Chủ tịch Quốc hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh

Tháng chín 30, 2024

Chủ tịch Quốc hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh

Chủ tịch Quốc hội khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh đúng với tinh thần “không có vùng cấm,” “không có ngoại lệ,” xử lý nghiêm minh nhưng rất nhân văn.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo nội dung kỳ họp và trả lời ý kiến của cử tri. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 30/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8; kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7.

Kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào ngày 30/11/2024. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cử tri bày tỏ vui mừng, đánh giá cao các đổi mới và chất lượng hoạt động của Quốc hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống người dân. Cơ bản đồng tình với nội dung các báo cáo, cử tri cũng nêu nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn…

Đảm bảo công bằng giữa khám dịch vụ và khám bảo hiểm y tế

Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm y tế, cử tri Bùi Danh Dũng (thành phố Ngã Bảy) cho rằng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất phù hợp và đúng đắn khi vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân vì sức khỏe của nhân dân nói chung và vì sức khỏe của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Tuy nhiên, cử tri cho rằng một số quy định chưa phù hợp, thuốc men thiếu, tinh thần thái độ phục vụ một số nơi chưa tốt…

Một số cử tri nêu vấn đề: người dân sử dụng bảo hiểm y tế đi khám bệnh bắt buộc phải đúng tuyến. Các cử tri kiến nghị nên áp dụng thẻ bảo hiểm y tế cho toàn quốc, đi khám bệnh ở bệnh viện nào cũng được, tuyến nào cũng được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc này cũng tạo động lực để các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan đến người dân, địa phương, doanh nghiệp trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Dự án Luật được sửa đổi theo hướng đảm bảo công bằng giữa khám dịch vụ và khám bảo hiểm y tế, đảm bảo người bệnh được đối xử công bằng từ thái độ phục vụ, thuốc men…

Chủ tịch Quốc hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bên cạnh đó, quản lý bệnh viện công lập cũng như bệnh viện tư đảm bảo công bằng, minh bạch; xây dựng bệnh viện sáng-xanh-sạch-đẹp, chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân được khám và điều trị bệnh, tiến tới nếu đã mua bảo hiểm y tế thì có thể đi toàn quốc, đến tỉnh nào, huyện nào đều được khám chữa bệnh, được thanh toán.

Cử tri Trần Thị Thủy (thành phố Vị Thanh) nêu vấn đề hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube xuất hiện tình trạng quảng cáo, lừa đảo với nhiều hình thức ngày càng tinh vi nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý và xử lý nghiêm theo quy định.

Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới… sẽ là nội dung trọng tâm với nhiều nội dung: quy định cụ thể, chặt chẽ hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động quảng cáo trên mạng; ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để có những chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật, lừa đảo trên môi trường mạng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định công tác này được đẩy mạnh, đúng với tinh thần “không có vùng cấm,” “không có ngoại lệ,” xử lý nghiêm minh, công khai nhưng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình, được cử tri và nhân dân tin tưởng, ủng hộ, bạn bè quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế-xã hội đất nước 9 tháng năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô nước ta ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.

Mặc dù hậu quả của bão số 3 ước tính làm ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP, cả nước vẫn nỗ lực duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 vào khoảng 7%.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, không có vùng cấm, giúp tạo niềm tin cho nhân dân, nhà đầu tư… Công tác đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã nỗ lực, nghiên cứu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng linh hoạt hơn để vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; từ đó tạo động lực và đáp ứng cao nhất yêu cầu phát triển của đất nước.

Việc này đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đó là công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn. Tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, bảo đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương giao cho địa phương làm, địa phương quyết định và địa phương chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của pháp luật.

“Phải kịp thời phát hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống của người dân. Việc gì xã làm được là xã làm ngay, huyện làm được là huyện làm ngay, tỉnh làm được là tỉnh làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là quan điểm tư tưởng chỉ đạo rất mới,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Hậu Giang làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trao tài trợ tượng trưng số tiền 5 tỷ đồng cho huyện Vị Thủy để làm đường giao thông nông thôn; trao 200 suất quà tặng các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.