Nghiên cứu bỏ room tín dụng

Tháng mười 3, 2024

Nghiên cứu bỏ room tín dụng

Tín dụng tăng trưởng nhanh, chậm tùy ngân hàng

Cụ thể, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng (NH) thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển KT-XH mới đây, ông Phạm Quang Dũng, Phó thống đốc NH Nhà nước (NHNN), cho biết một trong những giải pháp là nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp nói trên theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Nghiên cứu bỏ room tín dụng- Ảnh 1.

Cần sớm dỡ bỏ hạn mức tín dụng đối với ngân hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Từ năm 2011 đến nay cho thấy sau khi áp dụng cấp hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12 – 14%/năm trong những năm gần đây.

Thông tin này nhận sự quan tâm không chỉ trong hệ thống NH mà cả từ doanh nghiệp (DN) và thị trường bởi đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhất là những năm căng thẳng về room tín dụng. Trước đây, NHNN thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng cho các NH vào đầu năm và trong năm xem xét phân bổ thêm các đợt để đạt kế hoạch tăng trưởng năm của ngành NH. Việc này khiến các nhà băng khó chủ động trong tăng trưởng tín dụng. Thậm chí có lúc dòng tiền bị nghẽn vì đợi phân bổ hạn mức từ NHNN. Năm 2024 là lần đầu tiên NHNN phân bổ hết hạn mức tín dụng cho các NH ngay từ đầu năm. 

Tuy nhiên, tình hình tín dụng năm nay tăng giảm không đồng đều, có NH tăng cao nhưng cũng có nơi tăng khá chậm và âm. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhiều NH ở mức cao so với cuối năm 2023, như LPBank (tăng 15,2%), Techcombank (14,2%), ACB (12,8%), HDBank (12,6%), MSB (10,7%), Nam A Bank (10,7%), MB (10,3%), VPBank (10,2%), VietBank (10,2%), KienlongBank (10%), Vietcombank (7,8%), Eximbank (7,7%), Sacombank (7%), Vietinbank (6,7%)… Thế nhưng cũng có NH bị âm tín dụng như ABBANK. Do đó, đến cuối tháng 8, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành khá ì ạch, chưa đạt được một nửa so với kế hoạch đề ra, chỉ ở mức 6,63% so với cuối năm 2023.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN cho những NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu đã giao thì chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng. Đây cũng là điểm mới trong điều hành cấp tín dụng cho các NH. Trong đợt này có 31 NH và 1 công ty tài chính được tăng hạn mức tín dụng so với chỉ tiêu NHNN giao hồi đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17.9 đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó khối NH thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6% (chiếm 45% thị phần), có mức tăng cao nhất toàn hệ thống. Có thể thấy, việc giao chỉ tiêu tín dụng đã bộc lộ những hạn chế nhất định và đã đến lúc tính toán bỏ room.

Cần sớm công bố lộ trình

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) ủng hộ việc bỏ cấp hạn mức tín dụng trong thời gian tới để các NH có thể chủ động trong kế hoạch kinh doanh. Đây là biện pháp hành chính nên không thể áp dụng trong thời gian quá lâu. Tuy nhiên, thời điểm bỏ hạn mức tín dụng phải đảm bảo NHNN vẫn có thể kiểm soát được lạm phát, đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Để làm được điều này, trước khi dỡ bỏ cấp hạn mức, NHNN đánh giá tính hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt. Các công cụ điều tiết gồm thị trường mở; tỷ lệ dự trữ bắt buộc; cửa sổ chiết khấu (là một công cụ cho vay của các NH trung ương nhằm giúp các NH thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn).

Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Huân, trong thời gian qua, NHNN điều tiết thị trường chủ yếu qua thị trường mở để kiểm soát bơm, hút tiền ra vào thị trường. Còn công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10 năm nay chưa được đề cập. Chính vì vậy, cần phải có đánh giá tính hiệu quả của 3 công cụ và vận dụng linh hoạt trước khi thực hiện bỏ hạn mức tín dụng. NHNN phải sử dụng linh hoạt các công cụ này trong thời gian tới để điều tiết thị trường, kiểm soát lạm phát. Thời điểm bỏ cấp hạn mức tín dụng là lúc các công cụ này được sử dụng và phát huy hiệu quả. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng, NHNN bơm hút tiền ra vào thị trường không tính đến độ trễ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thanh khoản, lãi suất tăng. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng nhanh, lên 50% như những năm trước đây tác động đến lạm phát. Lúc này, một biện pháp hành chính khác được ban hành sẽ gây nên tiền lệ không tốt cho thị trường.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng bỏ room tín dụng là việc sớm muộn gì cũng phải làm. Nguyên tắc là trao quyền tự chủ cho các NH trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nền kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Tỷ lệ tín dụng trên tăng trưởng GDP ở mức cao, cho thấy đòn bẩy tín dụng hiện nay cao. Đó cũng là lý do vì sao nhiều năm qua, NHNN lại kiểm soát hạn mức tín dụng. Việc bỏ ngay như hiện nay thì còn sớm khi việc kiểm soát các hệ số an toàn trong hoạt động NH phải đảm bảo tính chính xác cao. 

NHNN hoàn toàn có thể ngăn chặn tín dụng tăng nóng thông qua các công cụ hữu hiệu như các nước đang làm để kiểm soát tín dụng, chính sách tiền tệ. Đó là các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)…, sử dụng điều tiết qua công cụ dự trữ bắt buộc. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng nhanh, NHNN có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát. 

Ngoài ra, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH thông qua Hệ số an toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. NH muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng. Đó là chưa kể một số chỉ tiêu kỹ thuật khác như quy định NH thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường dân cư, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn. Các quy định về hệ số rủi ro hiện nay cũng buộc các NH phải cân nhắc lĩnh vực cho vay hiệu quả, không rót quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro. “Các hệ số này phải đảm bảo an toàn hệ thống, đến khi bỏ hạn mức tín dụng thì các NH hoạt động an toàn, NHNN có thể kiểm soát và điều tiết được tín dụng qua các công cụ”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.