Vì sao nói VĂN HOÁ là QUYỀN LỰC MỀM của một ĐẤT NƯỚC?
Tháng mười 13, 2024
Dẫn nhập
Liệu bạn có bao giờ tự hỏi tại sao BTS – nhóm nhạc Kpop hàng đầu tại Hàn Quốc hay tuyển thủ Faker – huyền thoại trong giới E-sport lại được tôn vinh như những “bảo vật quốc gia” không?
Và liệu bạn có tò mò rằng tại sao anime và manga của Nhật Bản không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện ảnh, truyện tranh mà còn trở thành một di sản văn hóa tự hào của xứ sở mặt trời mọc?
Những câu hỏi trên đều có chung một đáp án: Văn hóa có sức mạnh giống như một công cụ quyền lực mềm của quốc gia.
Nhưng tại sao văn hóa lại có sức mạnh to lớn đến vậy? Làm thế nào mà những yếu tố tưởng chừng như phi chính trị như âm nhạc, phim ảnh, hay ẩm thực lại có thể trở thành công cụ ngoại giao quyền lực trên đấu trường quốc tế?
Trong bài viết này, hãy cùng tôi tìm hiểu tại sao lại nói văn hóa là quyền lực mềm của một đất nước nhé!
1. Văn hóa thì ai cũng biết, nhưng cụ thể thì nó là gì?
Văn hóa của một đất nước là tổng hợp của các giá trị, niềm tin, phong tục tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, tri thức, đạo đức hay lối sống mà một dân tộc phát triển và duy trì qua thời gian dài. Nói một cách đơn giản, văn hóa là những gì làm nên bản sắc đặc trưng của một dân tộc.
Tuy văn hóa có thể được hiểu qua nhiều góc độ khác nhau, nhưng tiêu biểu nhất có thể kể đến bốn nhóm văn hóa điển hình.
Nhóm thứ nhất, văn hóa vật chất. Đây là kiểu văn hóa bao gồm các sản phẩm vật chất do con người tạo ra như nhà cửa, quần áo, đồ dùng công cụ hay các tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, văn hóa vật chất tiêu biểu có thể kể đến là trang phục truyền thống của mỗi đất nước. Nếu Việt Nam ta là áo dài thì Nhật Bản là kimono, Hàn Quốc là hanbok.
Nhóm thứ hai, văn hóa phi vật chất, bao gồm những giá trị tinh thần, lối sống, niềm tin cốt lõi, phong tục tập quán, tôn giáo… Trong khi Việt Nam ta nổi tiếng trên thế giới bởi tình đồng bào đoàn kết, coi trọng tập thể thì người Nhật lại có tinh thần thượng võ, hay ở những nước phương Tây lại theo chủ nghĩa cá nhân độc lập.
Nhóm thứ ba, văn hóa hàn lâm, là tập hợp những thành tựu trí tuệ, những giá trị tinh thần cao quý được tạo ra và phát triển qua một quá trình nghiên cứu, sáng tạo của giới trí thức, học giả trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Đây là một phần quan trọng của di sản văn hóa, phản ánh trình độ tinh thần và trí tuệ của một quốc gia.
Tiêu biểu như Việt Nam ta tự hào với văn học cổ điển như Truyện Kiều, thơ ca dân gian phong phú, hay các loại hình sân khấu truyền thống như ca trù, chèo, tuồng, mang theo tư tưởng triết học Nho giáo, Phật giáo lâu đời. Tiêu biểu, Hy Lạp cũng là một đất nước có văn hóa hàn lâm trù phú khi được mệnh danh là cha đẻ của bộ môn triết học với các triết gia nổi tiếng như Socrates, Plato, Aristotle….. Không chỉ vậy, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của Hy Lạp đã có hơn 18 công trình được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Nhóm thứ tư, ngược lại với văn hóa hàn hâm, văn hóa đại chúng là những sản phẩm phục vụ mục tiêu tiêu thụ bao gồm phim ảnh, âm nhạc, thời trang, thể thao… tác động đến đại đa số công chúng. Làn sóng Hallyu của Hàn Quốc chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh lan tỏa của loại hình văn hóa này. Từ K-pop, K-drama cho đến thời trang và ẩm thực, làn sóng Hallyu đã chinh phục trái tim của hàng triệu người trên toàn thế giới. Thông qua các sản phẩm văn hóa đại chúng, một quốc gia có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa của mình đến toàn thế giới, đồng thời tạo ra những giá trị kinh tế to lớn.
Văn hóa nếu có thể nói vui, tôi sẽ nói đây là USP (Unique Selling Point) của một đất nước. Nó là dấu ấn riêng biệt của mỗi dân tộc, giúp chúng ta phân biệt với các dân tộc khác. Văn hóa vốn đã bén rễ vào sâu trong hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức giúp con người định hình nhân cách, lối sống và hành vi của mình trong xã hội trước khi họ kịp thời nhận ra.
Vì thế nếu một đất nước không có nền tảng văn hóa vững chắc, người dân sẽ không có một niềm tin chung để dựa vào, dễ rơi vào khủng hoàng tinh thần và dẫn đến sự chia rẽ, mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Hơn cả, quốc gia không có văn hóa sẽ dễ bị đồng hóa, mất đi bản sắc riêng trước sự xâm nhập của các nền văn hóa khác, dẫn đến sự yếu kém trong ngoại giao, suy giảm vị thế quốc tế và không thể phát triển độc lập. Nói đến đoạn này, tôi mới thực sự hiểu vì sao ông cha ta đã phải trải qua hàng nghìn năm chiến tranh, bị đô hộ nhưng vẫn kiên cường bám trụ, gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình.
2. Vậy văn hóa và quyền lực mềm có mối quan hệ gì tới nhau?
Vậy văn hóa – bản sắc của một đất nước và quyền lực mềm – công cụ ngoại giao trên đấu trường quốc tế có mối quan hệ gì với nhau? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần hiểu rõ: Quyền lực mềm là gì?
Quyền lực mềm là khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới hệ thống giá trị, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác để họ tự nguyện hành động theo ý muốn của mình thông qua việc thu hút và thuyết phục. Ngược lại với quyền lực cứng khi sức mạnh được thực hiện chủ yếu bằng việc đe dọa (quân sự, kinh tế,…) thì quyền lực mềm lại không có tính chất cưỡng chế, ép buộc mà được thực hiện qua sự hấp dẫn và thuyết phục dưới hình thức văn hóa, tư tưởng và chính sách đối ngoại. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: Văn hóa – Giá trị – Chính sách quốc gia. Trong số đó, văn hóa là nguồn lực được đầu tư và khai thác triệt để hơn cả.
Thông qua các lăng kính văn hóa, các quốc gia khác nhau sẽ có những cách tiếp cận vấn đề cũng như mong muốn khác nhau. Vì vậy khi văn hóa quốc gia càng được phổ biến và yêu thích, sức hấp dẫn và thu hút càng lớn thì khả năng đạt được mong muốn lợi ích của quốc gia đó sẽ càng cao. Do đó, văn hóa quốc gia, đặc biệt là văn hóa đại chúng là một trong những nguồn lực chính của sức mạnh mềm. Đó chính là mối liên hệ mật thiết sâu sắc giữa văn hoá và quyền lực mềm.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép được bỏ qua việc phân tích hai nguồn lực còn lại tạo nên sức mạnh mềm là: Hệ giá trị quốc gia và chính sách quốc gia. Tôi sẽ tập trung phân tích về ngoại giao văn hóa –là kênh phổ biến nhất, được hầu hết các quốc gia ưu tiên thúc đẩy trong quá trình triển khai sức mạnh mềm nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc các nước.
3. Những quốc gia trỗi dậy rực rỡ từ việc khai thác văn hoá
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng với nền kinh tế kiệt quệ và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Vậy mà chỉ trong vài thập kỷ, bằng việc nhận ra sức mạnh tiềm tàng của văn hoá, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã tận dụng nó làm bệ phóng cho sự phục hồi và phát triển đất nước. Giờ đây, các quốc gia này đã vươn lên trở thành những cường quốc kinh tế và văn hóa, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế bằng quyền lực mềm.
Câu hỏi đặt ra là: Họ đã xây dựng nền móng văn hoá ra sao và khai thác tiềm năng đó như thế nào để biến chúng thành lợi thế vượt trội? Tại sao văn hoá của họ lại có khả năng tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội và chính trị như vậy? Hãy cùng tôi quay lại thời điểm năm 1945 để tìm hiểu về hành trình trỗi dậy đầy ngoạn mục này.
3.1. Nhật Bản – Từ một đất nước “phát xít” đến “nền công nghiệp anime manga tỷ yên”
Sau khi bại trận vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của chính quyền của Thủ tướng Higashikuni Naruhiko lúc bấy giờ đã định hướng xây dựng Nhật Bản trở thành một quốc gia yêu chuộng hoà bình, dân chủ và tự do sáng tạo. Mục tiêu lớn nhất của chiến lược này là xoá bỏ những hình ảnh tiêu cực trong quá khứ, từ đó tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng, tôn trọng và yêu mến từ cộng đồng quốc tế.
Từ nửa cuối thập niên 1960 trở đi, Nhật Bản đẩy mạnh các hoạt động quảng bá văn hoá, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Đó là những loại hình văn hóa truyền thống như kịch sân khấu, thư pháp, trà đạo, cắm hoa…và các loại hình văn hóa đại chúng như truyện tranh manga, phim hoạt hình anime, nhạc pop, trò chơi điện tử…
Không chỉ vậy, những giá trị văn hóa thuộc về phong cách sống như đề cao tính kỷ luật, tinh thần tập thể, có trách nhiệm bậc nhất, luôn đề cao chữ tín cũng làm nên đặc trưng của con người Nhật Bản, tạo nên những đặc trưng rất riêng trên thế giới. Cùng với các chính sách văn hóa phù hợp, các giá trị văn hóa Nhật Bản đang ngày càng phổ biến và được yêu thích, đặc biệt là ở Đông Nam Á
Tháng 11/2019, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 3000 người trong độ tuổi từ 18 đến 59 ở 10 quốc gia ASEAN nhằm thu thập ý kiến của người dân về hình ảnh của nước Nhật. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, phim hoạt hình anime và truyện tranh manga được người dân các nước thể hiện sự yêu thích và có lượt bình chọn cao nhất.
Anime Nhật Bản được đánh giá cao tại nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ ở Đông Nam Á hay Châu Á mà còn ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ bởi kỹ thuật chế tác đạt tới trình độ cao, thể hiện được sự tỉ mẩn trong từng khung hình. Không chỉ có nghệ thuật thị giác tinh tế, anime còn nổi bật bởi sự đa dạng và sâu sắc trong nội dung. Các tác phẩm không chỉ giới hạn ở thể loại giải trí mà còn đi sâu vào những vấn đề xã hội, triết học và tâm lý học để truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc. Khả năng kết hợp giữa nghệ thuật hoạ hình và cốt truyện phức tạp đã giúp Anime tạo nên một thế giới tưởng tượng phong phú và sống động, nơi mà khán giả có thể tìm thấy sự đồng cảm, cảm hứng và niềm vui bất chấp rào cản về ngôn ngữ. Có lẽ vì vậy mà Anime cùng với manga đã có được một lượng fans trẻ đông đảo ở khắp các châu lục, chiếm khoảng 60% số lượng phim hoạt hình sản xuất trên toàn thế giới.
Tuy Anime chỉ là một phần trong thế giới văn hoá đa dạng của Nhật Bản như đã kể bên trên, nhưng tại sao Bộ Công nghiệp và Kinh tế; Bộ Văn hóa, Giáo dục Nhật Bản lại nhận định Anime sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của đất nước?
Đầu tiên là giá trị kinh tế ngành Anime đem lại. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển của truyền thông đại chúng, năm 2022, ngành công nghiệp anime của Nhật Bản được định giá hơn 370 tỷ yên. Giá thị trường anime Nhật Bản tại Hoa Kỳ, Trung Quốc thậm chí còn có phần nhỉnh hơn nhiều. Khoảng 90% các công ty sản xuất anime nổi tiếng tại Nhật có trụ sở tại Tokyo, với khoảng 622 công ty chế tác cùng hơn 50.000 người làm việc, đem lại lợi nhuận trực tiếp cho đất nước. Không chỉ vậy, quyền lực mềm văn hoá của Nhật còn góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hoá ra nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng qua mỗi năm.
Thứ hai, anime có ảnh hưởng rộng khắp và có liên đới tới các lĩnh vực văn hoá khác của Nhật Bản, mang lại nhiều lợi ích cho các ngành kinh tế khác. Ví dụ đối với lĩnh vực thời trang, do sự phổ cập của Manga và Anime mà xu hướng cosplay, phong cách đường phố Harajuku giữ vị trí nhất định trong lĩnh vực thời trang. Hay đối với ngành du lịch, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản để mua sắm, trải nghiệm những thứ họ từng tiếp xúc trên phim ảnh, truyện tranh, âm nhạc.. Tất cả cộng hưởng và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nhật Bản.
Cuối cùng, Anime góp phần lan toả văn hoá Nhật Bản kết nối mọi người trên toàn thế giới, tạo nên một dạng siêu quyền lực mới. Anime đã đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện quốc tế như thế vận hội, là nhân vật đại diện tuyên truyền người dân trong các vấn đề xã hội. Các hội nghị fan anime được tổ chức khắp nơi trên thế giới luôn thu hút hàng chục ngàn người tham gia, chứng minh cho sức mạnh đáng gờm của văn hóa anime, manga.
Có thể nói anime không chỉ là văn hóa “thuộc về” Nhật Bản mà còn là văn hóa “quốc tế”, một hình thức “quyền lực mềm” giúp Nhật Bản cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế.
Tác động của Anime – Manga với Việt Nam nói riêng thì sao? Cực kỳ lớn! Từ các lễ hội cosplay với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ hóa trang thành nhân vật mình yêu thích, đến cách thưởng thức âm nhạc, ẩm thực hay sâu xa hơn cả là thái độ sống hướng đến những giá trị tích cực, nền văn hóa anime đã góp phần hình thành nên một cộng đồng người trẻ năng động, sáng tạo với những cá tính rất riêng tại Việt Nam.
Kết quả đạt được của Nhật Bản khi khai thác văn hoá, dùng làm sức mạnh mềm trên Đông Nam Á là gì? Về mặt hình ảnh quốc gia, văn hoá Nhật bản đã góp phần làm gia tăng cảm tình, xoá bỏ những ác cảm chiến tranh về một quân phiệt Nhật tàn bạo trong tâm trí của người dân các nước ASEAN. Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng và củng cố niềm tin của người dân là một nước Nhật thân thiện, yêu chuộng hoà bình và có trách nhiệm với cộng đồng.
Như vậy, bằng việc khai thác nguồn lực văn hoá để làm sức mạnh mềm, Nhật Bản đã không ngừng vươn lên trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên của Châu Á. Bên cạnh đó, nước Nhật đã khẳng định được vị thế của mình trên đấu trường ngoại giao, vươn tới việc đảm nhận một vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.
3.2. Hàn Quốc – Từ quốc gia nghèo nhất thế giới đến cường quốc văn hóa nhờ sức mạnh K-pop và K-drama
Năm 1910, Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên và kiểm soát chúng cho đến khi đầu hàng quân đồng minh trong Thế chiến II. Bán đảo sau đó bị chia cắt thành 2 khu vực ở vĩ tuyến 38, với phía Bắc do Sô Viết Liên Xô chiếm đóng và phía Nam do Hoa Kỳ kiểm soát. Trong những năm sau đó, chiến tranh hai miền Nam Bắc diễn ra ác liệt, dẫn đến những hậu quả tương tàn kiệt quệ về mặt kinh tế đất nước.
Khi mới tuyên bố độc lập, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn 64 USD/năm. Con số này thậm chí còn thua cả một số nước nghèo ở Châu Phi. Hàn Quốc bấy giờ đã phải phụ thuộc rất nhiều vào các gói cứu trợ quốc tế để “chạy ăn từng bữa” cho người dân sống lay lắt qua ngày.
Nếu lộ trình phát triển thông thường của những siêu cường quốc như Anh – Mỹ thường là xây dựng đế chế kinh tế trước, xuất khẩu văn hóa sau thì Hàn Quốc lại đi hướng ngược lại: : “Văn hóa đi trước, kinh tế theo sau” ngay trong bối cảnh đất nước còn chưa đủ cơm ăn. Và thực tế đã chứng minh, con đường xứ Kim chi hướng đến là tầm nhìn vượt xuyên thế kỷ.
Một trong những giải pháp táo bạo nhất mà chính phủ Hàn Quốc đề xuất lúc bấy giờ là ưu tiên phát triển văn hóa dưới quyền quản lý của chính phủ. Tuy cũng có sự tăng trưởng nhất định, nhưng văn hóa Hàn Quốc chỉ thật sự bứt phá khi chính phủ quyết định san sẻ quyền lực kiểm duyệt, hợp tác với các khu vực tư nhân nhằm tạo điều kiện sản xuất nhiều tác phẩm có đề tài đa dạng hơn.
Điểm lợi của đường lối này là gì? Đảm bảo cho việc chính sách văn hóa không phải do bị áp đặt từ trên xuống theo hướng truyền bá tư tưởng, mà hướng tới việc phản ánh được nhu cầu tinh thần của mọi tầng lớp xã hội. Hàn Quốc tin rằng chỉ khi tạo được sợi dây kết nối với người dân cả nước, các sản phẩm văn hóa mới có thể phát triển lành mạnh và lâu dài. Bật mí với các bạn, đây cũng là lý do tại sao Hàn Quốc lại có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng không ngần ngại phê phán chính quyền và xã hội đất nước mà không bị chính phủ cấm sóng. Chính sự dũng cảm này đã giúp văn hóa Hàn Quốc lan xa ra quốc tế bởi tính xã hội và thời sự của chúng, khi các sản phẩm văn hoá mang nhiều thông điệp ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống về con người, tác động đến thế giới quan và nhân sinh quan của người dân theo hướng tích cực.
Hai sản phẩm văn hóa chính mà Hàn Quốc tập trung sản xuất trong thời kỳ 1990 chính là âm nhạc K-pop và điện ảnh K-Drama. Chiến lược nêu rằng nếu thành công với hai sản phẩm này, Hàn Quốc sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng liên đới tới các ngành liên quan đến đời sống sinh hoạt và giải trí của người dân như: Ăn (đồ ăn, đồ uống) – Mặc (Thời trang) – Công nghiệp nội dung số (Truyện tranh, phim hoạt hình, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm giải trí…) để tăng nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế. hì
Trái ngọt mà Hàn Quốc nhận được là không phải bàn cãi. Các sản phẩm văn hoá Hàn Quốc hay gọi chung là làn sóng Hallyu không chỉ lay động được hàng vạn trái tim của người dân Đông Nam Á và Châu Á – những đất nước vốn có điểm chung về văn hoá tôn giáo với Hàn, mà còn chinh phục được các khu vực có sự khác biệt văn hoá đậm nét như Châu Phi, Trung Đông và các nước Phương Tây – những đất nước thường được cho là có nền văn hoá “ưu việt” hơn.
Bản thân ngành truyền thông của Hàn Quốc cũng được tập trung để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xứ sở củ sâm này. Chỉ xét riêng mạng lưới đài cáp, Hàn Quốc hiện tại có hơn 61 đài truyền hình, 1020 trạm thu phát sóng gồm cả trung ương lẫn tư nhân. Mặc dù cạnh tranh nhau rất khốc liệt, nhưng mục đích sau cùng của các kênh đều hướng đến việc giáo dục văn hóa cho người dân nội địa, quảng bá hình ảnh đất nước ra thị trường quốc tế.
Với những nỗ lực trên, làn sóng Hallyu đã và đang làm thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc một cách mạnh mẽ. Nếu như vào những năm 60s, hình ảnh về Hàn Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi các từ khóa như “chiến tranh Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên” thì giờ đây, “Làn sóng Hàn Quốc” đã trở thành hình ảnh đại diện cho Hàn Quốc, nhận được nhiều tình cảm và sự yêu thích của hàng nghìn người trên toàn thế giới.
Riêng tại Việt Nam, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã len lỏi vào đời sống người dân Việt với sức tác động mạnh mẽ. Làn sóng này đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên theo hướng “Hàn Quốc hóa”, trong đó được ảnh hưởng trực tiếp từ điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc.
Từ góc nhìn của một người trẻ dành sự mến mộ cho văn hóa Hàn Quốc, tôi nhận thấy rằng làn sóng Hallyu đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thế hệ từ 8x – 2000, không chỉ về đời sống tinh thần mà còn cả đời sống vật chất. Từ phong cách thời trang, mỹ phẩm đến cách tiêu thụ các nội dung giải trí (âm nhạc, điện ảnh, chương trình truyền hình); từ việc lựa chọn những món ăn thưởng thức cùng gia đình bạn bè đến những thứ tinh tế hơn như quan niệm về tình yêu, chúng ta đều có thể dễ dàng thấy bóng dáng của văn hóa Hàn Quốc len lỏi trong hành vi của người Việt.
Rõ ràng thành tựu này không phải ngẫu nhiên có được. Nó là sự kết hợp của chiến lược dài hạn, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp lãnh đạo triển khai xuyên suốt qua nhiều thời kỳ, cùng với sự hỗ trợ hết mình từ Chính phủ Hàn Quốc ở mọi khía cạnh. Hiếm có một đất nước nào mà chính phủ lại sẵn sàng rót vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa nghệ thuật, liên tục chạy các chương trình thúc đẩy quảng bá văn hóa nghệ thuật như Hàn Quốc. Tất cả sự đầu tư này đều đòi hỏi một tầm nhìn xuyên thế kỷ, cùng với sự dũng cảm đến mức liều lĩnh của một đất nước có khởi đầu khiêm tốn như Hàn Quốc.
Và giờ đây, Hàn Quốc đã chứng minh cho cả thế giới thấy đất nước của họ có một năng lực văn hóa đáng gờm ra sao, khi có thể mê hoặc bất cứ ai quốc gia nào trên thế giới chỉ bằng văn hóa đặc trưng của mình. Rõ ràng, quyền lực mềm đã dưa vị thế Hàn Quốc lên ngôi trên đấu trường ngoại giao bằng sức hấp dẫn và sự thuyết phục khó thể chối cãi.
4. Vậy cuối cùng, tại sao văn hóa lại là quyền lực mềm của một đất nước?
4.1. Không cần vũ lực, vẫn có thể tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của người khác theo cách mình muốn một cách tự nguyện
Đích đến cuối cùng của quyền lực là gì? Là dẫn dắt, định hướng đối tượng mục tiêu làm theo mong muốn của mình. Trong khi quyền lực cứng là sức mạnh ép buộc, thì sức mạnh mềm là bằng cách thuyết phục khiến người khác sẵn sàng làm điều mà mình mong muốn.
Vậy làm sao để thuyết phục một nhóm người khác tôn giáo, quan điểm, văn hóa? Ta cần một công cụ có khả năng tác động trực tiếp đến tâm trí của họ, nhưng phải có sự tinh tế và sâu sắc nhất. Văn hóa, với khả năng gây ảnh hưởng lặng thầm đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, có sức lan tỏa vượt qua mọi rào cản khác biệt chính là công cụ quyền lực ấy
Khi một quốc gia quảng bá văn hóa của mình được ra thế giới, họ không chỉ đơn thuần giới thiệu về đất nước mình mà còn đang gieo trồng những hạt giống tư tưởng, những giá trị sống tác động đến thế giới quan của người dân. Điều này tạo ra sự tò mò bên trong mỗi người, nó hấp dẫn và khơi gợi mong muốn đối tượng được tìm hiểu, trải nghiệm và chia sẻ.
Ví dụ khi bạn xem một bộ phim Hàn Quốc, hay đọc một bộ manga Nhật Bản và chúng khiến bạn cảm thấy tò mò, bạn không chỉ đơn thuần thưởng thức tác phẩm mà còn đang dần hình thành những ấn tượng và cảm tình tích cực về quốc gia đó.
Như vậy, số lượng sản phẩm văn hóa bạn tiêu thụ càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy gần gũi và yêu mến hơn với văn hóa của quốc gia ấy. Sức mạnh của văn hóa nằm ở chỗ đó, khi nó có khả năng tạo ra sự hấp dẫn và thu hút, khiến công chúng có xu hướng đồng hóa những giá trị cốt lõi của bản thân mình với những gì họ yêu mến, từ đó thay đổi quan điểm và hành động của bản thân.
Văn hóa vì thế, không chỉ là một phần của bản sắc dân tộc mà còn là một công cụ ngoại giao hiệu quả. Bởi khi văn hóa trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của công chúng quốc tế, quốc gia đó không chỉ tạo dựng được ảnh hưởng sâu sắc mà còn dễ dàng đạt được các mục tiêu ngoại giao, kinh tế mà không cần sử dụng đến các biện pháp ép buộc.
4.2. Xây dựng hình ảnh tích cực của quốc gia trên trường quốc tế, từ đó tăng cường uy tín và vị thế
Ấn tượng của bạn cho quốc gia nào đó thật ra…không đến từ sự đánh giá chủ quan của bạn, nó đến từ những chiến lược xây dựng hình ảnh bài bản của đất nước đó. Chiến lược ấy vạch rõ hình ảnh mà quốc gia ấy mong muốn là gì, và làm thế nào để đạt được nó thông qua văn hoá. Hình ảnh càng tích cực, lợi ích mà quốc gia đó nhận lại càng lớn.
Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế, hình ảnh tích cực về nguồn lực lao động, tài nguyên quốc gia có thể giúp đất nước đó thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đấy xuất khẩu. Trong lĩnh vực chính trị, hình ảnh về một đất nước độc lập, hoà bình với tiềm năng phát triển lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng liên minh, đàm phán hiệp định…
Đặc biệt trong thời đại thông tin lan truyền như virus hiện nay, dư luận quốc tể còn là một kênh truyền thông miễn phí với sức ảnh hưởng khổng lồ, thậm chí có thể tác động tới chính sách của các đất nước khác trên thế giới. Vì vậy văn hoá, với khả năng xây dựng và duy trì hình ảnh quốc gia tích cực đã trở thành một công cụ quyền lực mềm then chốt, góp phần định hình vị thế của đất nước trên bản đồ chính trị toàn cầu.
Hãy để tôi lấy ví dụ cụ thể cho bạn. Nhật Bản trước những năm 2000 thường bị gắn liền với những tính từ không tích cực cho lắm, ví dụ như “trùm phát xít”, “quân khát máu” trong chiến tranh. Nhưng với chiến lược phát triển văn hoá thần, nổi bật là anime và manga như đã phân tích ở trên, Nhật Bản hiện tại không chỉ là một quốc gia bậc nhất về nền văn hoá phát triển, thu hút nhiều du khách trên toàn cầu mà còn là một quốc gia gắn liền với những hình ảnh tích cực như: “quốc gia đến từ tương lai”, “đất nước giàu văn hoá truyền thống nhưng lại phát triển vô cùng hiện đại”… Kết quả như chúng ta đã biết, Nhật Bản đã và đang được coi trọng trong các diễn đàn quốc tế, giữ tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề toàn cầu.
4.3. Thúc đẩy lợi ích kinh tế
Nhu cầu đầu tiên của một người say mê văn hóa nước ngoài là gì? Du lịch!
Đúng vậy, văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành du lịch. Các di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, ẩm thực đặc sắc, và nghệ thuật bản địa trở thành những “sản phẩm” hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm. Ví dụ như Nhật Bản, với văn hóa độc đáo từ trà đạo đến sumo, đã thu hút hơn 31 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2018, đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia.
Tiếp đến, văn hóa tạo nền tảng cho việc xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Điện ảnh, âm nhạc, phim truyền hình, sách, và trò chơi điện tử không chỉ mang lại doanh thu trực tiếp mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia. Hàn Quốc là một ví dụ tiêu biểu, khi làn sóng Hallyu không chỉ tạo ra doanh thu hàng tỷ đô la từ xuất khẩu văn hóa mà còn thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng như mỹ phẩm và thời trang và cả thực phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra kết hợp với hình ảnh tích cực được xây dựng, văn hóa còn góp phần tạo ra “thương hiệu quốc gia” mạnh mẽ, hỗ trợ cho việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nội địa nói chung. Khi người tiêu dùng toàn cầu có ấn tượng tốt về con người, văn hóa của một đất nước, họ sẽ vô thức có xu hướng đánh giá cao và sẵn sàng mua sắm sản phẩm xuất xứ từ quốc gia đó. Ví dụ, hình ảnh về sự cầu toàn và kỹ tính trong văn hóa Nhật đã góp phần tạo nên chất lượng bền bỉ cho các sản phẩm “Made in Japan” trên thị trường quốc tế.
5. Việt Nam đang ở đâu trên làn sóng phát triển văn hóa quyền lực mềm?
Mặc dù khó xác định chính xác vị trí của Việt Nam trong làn sóng phát triển văn hóa toàn cầu, nhưng rõ ràng đất nước ta đang ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa như một nguồn quyền lực mềm trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ góc nhìn của một người trẻ quan tâm đến vấn đề này, tôi có thể nhận thấy Việt Nam đã và đang đạt được những thành công đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua hai lĩnh vực nổi bật: Du lịch di sản văn hóa và ẩm thực.
Khía cạnh lịch sử và di sản là một trong những lợi thế nổi bật của Việt Nam trong phát triển du lịch. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đất nước ta sở hữu một kho tàng văn hóa đa dạng và phong phú. Hiện nay, Việt Nam tự hào có 8 di sản được UNESCO công nhận, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể:
– Quần thể di tích cố đô Huế (1993)
– Phố cổ Hội An (1999)
– Thánh địa Mỹ Sơn (1999)
– Vịnh Hạ Long (1994, tái công nhận 2000)
– Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003)
– Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (2010)
– Thành nhà Hồ (2011)
– Quần thể danh thắng Tràng An (2014)
Trong số này, Phố cổ Hội An và Vịnh Hạ Long nổi tiếng nhất với du khách quốc tế. Hai điểm đến này thường xuyên được bình chọn vào danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách và thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển.
Song song với di sản văn hóa, ẩm thực Việt Nam cũng đang trở thành một công cụ quyền lực mềm hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh đất nước. Sự đa dạng, hấp dẫn và lành mạnh của ẩm thực Việt đang tạo nên một sức hút khó cưỡng với những tín đồ sành ăn trên toàn thế giới. Năm 2023, CNN đã bình chọn Hà Nội là một trong 10 điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á, với nhiều món ăn như phở, bánh mì, bún chả, bún bò được xếp hạng cao trong danh sách món ăn ngon nhất thế giới
Không chỉ giúp quảng bá hình ảnh đất nước một cách tư nhiên và hiệu quả ra toàn cầu, ẩm thực Việt còn giúp đất nước ta mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng bằng cách xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm như gạo, cà phê, trái cây và hải sản ra thị trường quốc tế.
Nhìn chung, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bề dày lịch sử phát triển cùng sự đa dạng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc, những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống…), hay những di sản văn hóa phi vật thể (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…)… thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. Sở hữu trong tay những tiềm năng, lợi thế này, nếu đất nước ta biết cách tận dụng kết hợp với sức lan toả của khoa học – công nghệ, Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng và phát triển thành công các ngành công nghiệp văn hóa như các đất nước láng giềng khác.
Như nghệ sĩ nhân dân Tự Long từng nói: “Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc.” Hơn thế nữa, văn hóa còn là vũ khí mạnh mẽ trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế. Từ những câu chuyện thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ rằng việc đầu tư vào văn hóa không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn, giúp đất nước vươn xa và phát triển bền vững.
Vậy sau bài viết này, tôi và bạn có thể làm gì để giúp văn hóa Việt Nam chạm gần hơn đến công chúng quốc tế? Theo tôi, chúng ta hãy bắt đầu đơn giản bằng việc có sự bao dung hơn với các sản phẩm văn hoá đại chúng nội địa (từ âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình) đến các sản phẩm tiêu dùng “made in Vietnam” như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm… Bởi chỉ khi người Việt thực sự tin và yêu văn hoá Việt như một phần không thể thiếu của đời sống, tình yêu đó mới đủ lớn để thuyết phục và hấp dẫn công chúng quốc tế quan tâm tới văn hoá Việt Nam nhiều hơn.
Lời nói cuối
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu quote này: “If something is free, you are the product.” Quyền lực mềm không chỉ dừng lại ở lĩnh vực rộng như văn hóa, nếu nhìn chi tiết hơn, chúng ta có thể thấy Truyền thông – Quảng cáo hay Social Media cũng có cách vận hành như vậy: Tạo dựng nhiều thông tin có sức hấp dẫn, đánh đúng vào tâm lý của người xem, rồi từ từ khiến chúng ta tin và hành động như những gì mà họ muốn. Liệu có thể nói rằng những lĩnh vực trên cũng là một hình thức khác của quyền lực mềm cho các doanh nghiệp tư bản, hay sâu xa hơn là các cấp chính phủ hay không? Câu trả lời xin được dành cho bạn.
Nhưng có thể khẳng định rõ ràng, văn hóa quyền lực mềm không xấu, nó là một công cụ sắc bén và hiệu quả. Còn việc để bản thân ảnh hưởng bởi những giá trị như thế nào, điều ấy lại nằm hoàn toàn trong tay chúng ta.
Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho các bạn thêm một góc nhìn mới. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở những chủ đề thú vị khác nhé, goodbye!