Làm gì để hướng tới Net Zero vào năm 2050

Tháng mười 8, 2024

Làm gì để hướng tới Net Zero vào năm 2050

(Xây dựng) – Tại buổi tọa đàm “Xanh trong xây dựng” do Báo Giao thông tổ chức chiều 7/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia cho rằng để hiện thực hóa mục tiêu hướng tới Net Zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu và doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhập cuộc hướng đến xây dựng các khu đô thị xanh, lối sống xanh từ vật liệu xanh, giảm phát thải nhà kính.

Làm gì để hướng tới Net Zero vào năm 2050
Các chuyên gia thảo luận về xanh hóa trong công trình xây dựng tại buổi tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức chiều 7/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giảm phát thải để tăng tính cạnh tranh

Theo TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc, Thành viên HĐQT Tổng Công ty xây dựng số 1, trào lưu xây dựng xanh trên thế giới bắt đầu từ 1995 và phát triển dần. Việt Nam bắt đầu khoảng năm 2010 và một số công trình đầu tiên áp dụng tiêu chí xanh có chứng nhận quốc tế xuất hiện vào năm 2014.

Tuy nhiên, những công trình được chứng nhận xanh, chi phí đầu vào cao hơn cách sản xuất truyền thống như xi măng xanh (như xi măng FiCO), gạch không nung, điện nước có thể tái sử dụng… Nhưng nếu đánh giá chi phí vòng đời của công trình thì chi phí lại không cao.

“Chúng ta hay đánh giá trên chi phí đầu vào nên vẫn chọn các vật liệu truyền thống. Điều này sẽ thay đổi khi có áp lực tiêu chí từ quốc tế”, TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc nhận định.

Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc, đối với các ngành sản xuất, nguy cơ Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh nếu các doanh nghiệp không chú trọng giảm phát thải carbon mạnh mẽ.

Mặt khác, TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc cũng cho rằng, việc nghiên cứu khoa học công nghệ, quy chuẩn chưa theo kịp xu hướng xanh. Có nguyên nhân là định mức đơn giá cũng đang vướng, nhất là những công trình công phải bám vào điều này để triển khai. Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân không bị ràng buộc điều này (đơn giá).

Do đó, nhiều người cho rằng “nên bỏ những quy định cũ (như đơn giá)” để lĩnh vực Nhà nước tiếp cận xu hướng mới, nếu không sẽ khó áp dụng xanh vào lĩnh vực giao thông. Mặt khác, các chuyển động về công nghệ vẫn khá mới mẻ, việc luật hóa các tiêu chí để đẩy nhanh quá trình ứng dụng vật liệu xanh vào công trình vẫn khá chậm. Ví dụ như câu chuyện về bê tông nhựa rỗng thoát nước, mặc dù đã du nhập công nghệ vào Việt Nam từ 10 năm trước nhưng đến nay mới có thể ứng dụng vào dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là Vành đai 4.

Một khó khăn khác trong ngành Giao thông vận tải là tình trạng giá cát san lấp thực tế cao hơn đơn giá định mức, giá nhân công cũng vậy… “Nếu không cập nhật, không số hóa quá trình xây dựng định mức, thì khó đi theo kịp thị trường, theo kịp thực tế. Vật liệu xanh không hẳn đắt tiền, nhưng liệu có nằm trong danh sách, có nằm trong định mức hay không, nếu không sẽ không làm được. Chính vì vậy, lĩnh vực tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài họ mạnh dạn hơn, đưa ra được nhận thức về xanh, tác động môi trường; có thể cạnh tranh với nhau… Còn lĩnh vực đầu tư công lại khác. Nếu giải phóng được điều này may ra mới khởi sắc”, TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc nêu quan điểm.

Nói về chi phí, ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Tư vấn kỹ thuật và Phát triển kinh doanh Fico-YTL cho rằng: “Thực sự không hẳn là chi phí, giá cả xi măng xanh hoàn toàn cạnh tranh được, có thể có giá thấp hơn một số loại khác, có thể tiết giảm chi phí đầu tư khác. Tuy nhiên, do chưa có sự quan tâm đúng mức từ chủ đầu tư”.

Tái chế để giảm phát thải môi trường

Ông Phạm Thanh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông Đường thuỷ cho rằng, đa số công trình kiến trúc, giao thông hiện nay đều sử dụng vật liệu ít tác động đến môi trường. “Đây có thể nói là xu hướng xanh trong xây dựng đang được chú trọng hiện nay”, ông Phạm Thanh Tú nhận định.

Ông Phạm Thanh Tú dẫn chứng: “Các dự án như cầu Mỹ Thuận 2 vừa làm xong, cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi 2 đang thi công và hiện là dự án cầu Nhơn Trạch… đều được kiểm soát gắt gao nguyên liệu đầu vào và công nghệ để hạn chế tối đa tác động đến môi trường trong quá trình thi công”.

Làm gì để hướng tới Net Zero vào năm 2050
Cầu Nhơn Trạch qua sông Đồng Nai đạt trên 80% kế hoạch. Hàng trăm công nhân, kỹ sư ngày đêm thi công không nghỉ, phấn đấu hợp long vào tháng 1/2025 và thông xe vào ngày 30/4/2025.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hà cho biết: “Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về COP26, vào năm 2026 ngành Xi măng – Sắt thép sẽ được đưa vào danh sách bị áp trần phát thải CO2. Đây là thử thách, áp lực của chúng tôi. Tuy nhiên, trong thời gian 5 năm vừa qua, chúng tôi đã có nhiều đầu tư, nghiên cứu để đưa ra dòng xi măng xanh, giảm phát thải với nhiều dòng xi măng giảm phát thải từ 30 – 60% so với trước đó. Thời gian tới, áp lực giảm CO2 là thử thách lớn vì đặc trưng của xi măng là dùng đá vôi và nung nên sẽ gây ra phát thải.

Chúng tôi cũng cần có đầu tư, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị để có công nghệ mới nhằm giảm phát thải hơn; cố gắng tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu (than đá, dầu hóa thạch lên đến 30%); nghiên cứu công nghệ thu hồi CO2, thu hồi nhiệt thừa để phát điện, nguồn điện có thể sử dụng thắp sáng… đây là định hướng đến 2030 của Fico”.

Nói về sự thay đổi nhận thức của chủ đầu tư trong việc áp dụng công thức xanh vào dự án xây dựng, TS. Nguyễn Hữu Duy Quốc cho rằng: “Nếu nêu tên cụ thể những công trình thi công xanh thì rất nhiều, nhưng hiện nay công trình khách sạn, nhà ở đang hướng đến việc này. Nhiều nơi cũng “khoe” đã có công trình xanh, là niềm tự hào của họ. Lúc đầu, điều này chỉ đánh dấu trách nhiệm của họ với môi trường, xã hội nhưng khoảng 2 năm nữa sẽ trực tiếp mang lại lợi ích”.