Bài 4: Công tác cấp phép xây dựng, tô đậm dấu ấn đô thị thông minh, hiện đại

Tháng mười 10, 2024

Bài 4: Công tác cấp phép xây dựng, tô đậm dấu ấn đô thị thông minh, hiện đại

(Xây dựng) – Từ khi đất nước tiến hành đổi mới từ năm 1986, Hà Nội với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước đã biến mình thành một thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, tăng trưởng mạnh mẽ cả về phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng đô thị. Bên cạnh đó, các thay đổi tích cực từ chính sách đổi mới nói chung và yếu tố đầu tư nước ngoài nói riêng đã góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa và xây dựng thành phố với nhiều công trình có quy mô, tầm vóc lớn hơn.

Bài 4: Công tác cấp phép xây dựng, tô đậm dấu ấn đô thị thông minh, hiện đại
Sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội đòi hỏi công tác quản lý phát triển đô thị, công tác quy hoạch kiến trúc càng phải được quan tâm, chú trọng.

Sự ra đời của Phòng Quản lý cấp phép xây dựng

Ngày nay Thủ đô Hà Nội từng bước phát triển kinh tế, có vị trí quan trọng, là nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong, ngoài thành phố và nằm trong vùng ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Bắc. Các công trình đô thị ngày càng nhiều, nhà cửa, đường sá khang trang hơn, các khu phố được quy hoạch lại, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội đòi hỏi công tác quản lý phát triển đô thị, công tác quy hoạch kiến trúc được quan tâm, chú trọng để triển khai đầu tư xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển và văn minh.

Ngày 19/9/1992, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2064/QĐ-UB về việc thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng tại Thành phố Hà Nội, theo đó từ ngày 01/10/1992, đơn vị quản lý quy hoạch kiến trúc Hà Nội được triển khai thực hiện với mô hình thí điểm – Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội. Kể từ đó việc cấp phép xây dựng cho các công trình tại Thủ đô đã được nêu ra nhằm quản lý tình trạng xây dựng tràn lan làm phá vỡ nhiều khu vực đã được quy hoạch của Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết 15/NQTW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương huớng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô “chấn chỉnh, đổi mới công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đô thị”, đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã duyệt như trong Pháp lệnh phát triển Thủ đô (ban hành tháng 12/2000), Sở Xây dựng có Quyết định số 53/QĐ-SXD ngày 28/8/2000 thành lập Phòng Quản lý cấp phép xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố và được đổi tên thành Phòng Cấp phép xây dựng theo Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của UBND Thành phố Hà Nội. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng luôn được lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý thức trách nhiệm, tập thể cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội luôn quán triệt tập trung triển khai công việc, rà soát các thủ tục hành chính, văn bản pháp quy theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai minh bạch, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu xây dựng công trình với mục tiêu “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô”, góp phần thu hút phát triển đầu tư đảm bảo cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô được toàn diện, bền vững và tạo sự kết nối lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô ra toàn vùng.

Bên cạnh những thuận lợi, sự quan tâm của các cấp chính quyền, công tác cấp phép xây dựng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức do các quy định pháp luật thay đổi liên tục và còn chồng chéo, các Nghị định hướng dẫn Luật không được bổ sung, thay thế kịp thời khi Luật điều chỉnh, nhiều Thông tư đã được công bố bãi bỏ nhưng chưa có Thông tư thay thế.

Các bất cập còn đến từ công tác quy hoạch khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011 đã bộc lộ nhiều bất cập với bối cảnh kinh tế – xã hội, tuy nhiên chưa có đồ án quy hoạch thay thế; hệ thống đồ án quy hoạch phân khu về cơ bản đã phủ kín tuy nhiên việc triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc còn chậm, không đủ căn cứ pháp lý cho công tác cấp phép xây dựng; quy hoạch ngoài bãi sông diễn biến phức tạp, dịch vụ công chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao

Với quyết tâm cao nhất, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Xây dựng, sự phối hợp cộng tác của các ngành, các cấp ở Trung ương và Thành phố, các tổ chức chính trị cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của các thế hệ lãnh đạo, Sở Xây dựng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có công tác cấp phép xây dựng, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Thành phố Hà Nội và ngành Xây dựng.

Bài 4: Công tác cấp phép xây dựng, tô đậm dấu ấn đô thị thông minh, hiện đại
Hà Nội có khoảng 1.400 tòa nhà cao tầng và là thành phố có nhiều nhà cao tầng nhất Việt Nam.

Cụ thể, ngành Xây dựng Hà Nội đang thực hiện 12 thủ tục hành chính có liên quan đến công tác cấp phép xây dựng theo Quyết định 2302/QĐ-UBND ngày 02/5/2024 của UBND Thành phố, trong đó có 05 thủ tục thực hiện tại Sở Xây dựng và 07 thủ tục thực hiện tại UBND cấp huyện. Việc công khai minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, 100% hồ sơ cấp phép xây dựng được nhập quản lý trên phần mềm Một cửa điện tử của Thành phố đã giúp ngành Xây dựng Hà Nội triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép xây dựng; Chương trình 01/CT-SXD(KHTH) ngày 27/4/2018 của Sở Xây dựng về nâng cao chỉ số PCI với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đến xin phép xây dựng các công trình trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.400 tòa nhà cao tầng và là thành phố có nhiều nhà cao tầng nhất Việt Nam, trong đó có Hanoi Landmark Tower (346m) và Lotte Center Hanoi (272m) là các tòa nhà cao thứ nhì và ba của Việt Nam, ngoài ra còn có Keangnam Landmark Tower A&B (212m) là tòa tháp đôi cao nhất Việt Nam. Các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội phân bố chủ yếu ở các quận phía Nam và phía Tây của Thành phố như quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai…

Cấp phép xây dựng nhiều dự án trên địa bàn Thủ đô, trong đó có các dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội Thủ đô như: Các công trình đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế. Các dự án tổ hợp khu đô thị xanh thông minh, hiện đại cung cấp thêm quỹ nhà cho người dân Thủ đô đồng thời tạo thị trường việc làm, phát triển kinh tế Thành phố đồng thời gia tăng thu nhập cho nhiều người lao động. Các trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, các công trình công cộng có vị thế đặc biệt tạo dựng bản sắc, hình ảnh kiến trúc cảnh quan của một Thủ đô đang phát triển lớn mạnh từng ngày đồng thời nâng cao giá trị bất động sản khu vực. Các công trình y tế hiện đại phục vụ cộng đồng nhân dân Thủ đô. Các công trình nhà lô phố xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo quy hoạch nhằm phát huy các giá trị du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Các thế hệ cán bộ, công chức của Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ liên quan tới công tác cấp phép xây dựng đã, đang và sẽ luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Tham mưu cho các cơ quan cấp trên ban hành các quyết định, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành về việc cấp phép xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Hướng dẫn UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trong công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Ban hành kế hoạch, tổ chức các Đoàn kiểm tra hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác cấp phép xây dựng cho UBND cấp huyện, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức thực hiện công tác cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố, giảm dần tình trạng phải xin ý kiến cơ quan cấp trên trong quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ.

Thời gian tới, ngành Xây dựng Hà Nội tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố triển khai nhiều giải pháp đảm bảo sự xuyên suốt, thống nhất trong quản lý lĩnh vực phát triển đô thị và cấp phép xây dựng. Trong đó, tập trung vào một số công tác trọng điểm như: Cấp phép công trình xanh thông minh trong đô thị; cấp phép xây dựng các công trình nhà ở xã hội, công trình năng lượng, công trình tại các khu vực ngoài bãi ven sông trên địa bàn Thành phố.

Bài 5: Những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đô thị, nhà ở