Vài dòng suy nghĩ về “quản lý kỳ vọng”

Tháng chín 29, 2024

Cuối tuần vừa rồi, mình có một buổi họp cùng với cộng đồng Writing On The Net – cộng đồng bloggers,  những “đồng môn” của mình trong lớp học cùng tên, “catch up” tình hình giữa giai đoạn của thử thách “Viết Đều Và Hay”. Hôm đó tụi mình bàn luận về 3 câu hỏi khá thú vị, trong đó có 2 câu là:
1. Động lực viết đều của bạn là gì?
2. Động lực này có thay đổi qua từng giai đoạn không?
Sau buổi thảo luận ấy, mình phát hiện ra một điều quan trọng với bản thân: 
Động lực viết của mình vẫn chưa hề thay đổi, nhưng tiêu chuẩn / kỳ vọng của mình cho 1 bài viết thì có thay đổi giữa các giai đoạn và có xu hướng tăng dần lên.
Không riêng gì việc viết, mình cũng đang dành quá nhiều năng lượng cho những dự án cá nhân hàng ngày, hàng tuần cùng 1 lúc. Dẫn đến những việc quan trọng với bản thân bị trì trệ.
Lúc mới bắt đầu 1 thói quen mới, 1 dự án cá nhân mới, mình đều cảm thấy rất “enjoy”, cho đến khi mình cảm thấy mọi thứ đang dần “nặng” lên.

Nguyên nhân là do đâu?

Chẳng hạn như:
Việc viết: Thời gian đầu khi chưa có nhiều followers (trên Spiderum), thì mình viết một cách vô thưởng vô phạt, không quan tâm người khác sẽ nghĩ gì. Càng viết nhiều hơn, mình lại càng muốn viết những bài “chất” hơn (so với tiêu chuẩn của mình).
Việc học ngoại ngữ: Ban đầu mình chỉ muốn học để không bị mai một khả năng sử dụng tiếng Anh. Sau đó mình học thêm tiếng Pháp trên Duolingo, vì vậy mà mới đầu mình chỉ dành 15 phút học ngoại ngữ mà bây giờ đã là 30-45 phút mỗi ngày.
Việc chạy bộ: Lúc trước, mình thường dành khoảng 30 phút để chạy khoảng 4+ km mỗi lần chạy, thì bây giờ phải dành khoảng 50 phút để chạy ít nhất 6km thì mới thấy hài lòng. Có thể vì khả năng chạy của mình đã tăng lên một chút nữa.
Mình nhận ra:
Khi làm 1 thứ gì đó đủ lâu, đủ thành thói quen, mình sẽ có xu hướng ngày càng tăng tiêu chuẩn / kỳ vọng cho 1 công việc, hoạt động đó. Chủ yếu là vì khả năng, hiệu suất của mình cũng đang tăng lên.

Sau khi nhận thức được thực trạng hiện tại, mình chuyển sang bước tiếp theo:

Nhìn nhận cách làm hiện tại

Mình xem lại mục tiêu / động lực của từng hoạt động, nhìn lại yêu cầu cam kết của bản thân lúc ban đầu, đánh giá lại mức độ quan trọng của những thứ này với bản thân.
Ban đầu yêu cầu cam kết thực hiện những thói quen mỗi ngày không cần nhiều như hiện tại. Mình cũng không đo lường hoặc xác định nguồn lực rõ ràng cho những dự án cá nhân ngày từ đầu.
Mình còn thấy là có 2 loại hoạt động:
+ Những thứ chỉ làm theo thói quen / chưa có thời hạn kết thúc.
+ Những thứ mình chỉ đang cam kết làm trong 1 khoảng thời gian nào đó thì nó sẽ xong.
Được 1 cái là khi bắt đầu làm 1 thứ gì đó, mình nhận thức khá rõ vì sao bản thân mình muốn làm việc đó, việc đó sẽ mang lại lợi ích gì cho bản thân mình,…cho nên là mình chưa bao giờ thấy những thứ mình đang làm là thừa.
Chỉ là khi đã bị cuốn vào “guồng” hoặc lúc bắt đầu riêng lẻ từng hoạt động, mình chưa xác định mức độ quan trọng và thứ tự ưu tiên khác nhau của mỗi thứ ở từng giai đoạn của bản thân, nên mình đã phân bổ nguồn lực, năng lượng cho từng hoạt động chưa hợp lý.

Lựa chọn của mình

Trước khi chuyển sang 1 giai đoạn mới với những mục tiêu mới, trước mắt là mình:

1. Vẫn sẽ tiếp tục làm mọi thứ, sẽ làm cho xong những thứ mình đã cam kết trong 1 khoảng thời gian 😊

Tới khúc này tự nhiên nhớ tới 1 câu trong :
“Không hoàn hảo còn hơn không hoàn thành”

2. Điều chỉnh lại kỳ vọng, tiêu chuẩn khi thực hiện 1 thói quen/hoạt động

Nhớ hôm nọ mình làm gì đó cả ngày mệt quá. Đến 11 giờ mấy gần 12 giờ đêm, đã nằm xuống, tắt đèn ngủ, mình mới nhớ ra:
“Ơ chết, nay mình quên bật Elsa Speak để học rồi” (Chủ yếu là để giữ Streak).
Nhưng mình đã nghĩ “mình cần học tiếng Anh, không phải giữ Streak” và đi ngủ.

3. Cho bản thân cái hẹn “nghỉ ngơi”

Mỗi lần nghỉ ngơi là những lúc mình cho bản thân 1 khoảng nghỉ để nghiệm lại những gì đã trải qua, bài học đúc kết được là gì và tiếp tục hành trình ấy. 
Cũng giống như khi mình đọc xong 1 quyển sách sẽ vừa là khoảng nghỉ để gom lại những điều mình đã tiếp thu, cũng như tiếp tục xem bản thân đang hứng thú, tò mò với chủ đề nào và chọn quyển sách tiếp theo. 
Những năm gần đây mình không còn đọc sách theo số lượng nữa. Năm nay mình mới đọc được 2 cuốn, mà cuốn nào cũng tốn năng lượng, thời gian để thực hành, nghiền ngẫm. Nhưng mình lại thấy rất đáng vì chúng giải quyết được vấn đề, thắc mắc trong cuộc sống của mình.

4. Tái tạo

Sau 1 khoảng thời gian làm và chạy theo những mục tiêu đã đặt trước đây, chắc chắn mục tiêu của mình sắp tới cũng sẽ có thay đổi và những gì mình làm cũng cần được làm mới với những kỳ vọng mới. 
Có thể mình vẫn sẽ làm những thứ mình đang làm, nhưng với 1 tần suất khác, cách làm khác hoặc không làm nữa để tập trung cho những thứ quan trọng hơn.
Bài viết này cũng là 1 kết quả của việc điều chỉnh lại kỳ vọng của việc viết. 
Thật ra 1 bài viết của thử thách “Viết Đều Và Hay” chỉ yêu cầu độ dài hơn 500 từ/bài và mỗi tuần viết 1 bài 😂. Ngoài ra không còn yêu cầu nào khác. Chẳng qua là mình muốn thúc đẩy giới hạn của bản thân ở việc viết thôi. 
Gần đây năng lượng của mình cũng không được ổn định lắm, cũng như trong vài tuần tới mình sẽ cần hoàn thành cho xong 1 vài dự án khác. Tuy nhiên, mình vẫn sẽ cố gắng giữ 1 vài tiêu chuẩn của việc viết blog và bỏ bớt 1 vài kỳ vọng để có nhiều năng lượng hơn cho công việc cá nhân. 
Mình rất biết ơn những độc giả đã đồng hành cùng mình trong thời gian viết blog với tần suất thường xuyên hơn trong năm nay 😊

Cũng giống như việc chạy bộ. Ngày xưa mình vẫn thường muốn thúc đẩy bản thân chạy nhiều hơn, chạy nhanh hơn ở mỗi lần chạy, có mục tiêu (con số) cụ thể.
Nhưng cũng phải có những thời gian cảm thấy “không hạnh phúc” với việc “kỉ luật” như thế, thì mình mới biết điều chỉnh việc chạy tùy theo sức khỏe, năng lượng của mình ngày hôm đó.
Điều cuối cùng mình nhận ra qua quá trình suy nghĩ này (cũng là lời “nhắc nhở thân thiện” cho bản thân): Dù có “nhiều việc” đến mấy, nhưng “đã muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do”.
Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi 😊.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay