Review The Wild Robot – Phim hoạt hình chúng ta đang cần!
Tháng mười 13, 2024
Trước tiên, vào thẳng vấn đề, nếu bạn đang không có phim xem và muốn thưởng thức một bộ phim mang lại cho mình một cảm giác khó quên, thì hãy xem The Wild Robot, và bên dưới đây mình sẽ giải thích cho các bạn vì sao. Bài viết khen nhiều, muốn xem chê thì sẽ có chê, nhưng ít đó.
Đã từ rất lâu rồi mới có một bộ phim khiến mình phải viết một bài cảm nhận về nó vì những cảm xúc mà nó mang lại cho mình trong gần 1 giờ 45 phút. DreamWorks đang chứng minh họ là một nhà làm phim hoạt hình tầm cỡ cỡ nào và Disney chỉ có thể gọi họ bằng điện thoại. Họ liên tục cho ra lò những bản gốc chất lượng, dù có hơi hụp lặn, nhưng logo DreamWorks là bảo chứng cho một bộ phim hoạt hình từ trung bình đến chất lượng và bạn không cần quá bận tâm khi chọn xem một bộ phim của họ. Vào 7 tháng trước, trailer đầu tiên của The Wild Robot được công chiếu, nó cũng thể hiện được phần nào về khả năng “nấu ăn” của họ khi intro của họ nào là “From the studio that brought you How To Train Your Dragon and Puss in Boots”. Đây có thể là một bộ phim kinh điển mới của thập niên 20, khi mà bối cảnh chú robot và khu rừng của bộ phim dưới bàn tay kì diệu của các nhà biên kịch mà vẫn kể được một câu chuyện hoàn toàn hợp thời và cho đến nhiều năm sau nó sẽ vẫn còn giá trị nhân văn, khi mà trí tuệ nhân tạo đang là một xu thế mới và thế giới đang thực sự có bước chuyển mình lớn nhờ vào nó. Thật khó có thể nhận định rằng đây có phải là một bộ phim tuyệt vời nhất từ trước tới giờ của họ hay không, nhưng họ đang mang đến cho ta những gì tuyệt vời nhất mà họ có.
The Wild Bobot đã có thể có một mở đầu tốt hơn. Đó không phải là một điểm trừ, phần mở đầu của họ chỉ ở mức trung bình. Đây có thể là một thiệt thòi cho bộ phim khi cho tới 15 tháng 10 năm nay, tức là sau 2 tuần công chiếu, phim đã phải lên nền tảng chiếu phim trực tuyến song song với chiếu tại rạp. Vì theo thỏa thuận của Universal với các nhà rạp từ 2020, nếu phim của họ có doanh thu công chiếu tuần đầu dưới 50 triệu đô thì họ sẽ phải ném phim của họ lên các nền tảng chiếu phim trực tuyến sau 17 ngày, nếu trên 50 triệu đô thì phim của họ được chiếu 30 ngày và lên trực tuyến sau đó. Mình nói điều này là nếu The Wild Robot được xem trên các thiết bị tại gia, mình sợ bộ phim sẽ không kịp níu chân người xem để thưởng thức trọn bộ bộ phim, cũng như là chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của hình ảnh và âm thanh đỉnh nóc.
Nói về hình thức của bộ phim, phong cách hoạt họa sáng tạo là nhân tố đầu tiên khiến mình thích bộ phim này đến vậy. Tác phẩm của nhà DreamWorks có một phong cách hoạt họa na ná như Puss in Boots, và nó thực sự hiệu quả để mô tả phong cảnh rừng cây, chim thú và hoa lá cành rực rỡ sắc màu. Mỗi khung hình như một bức tranh và bất cứ khoảnh khắc nào nó cũng có thể là kiệt tác. Khung cảnh khu rừng qua đủ bốn mùa được thể hiện một cách hoàn hảo khi mà từng đặc điểm của môi trường xung quanh đều được miêu tả kĩ càng. Phần tuyệt nhất hẳn là ánh sáng trong phim được dùng với rất nhiều dụng ý nghệ thuật, nó thể hiện được rõ tâm trạng, tính cách, và miêu tả được chính xác những gì đang diễn ra trên màn ảnh như vui tươi, nguy hiểm, mâu thuẫn, thương yêu và đa dạng cảm xúc khác. Điều này vừa khiến các bé rất thích thú khi xem phim và dễ dàng tiếp thu được mạch truyện của phim. Để bộ phim luôn mang một năng lượng tràn trề như vật thì không thể thiếu được những cuốn máy mượt mà và sáng tạo trong từng cảnh phim. Những chuyển động uyển chuyển đó được dùng nhiều trong cảnh phim và nó tạo nên một không gian cực kỳ chân thật mà chúng ta có thể hình dung được mọi ngóc ngách của khu rừng ngoài đời và không hề bị gò bó bởi những điều mà chúng ta cho là giả tưởng, cứ nhìn màn hình đi và họ sẽ cho chúng ta nhìn ngắm khu rừng ở mọi hướng chúng ta muốn. Ở trong những cảnh đại, phim cứ khiến mình ồ lên liên tục và xúc động bởi vẻ đẹp của nó. Để tận hưởng được những khung cảnh này thì chắc chắn là phải chuẩn bị một cái màn hình thật tuyệt nhé.
Vừa trên là nhân tố đầu tiên, thứ hai là về phần âm thanh. Dàn âm thanh của nhà rạp quyết định 99,99% độ hay dở của bộ phim, và phần may đã thuộc về mình vì đã chọn được một cái rạp xịn để lắng nghe từng thanh âm nhỏ của khu rừng này. Lupita Nyong’o là gương mặt vừa xuất hiện trong The Quiet Place: Day One hồi giữa năm lồng tiếng cho Roz và chú Pedro Pascal lồng tiếng cho cáo Fink. Không hề nghi ngờ hai cái tên này vì họ đã thể hiện quá xuất sắc cho vai diễn của mình. Một con robot và một con cáo nói chuyện với nhau cho ra phản ứng hóa học cực kỳ thuyết phục, họ truyền tải được tất cả tính cách của nhân vật mà họ thủ vai, và thực sự đã chạm tới trái tim của mình. Đối với tất cả các diễn viên lồng tiếng khác, dù không có nhiều đất diễn như hai nhân vật chính nhưng mình thực sự trân trọng họ vì đã hoàn thành được vai diễn của họ một cách xuất sắc và mang cái hồn đến những con động vật trong khu rừng ấy. Về phần nhạc phim, trong phim có cả đoạn montage dài 5 phút khiến mình nổi da gà liên tục vì phần nhạc nó quá ăn rơ với phần hình ảnh và khiến đoạn đó dù đã xuất hiện trong hàng hà sa số các phim khác nhưng khi xem mình vẫn tận hưởng được từng giây từng phút của nó. Nhà soạn nhạc Kris Bowers đã hoàn toàn thành công trong việc đẩy cảm xúc của mình lên cao trào.
Cuối cùng, mình muốn nói về phần cốt truyện, sơ lược ở đoạn này và spoil ở đoạn bên dưới. Như mình nói ở trên, khoảng một phần ba đầu phim có một sự an toàn nhất định, khiến mình cứ đoán già đoán non diễn biến kế tiếp sẽ như thế nào, và sơ sơ cũng được 20%. Nhưng đừng vội mừng vì đã đoán trúng tim đen của tác giả, phần đầu chỉ là chất xúc tác cho câu đoạn cao trào ở phía sau thôi, chắc chắn ai xem tóm tắt phim sẽ không cảm nhận được cách mà nội dung được truyền tải như thế nào, bởi nhà làm phim một cách hoàn hảo giữ được nhịp độ của phim ổn định từ đầu tới cuối khiến không giây nào mình có thể rời mắt khỏi diễn biến của nó. Cứ liên lục như lớp sóng này tới lớp sóng khác, mỗi tình huống này cứ gấp lên tình huống khác làm cho câu chuyện được kể vô cùng mượt mà và gọn gàng. Nhưng vì thế nhà làm phim phải hy sinh một số phần mà mình nghĩ nếu phim kéo dài thêm 15 phút sẽ trở nên hoàn hảo hơn.
Được rồi, đây là phần tiết lộ nội dung, bạn nên đi xem phim và trở lại đọc phần này để xem bạn có đồng tình với mình không nhé.
.
.
.
.
Mình muốn nói trước về phần đầu phim, đây là cơ hội tốt để biên kịch foreshadow về các con robot đi cùng Roz, nhưng cả phim không có một gợi ý nào về bước ngoặt vô cùng lớn này và tới khi chúng ta biết được việc này thì nó cũng được là khá là qua loa khi đây có thể là một tình huống gây xúc động mạnh và cuối cùng nó đã trôi đi một cách vô cùng nhẹ nhàng. Tiếp theo 15 phút kéo dài của phim sẽ làm được những gì? Trong khi cáo Fink hay thậm chí các nhân vật phụ khác được phát triển khá tốt thì tâm điểm của câu chuyện là tình “mẹ con” giữa Roz và vịt Brightbill, cụ thể là mâu thuẫn của họ được đẩy khá nhanh khiến chúng ta chưa kịp thấm thía gì thì đã tới lúc chia tay. Biên kịch vẫn có thể bơm thêm thời lượng cho việc vì sao vịt con Brightbill cảm thấy buồn và tủi thân khi mình khác biệt, điều mà đáng lẽ chú đã bị trong một thời gian dài, và vì sao lại chọn cách chấp nhận hoặc phủ nhận nó. Và cuối cùng là tại sao chú lại được chấp nhận mà mọi người lại yêu mến ngược lại chú lúc quay lại. Dù biết nó sẽ khiến câu chuyện lê thê, nhưng mình tin tài năng của các biên kịch nhà DreamWorks sẽ biết các xử lý nó.
Kết lại đây là một bộ phim hoàn toàn đáng xem và lâu lắm rồi mình mới có một trải nghiệm xem phim hoạt hình tuyệt vời đến vậy. Thật tuyệt khi xem nó ngoài rạp và hãy trải nghiệm nó để xem mình có nói đúng không nhé!