Hiểu mình, cụ thể là hiểu gì? (phần 2)

Tháng chín 28, 2024

Tài chính cá nhân là một trong những khía cạnh rất cần thiết của mỗi người, đặc biệt là khi chúng ta bắt đầu ra trường, sống tự lập và ít (hoặc không còn) phụ thuộc vào gia đình.
Mình bắt đầu ghi chép và quản lý tài chính từ năm 2022, quãng thời gian 2 năm chưa thể nói là dài nhưng mình đã đúc kết được một số kinh nghiệm, và nay mình muốn chia sẻ những góc nhìn đó tới mọi người.
Dưới đây là 6 câu hỏi về tài chính cá nhân, bạn cùng ngẫm nghĩ với mình nhé:

Mình nghĩ tiền quan trọng, nếu không muốn nói rằng chúng rất quan trọng.
Vì ở mọi khía cạnh trong cuộc sống đều cần tiền để duy trì, nâng cấp và phát triển. Chúng ta ban đầu đi làm cũng vì tiền để tự nuôi sống bản thân, rồi sau đó khi đã ổn định hơn chút, thì mới nghĩ đến chuyện lo lắng cho người nhà và cao hơn nữa, là tạo ra giá trị cho người khác.
Trước kia mình thấy có ý kiến nói rằng, đồng tiền có sức mạnh tha hóa con người. Người ta đấu tranh, cãi nhau, thậm chí cướp giật,… là vì tiền.
Nhưng tiền có lỗi gì không?
Mình nghĩ chúng không có lỗi gì cả.
Bởi vì bản chất của tiền là tờ giấy (hoặc polymer) có giá trị cụ thể, phục vụ cho việc trao đổi mua bán, một mảnh giấy vô tri vô giác thì làm sao có thể điều khiển con người được?
Nên là bản thân tiền không có lỗi, và giá trị của tiền cũng càng không có lỗi.
Vấn đề ở đây là khi đứng trước giá trị của chúng, con người kiểm soát nhu cầu và ham muốn tới đâu.
Ví dụ như khi một ai đó đang rất đói (mấy ngày không có gì ăn), họ không có tiền, họ thấy một túi tiền trước mặt và đánh giá rằng có thể lấy được, vậy thì rất có khả năng họ sẽ lấy túi tiền đó nếu không kìm được lòng tham của chính mình.
Vậy thì việc trộm cắp ở đây vốn dĩ là để giải quyết nhu cầu cơ bản là ăn, chứ bản thân túi tiền không có lỗi gì cả.

Tiền có mặt ở mọi mặt trong cuộc sống:
Sức khỏe: ăn, uống, mặc, ở, đi lại, vận động,…
Công việc: đi học, khóa học, hồ sơ giấy tờ, thiết bị, phương tiện hỗ trợ…
Mối quan hệ: đi chơi với bạn bè, gửi tiền cho gia đình, ma chay/cưới hỏi, lễ tết…
Giải trí/trải nghiệm khác: du lịch, sở thích, đi từ thiện…
Đấy là những khoản chúng ta chủ động chi tiêu, và càng đi làm thì mình thấy còn có khoản không chủ động chi nhưng trong tình thế bắt buộc vần phải bỏ ra, đó là:
– Rủi ro khi đi lại: phạt tiền đi sai quy định,…
– Bệnh tật, tai nạn bất ngờ
– Mắc lỗi/rủi ro công việc dẫn đến phải đền bù hoặc bị phạt
Nếu nói một cách ngắn gọn, thì sẽ xoay quanh 3 nhu cầu chính:
Cần thiết: toàn bộ những nhu cầu BUỘC PHẢI CÓ để duy trì sự sống, đi lại, ăn mặc tối thiểu.
Phát sinh: toàn bộ những điều ta KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC ĐƯỢC, nhưng khi nó đến thì mình cần phải chi vì tình thế bắt buộc.
Phát triển: toàn bộ những nhu cầu cần thiết, đã đủ nhưng ta MUỐN NÂNG CẤP, CẢI TIẾN HOẶC THAY MỚI HƠN. Ví dụ như đổi từ cái ghế gỗ sang ghế công thái học, đổi từ chai sữa rửa mặt loại 50k sang loại 200k.
Ba hoạt động chính liên quan là: kiếm, tiết kiệm và chi tiêu.
Đối với mình:
Quản lý tài chính thực chất là quản lý những nhu cầu và thứ tự ưu tiên của chúng, ta biết chúng có giá trị như nào để từ đó có phương án đi kiếm tiền, tiết kiệm và chi tiêu hợp lí.
Và mình nghĩ, câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất, không phải là: “Cần tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi đến tuổi xx?”
Mà là “ Với tuổi xx, bạn dự định nhu cầu cần thiết khoảng bao nhiêu, bạn dự tính được phát sinh rủi ro khoảng bao nhiêu, và bạn muốn nâng cấp/phát triển/trải nghiệm điều gì mới và chúng cần khoảng bao nhiêu?
Để từ đó, ta có một hình dung cụ thể về số tiền cần chi tiêu hàng tháng, cần tiết kiệm cho những rủi ro, và cần tiền tiết kiệm cho những thứ phải mất rất nhiều tháng mới đạt được.
Tức là, bắt đầu từ mong muốn của bản thân trước, thật cụ thể nhu cầu, số tiền và thứ tự ưu tiên.

Mình nghĩ đa số là lương, được trả bởi một ai đó, một công ty hoặc là chính bạn tự trả cho mình.
Ngoài lương ra thì mình thấy còn có những khoản khác là: bán lại đồ, hoàn thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp thất nghiệp, đầu tư…
Cái khoản bán đồ thì tùy mỗi người và nhu cầu, ví dụ như mình thì có mấy đồ không dùng tới như son hay tất, mình nhượng lại giá rẻ cho người quen. Khoản này không nhiều, không đều đặn, nhưng mà nó vui =)))
Về hoàn thuế và trợ cấp thất nghiệp, thực ra là nguồn thu khác thì cũng không hẳn, nó được trích một phần từ lương khi thử việc và đi làm chính thức, đến một thời điểm phù hợp, bạn có quyền “lấy lại” những khoản đó.
Hồi đi bán hàng, mình làm cùng 1 bạn nhân viên cũng hơn 1 năm, đến khi hỏi về hoàn thuế thì bạn ấy mới ngớ người bảo: “Chị không hỏi là em cũng quên mất khoản đó rồi đấy”.
Mình cũng hơi ngạc nhiên, không biết là do khoản đó không lớn, do bạn quên hay lỡ thông tin từ bên nhân sự. Nhưng mình nghĩ dù chúng không lớn, không đều đặn như lương thì vẫn có giá trị vì dù sao nó vẫn là công sức chúng ta đi làm, người ta trích một phần vì quy định là thế, nhưng ta vẫn có quyền nhận lại mà.
Còn về trợ cấp thất nghiệp thì cái này rất quen thuộc rồi, dành cho ai nghỉ việc mà chưa tìm được việc mới ngay.
Mình đã từng viết 2 bài về hướng dẫn hoàn thuế TNCN và xin trợ cấp thất nghiệp online, bạn tham khảo ở cuối bài viết nhé.
Còn về đầu tư thì mình không tham gia nên không có kinh nghiệm, nhưng nếu bạn có ý định đầu tư, mình recommend bạn trang web , một diễn đàn nói rất chuyên sâu về tư duy, hướng dẫn, báo cáo và góc nhìn về đầu tư tài chính, bạn có thể tham khảo thêm nhé.

Mình thấy có 3 viễn cảnh chính:
(1) Kiếm được tiền và tiêu hết
(2) Kiếm được tiền và tiêu nhiều hơn số tiền mình có, sau đó vay nợ. Tháng sau có tiền trả nợ rồi lại tiêu, vay tiếp, và cứ thế…
(3) Kiếm được tiền, tiêu không hết và có một khoản tiết kiệm
Mình đã trải qua viễn cảnh số 2, sau đó cố gắng và giờ ở viễn cảnh số 3.
Hồi mới ra trường, mình xác định là không theo nghề của ngành mình học, vừa hay cũng không có bằng cấp nào khác nên mình đã đi viết bài SEO (viết nháp và sau đó có người khác sửa lại). Không có kinh nghiệm, không có hiểu biết về nghề content, nhưng rất cần tiền nên dù nó thấp (chưa đến 20k/bài), mình vẫn viết.
Kết quả lương tháng tầm 300-500k/tháng, mình biết còn chẳng đủ tiêu cá nhân nên phải đi vay bạn. Vay để tiêu, làm ra tiền trả rồi lại, tiêu đến lúc thiếu tiền rồi đi lại đi vay tiếp, cứ thế tầm mấy tháng thì bạn vừa phiền mà mình cũng ngại, nên phải suy nghĩ đến việc đi kiếm 1 việc khác lương cao hơn để làm.
Hồi đó nghèo thật, nhưng mình thấy may mắn bởi vì 2 điều:
– Khi có ít tiền, mình buộc phải suy nghĩ xem cái gì cần tiêu, cái gì thực sự cần. Sau đó tìm hiểu thêm, và biết đến lối sống tối giản.
– Khi lương cao hơn rồi, mình đi học viết, và được cô giáo chia sẻ rằng mỗi tháng tiêu nên tiết kiệm khoảng 10-30% lương, tự thưởng cho chính mình trước. Mình bắt chước làm theo, dù chưa có mục đích rõ ràng gì cả. Nhưng khi dịch COVID bùng phát, phải giãn cách xã hội, mình nghỉ việc và khoản đó thực sự đã cứu cánh trong vòng mấy tháng cách ly sau đó.
Lối sống tối giản kết hợp với việc tiết kiệm hàng tháng, cho mình một hình dung rõ ràng hơn về dòng tiền: kiếm tiền, tiết kiệm trước 1 phần, rồi sau đó mới chi tiêu cho những thứ thực sự cần.

Ngày chưa đi làm công ty thì mình phân chia như này: ăn uống, đồ dùng cá nhân, đi lại, giải trí (mình ở cùng gia đình nên đỡ tiền nhà, điện, nước).
Sau khi đi làm, có những khoản phát sinh như bị phạt làm hỏng hàng hóa ở cửa hàng, và có những khía cạnh mình cũng muốn mua thêm/thay mới, rồi bắt đầu nhận thấy rằng: ăn uống, đồ dùng cá nhân, đi lại,… đều là nhu cầu thiết yếu, nên mình chia làm 3 loại như đã chia sẻ ở trên: cần thiết, phát sinh và phát triển.
Trong đó, dòng tiền sẽ đi theo thứ tự như này:
Tổng tiền định chi (= lương – tiết kiệm) sẽ tiêu cho những đồ dùng cá nhân định mua trong tháng, sau đó mới là tiêu cho ăn uống, đi lại,.. hàng ngày, những khoản phát sinh giá trị nhỏ (dưới 100k) và giải trí.
Tổng tiền tiết kiệm sẽ tiêu cho những khoản mình muốn đầu tư/nâng cấp (thiết bị làm việc, sách,…), sau đó là mới dành cho những khoản phát sinh lớn (bệnh tật,…).
Trong đó, những đồ dùng cá nhân thiết yếu và những khoản mình muốn đầu tư/nâng cấp sẽ được cố gắng dự tính vào cuối mỗi tháng (dựa vào 1 danh sách mình tự lập ra trước đó), đặt lịch mua ngay sau ngày có lương.
Nếu định mua đồ ở ngoài cửa hàng, thì mình sẽ lên một list rồi đi luôn trong 1 buổi. Nếu định mua online (mình thường mua qua shopee), thì cũng mua một thể, vừa đỡ tốn công mà còn được mã miễn phí vận chuyển và những voucher giảm giá khác nữa.
Mục đích là để cái gì cần mua thì mua hết một lần, tránh việc nhớ ra lẻ tẻ rồi đi mua thì sẽ hơi tốn thời gian và mất công đi lại.

Mình nghĩ chẳng có ai trên đời mà không mong muốn mình có cuộc sống đầy đủ tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu cả, ví dụ như việc nâng cấp cái ghế gỗ thành cái ghế chống gù lưng, hay từ cái chiếu lên một bộ chăn ga đệm,…
Nhưng nếu ở thời điểm hiện tại, mặc dù trong đầu rất muốn nhưng chưa thể có được ngay vì năng lực chưa cho phép, thì làm thế nào?
Mình nghĩ, cái quan trọng ở đây là sự đủ, biết mình thực sự cần gì và biết mức đáp ứng tối thiểu là gì.
Thế như nào là đủ, như nào là tối thiểu?
Cái này, mình không có câu trả lời cụ thể. Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng.
Nhưng thử nghĩ thế này đi:
Nếu cái ghế gỗ vẫn còn ngồi được,
nếu cái chiếu vẫn còn nguyên,
nếu bạn có 1 cái túi xách lành lặn,
thì chẳng phải, đã đủ để bạn tiếp tục ngồi, nằm và sử dụng rồi hay sao?
Cho đến khi bạn có tài chính nhiều hơn, thì hoàn toàn có thể nâng cấp thay thế như những gì mình muốn.
Cái chính, và mình nghĩ cũng là cái khó nhất, đó là bình tâm trong một điều kiện bình thường, thậm chí thiếu so với những kì vọng, so với những gì mình nhìn thấy qua truyền thông, qua những gì mà người khác chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhưng nếu cứ tiếp tục lo lắng vì những thứ vượt qua năng lực chi trả hiện tại, thì thật khó để có niềm vui với những điều ta đang có.
Mình nghĩ bản thân mỗi người đang có một công việc, đã là rất có giá trị rồi, kể cả khi bạn chưa thể lo lắng hay gửi tiền về cho gia đình thì chí ít, là bạn đang cố gắng kiếm tiền để lo cho chính mình.
Ví dụ như bản thân mình, mặc dù chưa thể lo được tiền nhà, điện, nước nhưng chí ít, mình đã đóng góp một phần tiền ăn khi đang nghỉ việc. Mình biết là trong giai đoạn này, cần cố gắng để có nguồn thu trở lại, nhưng khi chưa thể, thì dù thế nào vẫn cần trân trọng những gì mình đã làm được để bình tâm và tập trung vào việc phát triển bản thân một cách hiệu quả. Năng lực được đến đâu thì đóng góp tới đó.
Mình tin rằng, khi đủ đầy hơn, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ và giúp đỡ được nhiều hơn cho mọi người xung quanh, và lúc đấy chưa bao giờ là muộn cả.
Mình hi vọng những câu hỏi và góc nhìn trên sẽ hữu ích với bạn và phần nào, giúp bạn bình tâm hơn một chút trên con đường quản lý tài chính cá nhân nhé.
Lưu ý: Trong bài viết có đính kèm 1 số link dẫn sang các bài viết/trang web khác, nhưng hoàn toàn những bài mình viết ở nền tảng khác hoặc website mình thấy hữu ích, chứ không phải tiếp thị liên kết, nên bạn yên tâm nha.
Nếu bạn có góp ý hay suy nghĩ nào, hãy chia sẻ ở phần comment với mình nhé.
——–
Tham khảo
2.