Đối ngoại Nhật Bản dưới thời người muốn thành lập ‘NATO châu Á’
Đối ngoại Nhật Bản dưới thời người muốn thành lập ‘NATO châu Á’
Hôm qua, sau vòng đầu của cuộc bầu chọn, từ 9 ứng viên chỉ còn ông Ishiba (67 tuổi) và Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi (63 tuổi) vào “vòng chung kết”. Sau cùng, bà Takaichi đã không thể làm nên lịch sử trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của xứ sở mặt trời mọc.
Chân dung tân Thủ tướng Nhật Bản
Ông Ishiba đã giành chiến thắng để trở thành Chủ tịch LDP. Vì LDP đang cầm quyền nên tất nhiên ông Ishiba sẽ thay thế ông Kishida trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Vào Quốc hội Nhật Bản từ năm 1986, ông Ishiba dần trở thành một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong LDP, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và một vài bộ khác. Tuy nhiên, trong những lần cạnh tranh chức lãnh đạo LDP trước đây, ông Ishiba đều thất bại. Việc đắc cử Chủ tịch LDP đặt ra trách nhiệm cho ông Ishiba phải giải quyết nhiều khó khăn mà đảng này đang đối mặt sau hàng loạt vụ bê bối dẫn đến thiếu niềm tin trong công chúng, cũng như tình trạng phe nhóm trong nội bộ. Không những vậy, ông còn phải tìm cách giải quyết các khó khăn về kinh tế, đặc biệt là tình trạng lạm phát cao, mà những người tiền nhiệm chưa thể xử lý thực sự hiệu quả. Ông Ishida đã tuyên bố sẽ mở ra “lối thoát hoàn toàn” cho tình trạng lạm phát ở Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Nhật Bản nên giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để hướng đến năng lượng tái tạo. Về đối ngoại, ông Ishida kêu gọi hình thành phiên bản châu Á của khối liên minh quân sự NATO để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện ý định Nhật Bản giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ và tăng cường vai trò của Tokyo trong khu vực ngày càng lớn hơn.
Dự kiến, ông Ishiba sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản từ ngày 1.10.
Trả lời Thanh Niên vào tối qua, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá: “Chiến thắng của ông Ishiba cho thấy sự suy giảm ảnh hưởng của các thành viên có tư tưởng mạnh mẽ thuộc phe của cố Thủ tướng Shinzo Abe trong LDP. Cho nên, công chúng Nhật Bản khó có thể dành nhiều ủng hộ cho ông Ishiba trong cuộc bầu cử hạ viện sắp tới. Cũng vì thế, liên minh hiện tại giữa LDP với đảng Công Minh theo xu hướng trung dung trong quốc hội chắc sẽ còn kéo dài”. Tuy nhiên, theo GS Sato, ông Ishiba có kinh nghiệm làm việc với nhiều lãnh đạo địa phương ở Nhật Bản nên cũng là một lợi thế.
Chính sách đối ngoại sắp tới
Về đối ngoại, GS Sato nhận định: “Sự quan tâm lâu dài của ông Ishiba đối với các vấn đề an ninh là “tài sản lớn” trong giới lãnh đạo Nhật Bản vào thời điểm hiện nay khi căng thẳng leo thang. Ông Ishiba có thể sẽ bám sát đường lối chính sách đối ngoại thực tế mà người tiền nhiệm Kishida đã vạch ra. Nhật Bản sẽ tận dụng khuôn khổ “Bộ tứ” (gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ) và các hợp tác song phương cũng như đa phương khác để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời, ông Ishida có lẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy thịnh vượng kinh tế khu vực thông qua việc tiếp tục đối thoại với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) bao gồm cả Trung Quốc”.
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) dự báo: “Việc bầu cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba làm Chủ tịch LDP rồi trở thành Thủ tướng Nhật Bản sẽ đảm bảo tính liên tục trong chính sách quốc phòng và đối ngoại của nước này. Điều đó có nghĩa là nội các mới tiếp tục củng cố liên minh Nhật – Mỹ, tăng cường quan hệ đối tác thông qua các thỏa thuận như hiệp ước tiếp cận tương hỗ với Úc, Anh”.
“Nhật Bản cũng tiếp tục tham gia hợp tác sâu rộng với các nước Đông Nam Á như VN, Philippines để củng cố quan hệ ngoại giao và kinh tế với khu vực”, GS Nagy dự báo.
Bên cạnh đó, GS Nagy nhận xét thêm: “Ông Ishiba từng nói về một “NATO châu Á”. Điều này khó có thể thành hiện thực vì Indo-Pacific thiếu sự đồng nhất và các quốc gia không muốn đứng về một phía để chống lại bất kỳ quốc gia khác. Mặc dù vậy, sắp tới có thể NATO và các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand có thể hợp tác nhiều hơn để đối phó các thách thức ở Indo-Pacific”.