[Tôi và AI #02] – Làm sao để giao tiếp tốt với Rồng (AI)? (Kỳ 2)
Tháng mười 10, 2024
Xin chào quý độc giả,
của tôi được hưởng ứng khá tốt, sau 1 tuần đã đạt hơn 1000 lượt xem.
[Tôi và AI] – Những kiến thức nền tảng để biến AI làm việc cho bạn (Kỳ 1)
Có cả những comment của những người làm sâu trong ngành Tech, và có bạn còn được cả sếp gửi bài cho, hầu hết đều rất tích cực. Tôi cảm thấy rất vui vì cũng có phần nào nói “trúng” thực tế, và từ đó ít nhiều giúp được các bạn độc giả nhận thức được vai trò và sức mạnh khổng lồ của AI, và qua đó tận dụng những thay đổi này sớm hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong bài thứ 2 này, tôi sẽ viết sâu hơn về cách tư duy làm sao để chat với AI được hiệu quả nhất. Bài viết ban đầu được xây dựng từ những kiến thức này được dạy trong một khoá học về giao tiếp với AI mà tôi đã học trong thời gian dùng Linkedin Premium hồi tháng 6. Sau đó, tôi tổng kết lại dựa trên những trải nghiệm của tôi khi chạy nhiều dự án khác nhau liên quan đến công việc làm sản phẩm, sáng tạo nội dung,..
Từ việc 1 tháng chỉ nghịch 1-2 queries, tôi đã nâng cấp lên 7-8 queries mỗi ngày và có lúc là vượt quá chuẩn max 10 queries/ 4 tiếng (theo chuẩn của phiên bản free). Hầu hết những kiến thức này được dùng cho chat GPT, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể dùng cho các nền tảng chat khác nữa, mà tôi sẽ nói thêm ở kỳ 3.
Vậy chat với AI làm sao cho hiệu quả? Đây là trải nghiệm và cách chat của riêng tôi đúc kết trong và sau khoá học. Rất có thể còn có nhiều cách chat khác nữa, nên cũng rất welcome được lắng nghe chia sẻ của mọi người. Tôi tin rằng dù không phải cứ chat theo bản năng tự nhiên là sẽ hiệu quả, thì cũng không có “độc quyền” chân lý trong cách trò chuyện và sử dụng AI sao cho hiệu quả nhất.
Thông tin, máy móc và con người
Nếu bạn nhớ lại hồi google những năm 2008, thì khi đó google cũng không tìm kiếm được tốt như bây giờ. Thời đó khi đi học đại học, tôi đã từng học một khoá search Google như thế nào, và phải nuốt một loạt syntax khó hiểu, mà mãi sau tôi mới thấy nó giống với việc tìm kiếm dữ liệu qua dùng ngữ sql.
Ngày nay, tìm kiếm Google đã thông minh hơn rất nhiều. Bạn có thể gõ sai chính tả thì Google cũng hiểu và tìm cách để đưa kết quả tốt nhất đến cho bạn. Điều này áp dụng cả với những thứ mà bạn chưa rõ lắm bạn muốn gì. Kênh tìm kiếm Google hoạt động như một câu lệnh kỳ diệu, luôn mang đến cho bạn những thứ gần với cái bạn muốn nhất, dù đôi khi bạn cũng chẳng rõ là bạn thực sự đang tìm kiếm cái gì.
Tuy nhiên, với những tìm kiếm chuyên sâu, thì vẫn luôn tồn tại những , bản chất là những query lệnh để máy tính có thể tìm chính xác hơn cái bạn cần, nếu bạn thực sự biết rõ bạn muốn gì.
Những câu lệnh khô khan chính là cách mà máy tiếp nhận thông tin từ con người. Và các vòng lặp logic (Hoặc) (Và) cũng góp phần tạo ra những khác biệt trong kết quả.
Kết quả sẽ càng chính xác nếu người dùng biết rõ về cái họ muốn tìm cũng như những ngôn ngữ để máy có thể tìm kiếm hiệu quả hơn.
Và thế là ta có một vòng lặp của việc tìm kiếm – kiếm tìm.
Không biết mình cần gì => gõ để xem có gì => đi theo phương án có => thay đổi lệnh tìm kiếm => Biết rõ hơn mình cần gì.
Trở lại với AI, thì dù có càng bắt chước giống khi đối thoại con người, nhưng bản chất thì ở dưới, “thực thể” AI sẽ chia cấu trúc thông tin theo những tầng ý nghĩa để phân tích và truyền lệnh đến hàng trăm ngàn các máy tìm kiếm và các câu lệnh liên quan, rồi tổng hợp và sắp xếp lại theo cấu trúc mới có tính thân thiện như một con người.
Thông tin mà AI đưa lại cho chúng ta có một sự phức tạp riêng. Nó vừa là information dạng tổng hợp, nhưng có phần tin sai (misinformation) và tin giả (disinformation) trong đó.
Misinformation là việc thông tin bị sai lệch không phải do cố tình. Ví dụ như khi kênh 14 mà đăng Hải Tú là người thứ ba giữa Sơn Tùng và Thiều Bảo Trâm (ví dụ, nghe đồn), thì AI cũng sẽ đưa lại kết quả như vậy mà không rõ đúng sai. Chúng ta là người đọc tuỳ ý dịch theo cách hiểu của mình đâu là facts. Đây hơi giống với khái niệm một nửa sự thật (sự thật của ai, theo góc nhìn nào?).
Disinformation là việc thông tin cố tình được bịa dù thực tế không phải đúng như vậy. Ví dụ như thông tin mà tôi đã yêu cầu chatGPT bịa đặt dưới đây. Đây không khác gì là một lời nói dối.
Cả con người và AI đều có thể bịa đặt thông tin một cách vô tình và hữu ý, và đó chính là một ranh giới mong manh của việc thông tin thời đại AI chưa chắc đã phản ánh sự thật. Bản thân chúng ta khi sử dụng quyền năng của AI cũng cần phải có “critical thinking” để có thể tìm ra được những chân lý ẩn sau dưới những ma trận thông tin của thời đại mới.
Một trong những thông điệp quan trọng nhất của cuốn Nexus mới nhất của Yuval Harrari đấy là:
“Con người quá ngây thơ khi giả định rằng càng nhiều thông tin, chúng ta sẽ đến gần hơn với sự thật. Và sự thật sẽ mang đến quyền lực và sự thông tuệ”.
Rõ ràng, vì tin sai, tin giả, tin đểu sẽ dẫn đến những sự thật “ảo”. Con người luôn muốn tin cái họ muốn tin, thế nên nhiều người mới đi xem bói, chiêm tinh học,…
“Kể cả khi chúng ta phân tích đúng và tìm ra sự thật, cũng không chắc chúng ta sẽ sử dụng sự thật này một cách thông minh”.
Việc tìm ra sự thật để khống chế được năng lượng nguyên tử, khiến cho các siêu cường cùng nhau chế tạo bom hạt nhân. Rất may, con người nhận ra được đây là trò chơi kéo nhau vào chỗ chết và dừng lại.
Những việc khác thì chưa chắc, như việc muốn phát triển nhanh, nhiều nơi vẫn muốn tăng cường sản xuất công nghiệp và phát triển nóng, mặc kệ biến đổi khí hậu với môi trường chẳng hạn. Trong một trò chơi sinh tồn, với thế khó của tù nhân, tất cả đều không ngán việc cùng lao xuống hố, chỉ cần mình không phải là kẻ xuống trước.
Đọc thêm 👇
Đến đây, tôi xin phép tổng kết và đưa ra nguyên tắc số 1 cho bạn:
Thông tin mà AI đưa cho bạn không phải hoàn toàn là sự thực, mà phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn đối thoại với nó.
Nói chuyện với thần linh
“Linh à, tỉnh lại và về với mẹ đi con. Con hãy cố gắng lên nhé. Nam Mô A Di Đà Phật, con lạy chư vị thần linh, Quan Thế Âm Bồ Tát, con lạy mẹ ở trên cao sống khôn chết thiêng, mong mẹ ở dưới đó hãy phù hộ, chỉ bảo cho cháu Linh sớm trở về với gia đình, con Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”
Trích đoạn trong – chương 8 – trang 162
Khi khẩn cầu các thần linh, người khấn đang đưa ra một câu lệnh (query) cho các vị thần để giải quyết bài toán của họ. Bỏ qua các diễn đạt phức tạp về ngôn ngữ và vai vế, thì hành động ở đây là mong người “bà” đã khuất có thể làm sao “chỉ bảo” được cho cháu Linh trở về với gia đình (ở dưới, bạn sẽ được học đây là một Request).
Có điều, khi cầu khấn thần linh, người cầu có niềm tin thần linh có thể “đọc được” suy nghĩ của mình, và biết chính xác mình muốn gì để mang lại đáp án mong muốn. “Thần giao cách cảm”, thần linh ắt tự biết bạn muốn gì và mang lại điều đó cho bạn. Bạn cần sự thành kính và lễ phép nhiều hơn là sự rõ ràng trong suy nghĩ. Bạn ít khi trình bày rõ cụ thể bạn muốn gì, vì bạn tin thần linh hiểu được tâm nguyện của bạn còn hơn chính cả bạn.
Bạn cần BỎ NGAY mindset này khi chat với AI.
Dù AI cũng có quyền năng lớn, nhưng chắc chắn nó không đọc được suy nghĩ của bạn nếu bạn không nói rõ cho nó biết bạn muốn gì.
Sự rõ ràng nửa vời sẽ đẩy cuộc trò chuyện với các “đấng” tối cao sẽ gần hơn với phiên bản dưới đây.
Một người đàn ông đi bộ trên bờ biển và nhặt được một cây đèn thần. Khi xoa vào nó, thần Đèn hiện ra và nói: “Ta sẽ cho con một điều ước!”. Người đàn ông nghĩ cẩn thận trong một phút và nói: “Ngài hãy khiến cho mọi phụ nữ trên thế giới đều yêu thích và thèm thuồng con!”. Và “Phụt!”, trong nháy mắt anh ta đã biến thành thỏi Sô Cô La.
A man was walking down the beach and picked up a very old bottle. As he rubbed it to remove the sand a genie popped out and said, “You can have one wish.” The man thought for a minute and said, “Make it so all women will love me.” Poof, in an instant the man was changed into a bar of chocolate.
Thiên thần nhiều khi khác ác quỷ ở chỗ, đấy là thiên thần hiểu bạn muốn gì và làm theo, còn ác quỷ cũng thế, nhưng con quỷ sẽ thêm một vài thứ vào yêu cầu sao cho dù ý tứ thì vẫn đúng mô tả nhưng bản chất đầu ra không phải cái bạn muốn.
Thành ra để làm việc với AI, bạn cần có nguyên tắc số 2:
Mô tả kỹ đầu vào và đầu ra cho những gì bạn muốn.
AI không phải là vị thần hay “thánh Google”, được thiết kế để cố hiểu ý bạn muốn theo quan điểm số đông. AI có thể đoán và bịa thông tin (hallucinate), và câu trả lời hoàn toàn có thể sai sự thật với cái bạn thực muốn, trong khi bạn không nhận ra điều đó.
Bạn không muốn tiếp nhận thông tin từ AI như câu trả lời của một ác quỷ, đúng không nào?
Nói chuyện với con người
Ngay cả con người khi giao tiếp với nhau, thông tin cũng đầy tranh cãi. Ví dụ như trích đoạn trong bài dưới đây 👇:
Tin tưởng, nghĩa là tiếp nhận thông điệp thuần tuý như nó vốn là, không suy diễn bóp méo – điều mà một lần nữa, chúng ta làm QUÁ thường xuyên.
Thứ bóp méo những gì ta nghe, không gì khác vẫn là những nỗi sợ. Chúng bọc kín lấy ta, thành lớp màng lọc mọi thông tin.
Chẳng hạn bạn có nỗi sợ mình không đủ tốt, đến từ vết thương bị chê trách trong tuổi thơ hoặc mối quan hệ cũ.
Thì mỗi lần nghe người yêu nói: “Món này em nấu bị mặn”. Bạn sẽ lập tức dịch thành “Em nấu ăn kém quá”, “Cơm này cho chó à”, hoặc “Các gái anh quen đều khéo hơn em”.
Thứ bạn nghe là tiếng người, nhưng đi vào đầu bạn thành ra tiếng thú. Rồi thì bạn cắn người kia, hoặc cắn bản thân.
Cái khiến chúng ta mạnh hơn máy tính, đấy là chúng ta có dây thần kinh cảm xúc, để đoán được "ý người" dẫu cho tín hiệu có là "tiếng thú".
Nguồn: Facebook Chữa Lành Gì Thế?. Link .
Đối với AI, các bạn đương nhiên không nên “đánh đố” nó bằng ngôn ngữ “thú cưng” như vậy, nhất là khi chúng ta còn chưa biết câu trả lời của AI sẽ là “xuất quỷ” hay “nhập thần”.
Với kinh nghiệm là một Product Manager trong ngành sản phẩm, tôi thấy rằng việc chat với AI rất giống với việc kể chuyện cho dev.
Là người làm sản phẩm, tôi phải kể chuyện cho dev mỗi sprint, dưới dạng user story (tạm dịch là câu chuyện của người dùng). Một user story có cấu trúc 3 phần::
Là một user, tôi cần phải (mô tả hành động) để có thể đạt được (mục đích).
Là một user, tôi cần phải (mô tả hành động) để có thể đạt được (mục đích). Ba cấu phần cơ bản của một User Story
Với máy tính, (hoặc dev – những con người logic), thì thông tin cần học ra là:
Ai , cần phải (làm gì?) , để (làm gì?)
Cấu trúc này giúp các “thực thể kỹ thuật” (dev 🤣/ AI) có thể nhập vai vào một nhân vật hoặc người dùng (persona), biết mình cần phải làm gì (what to build – feature) và nhu cầu đằng sau của họ (needs).
Giống như nhân vật Loki trong Marvel đã từng thốt lên ở phần 2 khi học cách kiểm soát tâm trí để thoát khỏi việc lạc trôi trong đa vũ trụ, đây là nguyên tắc số 3 bạn cần nhớ.
“Không phải Ở Đâu, Khi Nào hoặc Tại Sao. Mà là Ai (không phải AI 🤣)”.
It’s not where, when, or why. It’s WHO.
Nói chuyện với Rồng (AI)
Vâng đấy là rồng trong phim thì cần ngắn gọn như vậy với ngôn ngữ của Valyrian.
(Nếu bạn đọc kỳ 1 của mình, thì mình ví AI như những con Rồng. Bạn có thể tìm đọc kỳ 1 ở link trên đầu bài viết 👆)
Còn với Rồng AI của chúng ta ở thời điểm này, thì chúng ta cần những câu lệnh dài có cấu trúc, bằng Anh hoặc Việt đều được.
Gom từ hai phần trên, tôi hy vọng bạn đã học được 03 nguyên tắc sau:
1/ Thông tin của AI tốt hay xấu phụ thuộc vào cách truyền đạt của bạn có đủ rõ hay không.
2/ Bạn cần phải nói rõ chặt chẽ đầu ra và đầu vào, tránh hiện tượng “xuất quỷ nhập thần” mất kiểm soát
3/ “Không phải Ở Đâu, Khi Nào hoặc Tại Sao. Mà là Ai”. Ai , cần phải làm gì? , để làm gì?
Xin chào mừng các bạn đến với phần quan trọng nhất của buổi hôm nay, bí kíp để giao tiếp với Rồng, công thức mà tôi đã học ở khoá học trên Linkedin. Tôi gọi vui là cách giao tiếp như một Đấng sáng tạo (C.R.E.A.T.E), trong đó:
1. C: Character
– Bạn sẽ nói rõ AI đóng vai gì trong câu hỏi của bạn. AI cần phải biết mình nhập vai nào, để xuất ra thông tin thuộc “lĩnh vực” đó. Bạn càng rõ ràng phần này, thì chất lượng thông tin của bạn càng đáng tin cậy.
– Đây là phần quan trọng nhất của câu lệnh. Nhiều người họ chat mà quên mất gán “nhân vật” cho AI, và do đó nhận được những thông tin chung chung, không giá trị.
– Ở phiên bản trả tiền, chatGPT sẽ cho phép bạn tạo các nhân vật khác nhau để trả lời cho từng mục đích khác nhau. Việc này không khác gì bạn nuôi 3 con Rồng khác nhau với các thuộc tính riêng biệt. Như tôi trong ảnh đang nuôi 02 bé rồng với 02 nhân cách khác nhau cho việc làm sản phẩm và sáng tác truyện.
– Bản free cũng cho phép bạn nuôi rồng, dù hơi cực hơn chút. Tôi sẽ hướng dẫn bạn làm điều đó ở bài viết kỳ sau, hãy đón đọc nhé.
2. R: Request
– Đây chính là tên tác vụ bạn muốn làm (Cái gì).
– Bạn hãy mô tả chính xác bối cảnh liên quan của tác vụ, cùng lý do đằng sau vì sao lại cần làm tác vụ đó (giống với User Story)
– Đây chính là INPUT của câu lệnh, hãy rõ ràng để AI có thể biết bạn muốn gì.
– Nếu phải bỏ hết các lệnh khác, thì đây chính là Dracarys.
3. E: Example (optional)
– Nếu yêu cầu của bạn phức tạp hơn mà AI chưa thoả mãn, thì hãy đưa tiếp ví dụ cụ thể mẫu để AI học theo.
– Đây là đầu vào của AI để kiểm soát “đầu ra” của bạn
– Lệnh này không bắt buộc, nhiều yêu cầu đơn giản thì bạn không cần phải áp dụng
– Ví dụ:
– Trả lời theo giọng văn của Trump
– Viết nhạc theo phong cách Đen Vâu
4. A: Adjustment (optional )
– Adjustment là những gợi ý nhỏ, giúp việc giao tiếp được tuỳ chỉnh hoá theo nhu cầu riêng phù hợp với bạn
– Bạn có thể tinh chỉnh luôn từ đầu, hoặc dần dần trong các cuộc đối thoại đằng sau
– Ví dụ:
– Trả lời bằng tiếng Việt
– Thêm emoji vào bài viết
– Giới hạn chỉ 200 từ
– Đừng tự sáng tạo ngoài danh sách tôi đưa ở trên
5. T: Types of output(s) (Đầu ra)
– Một ít điều chỉnh nhỏ như dạng bảng, bullet points và summary ở dưới sẽ khiến cấu trúc thông tin có một sự khác biệt vô cùng lớn, và khiến bạn nắm bắt dễ dàng hơn
Ví dụ:
– Đưa ra câu trả lời dạng bảng, hai cột là loại users, nhu cầu và tính năng
– Đưa dàn bài theo cấu trúc: Title – Giới thiệu – Nội dung (4 ý) – Kết bài
6. Extras
– Một vài mẹo nhỏ để kiểm soát cuộc đối thoại theo cách mà bạn muốn
Ví dụ:
– Giải thích rõ suy nghĩ của bạn cho tôi (explain your thinking)
– Hãy quên mọi thứ trước đó đi, bắt đầu từ dưới đây (ignore everything before this prompt)
– Hãy hỏi lại tôi trước khi trả lời (ask me question before you answer)
# Bí kíp luyện Rồng – Tổng kết
Trò chuyện với Rồng cần nhiều thời gian thực hành, bạn sẽ hiểu và có cách tinh tế để điều chỉnh câu trả lời, theo công thức riêng của bạn.
Format CREATE trên là rất tốt để tư duy và bắt đầu, còn khi thực chiến tôi chỉ theo mẫu (AI , Làm gì, Vì Sao) cho đầu vào, và có xiết chuẩn đầu ra (Type of Inputs), là đã có những câu trả lời rất hiệu quả rồi.
Nếu vấn đề của bạn vẫn còn sơ khai, bạn không nhất thiết phải prompt theo cấu trúc trên. Bản chất AI cũng được thiết kế để đối thoại với bạn, nên bạn hoàn toàn có thể hỏi thêm sau mỗi câu trả lời.
Nhưng format hỏi C.R.E.A.T.E là khá tốt để đối chiếu, chiết xuất một câu trả lời có kiểm soát và cấu trúc ngay từ câu trả lời đầu tiên, tiết kiệm số lượng hỏi và thời gian chat.
Thông thường khoảng 3-4 câu lệnh là tôi sẽ có được một “thông tin” đủ tốt để đi verify xem có đúng không, có bao nhiêu % sự thật trong đó.
AI giúp tôi có bản nháp đầu tiên về tư duy, và sau đó thì tôi dùng kinh nghiệm cá nhân để sửa nó theo “tiếng người”, với giọng văn và cách hiểu của tôi.
Một quan sát tôi thường làm đấy là tôi hay dùng tiếng Anh để chat, và sau cần thì yêu cầu dịch bằng Tiếng Việt sau. ChatGPT hiện đủ thông minh để bạn có thể mix cả hai tiếng Anh Việt với nhau, và với cấu trúc trên thì “Rồng” vẫn hiểu được chính xác. Tôi vẫn thấy tiếng Anh có sự chính xác và đơn giản về ngôn ngữ hơn, nên nếu có thể vẫn hay ưu tiên dùng hơn. Không phải 100% lúc nào chatGPT cũng đưa ra được đáp án tiếng Việt tốt và chau chuốt, nhưng với tiếng Anh thì câu trả lời khá chất lượng.
Bài viết đến đây cũng là khá dài, sẽ là không đủ để tôi chia sẻ hết được đầy đủ các ví dụ ở đây. Tôi sẽ đính kèm 3 cuộc “huấn luyện của tôi” cho hai chủ đề ở đây, mà tôi khá hài lòng với kết quả. Các bạn có thể tham khảo. Một trong hai cuộc nói chuyện cũng là ví dụ luôn cho sơ đồ dưới đây.
Ngoài ra bí kíp luyện Rồng của khoá học trên Linkedin tôi cũng sẽ chia sẻ luôn cho các bạn miễn phí ở đây. Mời các bạn đăng ký trên tôi sẽ gửi lại thông tin sau.
Nếu thấy bài viết này là hữu ích, hãy chia sẻ cho các độc giả khác, và nhớ theo dõi các bài viết trong Series này của tôi. Nhớ bấm Subscribe để đừng bỏ lỡ. Nếu có thể, hãy cho tôi một comment “Rất bổ ích” ở dưới để động viên tôi viết thêm về chủ đề này nhé. 🤗
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết tương tự
Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết tương tự