Giá cà phê ‘rơi’ khỏi mốc 5.000 USD, vì sao?
Giá cà phê ‘rơi’ khỏi mốc 5.000 USD, vì sao?
Giá cà phê robusta trên sàn London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn tháng 11 mất thêm 190 USD xuống còn 4.921 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1.2025 giảm 142 USD xuống 4.720 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 103 USD còn 4.548 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York, kỳ hạn tháng 12 giảm 97,9 USD xuống còn 5.552 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 93,5 USD xuống 5.527 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5.2025 giảm 93,5 USD còn 5.476 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tại Brazil, kỳ hạn tháng 12 tăng 92,4 USD lên 7.250 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 113,3 USD còn 6.737 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5.2025 giảm đến 123,2 USD xuống còn 6.717 USD/tấn.
Không nằm ngoài trào lưu chung, tại Tây nguyên giá cà phê giảm 2.000 đồng/kg, ở Đắk Nông đạt 119.800 đồng/kg, Đắk Lắk 119.300 đồng/kg, Gia Lai 119.000 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 118.500 đồng/kg.
Lý do khiến cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) bắt nguồn từ việc ngày 2.10, Ủy ban châu Âu (EC) công bố quyết định gia hạn áp dụng quy định chống phá rừng thêm 12 tháng nhằm giảm bớt áp lực từ các đối tác toàn cầu và ngành công nghiệp, những người phàn nàn về việc thiếu sự chuẩn bị để tuân thủ luật kịp thời.
Bên cạnh việc hoãn áp dụng quy định, EC cũng đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhằm cung cấp “sự rõ ràng hơn” cho các công ty và cơ quan thực thi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy tắc.
Quy định chống phá rừng được EU thông qua vào năm 2022, sẽ có hiệu lực từ 30.12.2024, yêu cầu các nhà cung cấp phải chứng nhận rằng hàng hóa của họ gồm: đậu nành, thịt bò, cà phê, dầu cọ, cao su, ca cao, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, như da và đồ nội thất – không có nguồn gốc từ những khu vực vừa bị phá rừng để nhường chỗ cho các trang trại và đồn điền.
Brazil, Indonesia và các nước tây Phi được cho là một trong số những nước sản xuất các mặt hàng có liên quan phản ứng mạnh mẽ nhất với quy định này. Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia cũng phản đối chính sách. Mặt khác, EC cũng chậm trễ trong việc chia sẻ hướng dẫn hỗ trợ các công ty thực hiện quy định.