Dịch chuyển lao động, lượng lớn lao động từ Đồng Nai trở về các khu công nghiệp ở quê nhà
Dịch chuyển lao động, lượng lớn lao động từ Đồng Nai trở về các khu công nghiệp ở quê nhà
(Xây dựng) – Từ sau thời điểm dịch Covid-19 đến nay đã xảy sự dịch chuyển thị trường lao động mạnh, một lượng lớn lao động với khoảng 50.000 – 60.000 người đã rời Đồng Nai để trở về làm việc tại các khu công nghiệp ở miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên…
Công nhân lao động tại một doanh nghiệp giày da ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh minh họa: HAC) |
Về quê làm ở các khu công nghiệp gần nhà
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm đến 60%. Thế nhưng, từ sau dịch Covid-19 nay, ước tính hơn một nửa trong tổng số lao động đã dịch chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai, một phần nguyên nhân sự dịch chuyển này là do ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… đã hình thành các KCN, nên công nhân từ các tỉnh này đã trở về quê sinh sống làm việc cho gần nhà.
Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, đang tiếp tục nắm bắt tình hình, tổng hợp số liệu, đề nghị các Công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi người lao động, tăng chế độ đãi ngộ. Bên cạnh đó, tăng cường giới thiệu việc làm cho những lao động bị cắt giảm, mất việc làm, giúp họ sớm trở lại thị trường lao động.
Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai hiện đang rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. (Ảnh: Phong Lan) |
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Biên Hòa, tại thành phố Biên Hòa hiện có trên 200.000 lao động làm việc tại 6 KCN và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian gần đây, thị trường lao động dịch chuyển mạnh, trong khi thực tế đơn hàng của các công ty, xí nghiệp cũng không nhiều. Còn theo ông Nguyễn Quốc Ấn – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, chỉ tính riêng lao động ở trong các KCN của tỉnh này đã giảm đến khoảng 16.000 lao động.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Sở đã giải quyết gần 40.000 lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bình quân mỗi tháng khoảng 10.000 lao động, là con số rất lớn. Hiện tại, tổng hợp danh sách cho thấy có gần 1.500 doanh nghiệp đang đăng ký tuyển dụng lao động, nhu cầu từ nay đến cuối năm từ 15.000 – 18.000 lao động. Tuy nhiên, dự báo chỉ có thể cung ứng được khoảng 30%, lao động chuyển đổi từ Công ty này qua Công ty khác, còn lao động từ các vùng khác đến là rất ít.
“Tỉnh liên kết với các vùng Tây Nam Bộ để tìm lao động nhưng họ giới thiệu không đạt số lượng đăng ký”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết.
Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp ít đơn hàng
Một nguyên nhân khác khiến dịch chuyển lao động là do trong thời điểm kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp ít đơn hàng, do vậy các lao động ngoại tỉnh trở về quê làm việc để tiện lợi, là hợp lý. Theo ghi nhận, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ. Hiện có rất nhiều khu phòng trọ bỏ trống.
Nhiều chủ nhà trọ cho biết, do thiếu việc làm, công nhân trả phòng rất nhiều. Một chủ nhà trọ cho biết, gia đình ông có hơn 200 phòng trọ, nay chỉ có khoảng 140 phòng đang có lao động thuê ở, còn lại bỏ trống.
Một thực tế khác, tại các địa bàn như: Thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu… là những nơi đông công nhân nhưng các phòng trọ dành cho công nhân ít được đầu tư, khá xập xệ, không đảm bảo chất lượng cuộc sống. Nên khi có cơ hội làm việc ở quê gần nhà, họ thường có xu hướng muốn trở về để không còn phải sống trong những căn phòng trọ ẩm thấp, xập xệ.
Lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa cho biết, lượng lao động nhập cư trên địa bàn là rất lớn, nhu cầu nhà trọ rất cao. Thời gian vừa qua, nhằm giữ chân lao động ngoại tỉnh, thành phố rất quan tâm vấn đề nâng cấp tiêu chuẩn nhà trọ nhằm đảm bảo người lao động đủ điều kiện sinh sống nhưng cũng chưa hoàn toàn đáp ứng.
Thậm chí, do kinh tế suy thoái, các phòng trọ trống nhiều, nhiều chủ nhà trọ còn nâng tiền thuê phòng lên để bù lỗ, khiến công nhân khó khăn càng thêm khó nên họ phải rời bỏ để về quê làm việc. Về vấn đề này, thành phố Biên Hòa tiến hành làm việc với các chủ khu nhà trọ để trong thời điểm khó khăn không tăng giá, đảm bảo ổn định cho người lao động. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh phương hướng thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đáp ứng nhu cầu cho công nhân lao động.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đã xảy ra “mâu thuẫn” trong thị trường lao động. Trong khi do kinh tế suy thoái dẫn đến doanh nghiệp ít đơn hàng và công nhân phải rời bỏ về quê sinh sống, thì một số doanh nghiệp lại vì công nhân rời bỏ về quê làm việc gần nhà mà bị thiếu hụt nhân lực lao động.