Đường sạt lở khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập
Đường sạt lở khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập
SẠT LỞ CUỐN BAY CẢ 100 M ĐƯỜNG
Thôn Cát và thôn Trỉa là 2 thôn xa xôi, đặc biệt khó khăn ở xã Hướng Sơn, chỉ kết nối với bên ngoài thông qua tuyến đường độc đạo dài khoảng 23 km. Nhờ con đường nhỏ này (rộng chỉ 3 – 4 m), giao thông của đồng bào ở đây được thuận tiện phần nào. Tuy nhiên, năm 2020, các trận mưa lũ lớn khiến con đường bị đứt gãy, xuống cấp. Nhiều đoạn trơ đá sỏi, bùn đất, có đoạn bị sạt lở cuốn bay cả 100 m đường…
Giao thông cách trở nên đời sống đồng bào nơi đây vô cùng gian nan. Ông Hồ Văn Phôn, ngụ thôn Cát, ngao ngán: “Đường sập hết rồi, không đi được nữa, nhất là đã có 2 vụ sản phụ phải đẻ dọc đường rồi. Còn người không khỏe mà đi viện, không đến bệnh viện kịp thì có 2 người chết rồi”.
Đối với học sinh ở 2 thôn Cát, Trỉa, phải mất nhiều tiếng đồng hồ leo núi, băng rừng mới tới trường tại trung tâm xã. Các giáo viên quá thấu hiểu sự khó khăn, trở ngại trên con đường này. Cô Hồ Thị Vui (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – THCS Hướng Sơn) đã đi dạy ở đây gần 6 năm và trải qua ít nhất 4 năm vất vả bởi chuyện đi lại. “Trước đây, đường còn đi được, nay thì sạt hết rồi. Giờ đi lại nếu không cẩn thận sẽ té trầy hết cả chân tay… Chỗ bị sạt lở bay cả 100 m đường ấy như là thử thách quá lớn với học trò trên đường tìm cái chữ”, cô Vui nói.
HỄ MƯA LŨ LÀ CÔ LẬP
Mùa khô, dù khó khăn nhưng người dân vẫn có thể di chuyển bằng xe máy hay cuốc bộ men bờ suối cạn nước; nhưng đến mùa mưa lũ, hàng trăm người dân ở 2 thôn này bị cô lập hoàn toàn… Cô giáo Vui cho hay thậm chí các cô không thể ra ngoài và ở yên trong thôn cả tháng vì mưa quá to.
Ông Trần Văn Long (ngụ thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị) khai hoang rẫy ở thôn Cát được 2 năm, vất vả không ngại mà chỉ lo chuyện đi lại. “Mùa mưa thì chỉ có 2 lựa chọn. Một là ở ngoài nhìn vào, kệ cây cối ra sao thì ra; hai là vào rẫy thì ở trong đó luôn, khỏi ra ngoài”, ông Long nói.
Người vào ra đã khó khăn, hàng hóa giao thương với thôn Cát, Trỉa càng khó khăn gấp bội. Vào mùa mưa, người dân địa phương buộc phải tự cung tự cấp, lay lắt với tất cả những gì họ có để qua ngày.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2023, UBND H.Hướng Hóa đã bố trí nguồn kinh phí 12 tỉ đồng để đầu tư xây dựng tuyến đường này. Tuy nhiên, do con đường đi qua khu vực rừng tự nhiên đặc dụng gần 1 km, không chuyển đổi được mục đích sử dụng rừng nên dự án hiện vẫn nằm trên giấy. Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, nói: “Huyện đã tổng hợp danh mục đầu tư từ thôn Mới đến các thôn Cát, Trỉa, kiến nghị với tỉnh đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để đảm bảo cho người dân lưu thông hàng hóa, kết hợp đường tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn huyện”. Với thực tế này, có thể người dân thôn Cát, Trỉa còn phải bị cô lập trong mùa mưa lũ ít nhất 2 – 3 năm nữa.