Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp

Tháng mười 6, 2024

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp

(Xây dựng) – Sáng 5/10, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức khai mạc chương trình Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau 2024. Đây là lần thứ 3 tỉnh Cà Mau tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số.

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
Các địa biểu cắt băng khai mạc chương trình hưởng ứng Ngày hội Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, đây là năm thứ 3 tỉnh Cà Mau hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Tỉnh đã phát động “Tháng cao điểm thực hiện chuyển đổi số” từ ngày 10/9-10/10 nhằm lan tỏa các ứng dụng số, giải pháp số từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và lan tỏa tinh thần chuyển đổi số rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng: “Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân, từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện giao dịch, cho đến tạo ra cơ hội việc làm và gắn kết xã hội. Để lan tỏa những ý nghĩa quan trọng này, đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, UBND tỉnh tổ chức chương trình “Cà Mau hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024”, với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau, Mobifone Cà Mau, FPT Telecom Cà Mau, HDBank Cà Mau đã trao tượng trưng các gói hỗ trợ chuyển đổi số cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Văn Trung báo cáo kết quả đạt được sau 3 lần tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số. Về kinh tế số: Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh còn nằm trong nhóm thấp của cả nước (đạ 6,57%, chỉ tiêu là 10%). Doanh nghiệp công nghệ số lớn chỉ có 4 doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; có 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về thương mại điện tử: Có 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử với tổng số sản phẩm bán trên sàn 734 sản phẩm. Về xã hội số: 100% ấp/khóm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Tỷ lệ đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) đạt gần 80% người dân trưởng thành.

Đối với chính quyền số: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền (từ Trung ương đến cấp xã), văn bản điện tử phát hành có ký số, tỷ lệ 97,71%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8 vừa qua.

Trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 82,81%; thanh toán trực tuyến đạt 75,42%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 80,33%; thanh toán trực tuyến đạt 95,14%. “Điểm nhấn của hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, tỉnh Cà Mau tổ chức chuỗi các hoạt động: Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số; các hoạt động giao lưu, trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Văn Trung chia sẻ.

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
Người dân tìm hiểu công nghệ chuyển đổi số.

Khuôn khổ chương trình Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau 2024, tỉnh tổ chức 19 gian hàng tại Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số của các đơn vị: Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau, Mobifone Cà Mau, FPT Cà Mau, Vietcombank Cà Mau, LPBank Cà Mau, Hợp tác xã Taxi An Phú, Công ty TNHH Thương mại vận tải Tuấn Hưng, Công ty TNHH Dầu khí Đại Hải Thủy, Công ty Điện lực Cà Mau, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau.

Các gian hàng nhằm giới thiệu các tiện ích của định danh điện tử, ứng dụng VNeID; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt sinh trắc học. Hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người dân tham gia các sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch số; gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP; các sản phẩm chủ lực của tỉnh… Qua đó, tạo sự tương tác, thu hút người dân, doanh nghiệp, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia.

Cà Mau: Chuyển đổi số đã về tới từng khóm, ấp
Một gian hàng tham gia ngày hội.
Cũng tại ngày hội, các doanh nhân đã tặng nhiều sản phẩm số, dịch vụ số cho người dân. Viễn thông Cà Mau tặng huyện Đầm Dơi 100 máy smartphone 4G để hỗ trợ người dân chuyển đổi số, tổng trị giá 110.000.000 đồng và hỗ trợ 5.500 máy điện thoại 4G cho người dân đang sử dụng máy điện thoại 2G, tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Viettel Cà Mau tặng 230 sim cho 115 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố Cà Mau, tổng trị giá 32.200.000 đồng và tặng UBND huyện Ngọc Hiển 100 máy smartphone 4G để hỗ trợ người dân chuyển đổi số, tổng trị giá 110.000.000 đồng. Đơn vị còn hỗ trợ 2.202 máy 4G miễn phí cho người dân để đổi từ máy 2G, tổng giá trị 858.780.000 đồng…