay.
“Từ nhỏ ở ngoài Cao Bằng nhà tôi ở sát sông nên đã biết bơi lội sớm. Vào Gia Lai đi lính biên phòng nữa nên được luyện tập về bơi lội, cứu hộ, cứu nạn khá kỹ. Với lại do làm nghề đánh cá trên sông Ayun lâu năm, tôi hiểu từng luồng lạch, con nước của sông. Người lạ dẫu bơi giỏi nhưng nếu bơi ở sông này mùa nước lũ cũng rất nguy hiểm. Những năm trước, tôi đã từng cứu nhiều người bị lũ cuốn trên sông. Hồi trước chưa có cầu, mọi người phải đi ở ngầm này, Khi nước sông dâng lên ngập ngầm, tôi luôn ở trên bờ trông đến 7 – 8 giờ đêm để cảnh báo cho người dân, các thầy cô giáo đi dạy về không nên vượt ngầm sẽ nguy hiểm”, anh Khiêm cho biết.
Người mắc kẹt 8 ngày giữa sông sắp được xuất viện
Những ngày qua, nhờ sự điều trị tích cực của cán bộ, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế H.Mang Yang cộng với sự chăm sóc của người thân, nạn nhân Phan Minh Thắng đã hồi phục khá tốt. Thắng có thể nói chuyện lâu hơn, tự đi lại chút ít trong phòng dù chân bị lở loét chưa thể khỏi hẳn.
Thắng nói: “Em sống rồi! Thật may cho em hôm đó. Vì ở giữa mô đất, nước lũ to lắm, khu vực đó lại ít người qua lại. Em có kêu thì chắc cũng khó mà át được tiếng nước lũ cuồn cuộn. Em cảm ơn mọi người đã cứu em thoát chết. Lúc đó em mệt lắm rồi, nếu không được cứu chắc em sẽ chết đói hoặc trượt xuống dòng nước là cũng hết đời”.
Như Thanh Niên đã thông tin, anh Phan Minh Thắng (20 tuổi, trú tại xã Kdang, H.Đak Đoa) đã bị mắc kẹt 8 ngày giữa sông Ayun, H.Mang Yang (Gia Lai). Đến chiều 24.9, Thắng được phát hiện và được cứu, thoát khỏi cái chết trong gang tấc.
Bác sĩ Bùi Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Mang Yang, cho biết: “Bệnh nhân Phan Minh Thắng hiện đang hồi phục khá tốt. Chỉ vài hôm nữa sẽ được xuất viện, về nhà bồi dưỡng thêm để hồi phục thể trạng, sức khỏe”.
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Trường Giang, Phó giám đốc y khoa, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, về mặt cơ chế sinh lý của một người tồn tại trong vòng 7 – 10 ngày mà không ăn, cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng mỡ, đạm, đường dự trữ để nuôi cơ thể. Nguồn năng lượng này thường được dự trữ trong gan và khi con người không ăn sẽ được tận dụng để nuôi cơ thể.
Cũng theo bác sĩ Bùi Trường Giang, có thể nạn nhân còn trẻ, có nền sức khỏe tốt hoặc sống ở vùng điều kiện khắc nghiệt và luôn vận động, nên có sức khỏe, giúp cho việc sinh tồn tốt.
“Việc nạn nhân mắc kẹt giữa sông, không hoạt động nhiều mà nằm tại chỗ nên cơ thể sẽ giảm chuyển hóa, thân nhiệt hạ giúp giữ được năng lượng. Nước sông khi người này uống có thể tạo ra oxy để nuôi dưỡng cơ thể”, bác sĩ Bùi Trường Giang cho biết thêm.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 27.9, anh Nguyễn Trung Hiếu, anh rể của Phan Minh Thắng cho biết: “Thắng hồi phục khá tốt. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng thứ 2 tuần tới em sẽ được xuất viện. Gia đình cũng đã đến tận nơi, gửi thư cảm ơn lực lượng chức năng đã không quản nguy hiểm cứu em tôi”.