Tháng 11/2024, cao tốc Bến Lức – Long Thành có thể khai thác “tạm” 2 đoạn đã hoàn thành
Tháng 11/2024, cao tốc Bến Lức – Long Thành có thể khai thác “tạm” 2 đoạn đã hoàn thành
(Xây dựng) – Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam vừa đề xuất khai thác tạm một số đoạn tuyến đã hoàn thành của cao tốc Bến Lức – Long Thành từ tháng 11/2024.
Một đoạn đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã hoàn thành. (Ảnh: Tuấn Kiệt) |
Ngày 13/10, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) cho biết, đơn vị vừa có tờ trình gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị phê duyệt phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đối với những đoạn đã hoàn thành.
Theo đó, trên cơ sở đã hoàn thiện một số gói thầu, VEC đề xuất đưa vào khai thác các đoạn đã hoàn thành, đó là đoạn từ nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (tỉnh Long An) đến Quốc lộ 1A (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 3,4km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1km. Riêng đoạn tuyến từ Quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 18,8km, VEC đề nghị sẽ được khai thác trong quý I/2025.
Theo VEC, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là một trong những dự án giao thông quan trọng có vai trò kết nối giao thông các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây với miền Đông Nam Bộ. Tuyến đường dài khoảng 57km, bắt đầu từ huyện Bến Lức, qua huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và kết thúc tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc loại A, với bốn làn xe, vận tốc tối đa 120km/giờ.
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được khởi công vào tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào tháng 9/2025. Dự án có tổng vốn là 29.586,9 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 8.065,7 tỷ đồng; vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 10.101,3 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách là 3.872,4 tỷ đồng; vốn VEC tự thu xếp là 7.547,6 tỷ đồng.
VEC cho hay, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đưa vào sử dụng sẽ tác động rất tích cực đến khu vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Việc đưa vào khai thác các đoạn tuyến đã hoàn thành cũng sẽ giúp phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.
Trên cơ sở tiến độ của các gói thầu, VEC đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông khai thác tạm thời đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với thời gian dự kiến theo đoạn tuyến.
Theo đó, đối với vấn đề tổ chức giao thông các đoạn tuyến khai thác tạm, chắc chắn phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện được phép lưu thông và phải tuân thủ các quy định khi đi trên cao tốc, đảm bảo tuyệt đối về an toàn giao thông. Các phương tiện lưu thông ở ba mức tốc độ, cao nhất là 100km/giờ, tương ứng khoảng cách tối thiểu với tốc độ này là 70m; 80km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m; tốc độ trên 60km/giờ, tương ứng khoảng cách an toàn tối thiểu 35m. Tại các nút giao, vận tốc tối đa được lưu thông là 40km/giờ, tại các đường dẫn, vận tốc tối đa là 60km/giờ.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời điểm công trình đạt tổng khối lượng khoảng 80%, dự án từng gặp vướng về thủ tục nên không được bố trí vốn. Chủ đầu tư phải xin lùi thời gian hoàn thành. Tháng 7/2023, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, gỡ được “nút thắt” về nguồn vốn để tiếp tục thi công dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, gia hạn hết tháng 9/2025 hoàn thành.