Lời yêu thương không cần đợi đến dịp lễ
Lời yêu thương không cần đợi đến dịp lễ
Thời gian không chờ đợi một ai
Nguyễn Hải Sơn (22 tuổi), ngụ tại 15/16 Trần Hưng Đạo, P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Mỗi ngày, dù bận rộn với công việc đến tận 22 giờ 30 phút, bản thân vẫn luôn đợi để gọi Zalo cho mẹ và chị gái. Đã gần 4 năm không sống cùng gia đình, nhưng nhờ những cuộc gọi này, mình thấy yên tâm hơn về tình hình sức khỏe của gia đình. Mình nghe giọng yêu thương của mẹ để có cảm giác ấm áp và bình yên trong lòng”.
Hải Sơn luôn dành thời gian để mua đồ cho mẹ. Những món đồ đơn giản, chàng trai biết mẹ có thể tự mua nhưng dù ở xa, chàng trai này cũng lên mạng đặt về cho mẹ. Sơn thường mua các loại bột giặt ít hại da tay, những chiếc khẩu trang hay nước xả có mùi mà mẹ yêu thích.
“Mẹ mình cũng lớn tuổi, mắt đã kém đi nhiều. Biết mẹ dùng điện thoại có ánh sáng màn hình không tốt. Dù có lúc thu nhập của mình cũng không nhiều nhưng cố gắng chi tiêu hợp lý mua một chiếc điện thoại tốt hơn để cho mẹ xem đỡ mỏi mắt. Hôm đó chẳng nhân dịp gì, mẹ nhận quà thì rất xúc động. Mình cũng vui lây”, Hải Sơn cười nói.
Với Hải Sơn, việc nói lời yêu thương hằng ngày với người thân là điều vô cùng quan trọng. Điều này, ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc đến lễ thì tặng quà nhưng hằng ngày lại không có sự quan tâm, chăm sóc.
Sắp đến Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10), Hải Sơn và chị gái đang muốn tạo bất ngờ cho mẹ. Chàng trai chia sẻ đang muốn mua một chiếc xe máy tặng cho mẹ để thuận tiện hơn trong việc đi làm xa vì chiếc xe mẹ đang dùng cũng đã cũ.
Châu Minh Tính (24 tuổi), chủ tiệm cắt tóc THE 69 barber house, ngụ tại 2/8 Phạm Minh Hòa, khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Mình sống tình cảm từ nhỏ nên rất thích cảm giác được chăm sóc bà và mẹ. Mình thường hay cắt tóc, nhuộm lại tóc cho bà khi đã bạc. Những lúc bà bệnh, mình luôn túc trực để đo huyết áp và đưa đi viện. Mình cũng thường nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà phụ mẹ”.
Với Minh Tính, việc thể hiện tình yêu thương đến người thân là điều quan trọng hơn tất cả. Chàng trai tâm sự đã rất hối hận khi không thể ở bên cạnh khi ông nội mất. Điều đó, khiến Tính luôn dành tình cảm nhiều nhất có thể cho gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi vì thời gian không chờ đợi một ai.
Minh Tính cũng thường mua quà cho bà và mẹ trong những ngày bình thường. “Biết bà nội hay đau mỏi nên mình liền mua máy massage. Mẹ thì rất thích thời trang nên mình thường đưa đi mua quần áo, giày dép mà mẹ thích”, Minh Tính bộc bạch.
Ngắm nhìn sự hạnh phúc của người thân yêu từ những điều nhỏ bé mà mình làm được, Minh Tính tâm sự: “Những món quà, tình cảm vào dịp lễ sẽ làm cho người thân vui. Nhưng đôi khi những điều đó xuất hiện bất ngờ với họ không nhân dịp gì cả sẽ khiến họ cảm thấy vui hơn rất nhiều”.
Vẫn như mọi năm, vào dịp 20.10, Minh Tính sẽ luôn đi làm về sớm để dành thời gian cho bà, mẹ và người yêu. Đồng thời, sẽ mua bánh kem thay những lời chúc tốt đẹp.
Lời yêu thương không cần chờ đến ngày lễ
Anh Châu Vĩnh Thanh (35 tuổi), chủ quán trà sữa Binglong, ngụ tại 125 Lương Định Của, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Mình từ tỉnh Vĩnh Long đến nơi này lập nghiệp cũng được 12 năm. Mẹ năm nay cũng trên 70 tuổi nên mình luôn gọi điện thoại video cho mẹ vào cuối ngày. Được ngắm nhìn, mua những món đồ cho mẹ dùng khiến mình vô cùng hạnh phúc”.
Anh Vĩnh Thanh chia sẻ thêm, bản thân không phải là người quá quan trọng những ngày lễ. Khi anh đi ra ngoài nếu thấy có quần áo đẹp hay món ăn ngon đều mua về cho mẹ. Trong chuyện tình cảm, anh và vợ cũng không quá đặt nặng vấn đề phải có quà trong ngày 8.3 hay 20.10. Anh Vĩnh Thanh nói: “Mỗi ngày, có thời gian mình luôn chở vợ đi ăn những món yêu thích. Hai vợ chồng mình không có thói quen tặng quà cho nhau vào ngày lễ. Với mình, mỗi ngày đều là lễ vì tôi luôn nói những lời yêu thương”.
Nguyễn Hồ Minh Vũ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Mình sống chung với bà từ nhỏ. Nhưng mình là đứa ít nói, nên thường sẽ quan tâm bà bằng cách đỡ đần việc nhà, thay vì nói “con yêu bà nhiều lắm!”. Lúc trước, khi còn học ở bậc THPT, chưa đi xa nhà, mình thường mua cho bà và mẹ những đồ dùng hằng ngày. Mình thấy điều đó bình thường thôi nhưng với họ là những món quà đặc biệt. Năm nay, mình vẫn sống xa nhà, nhưng cũng sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp qua tin nhắn rằng “Con chúc bà và mẹ có một ngày 20.10 thật vui vẻ”.
Lê Thị Phước Huệ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho ngày 20.10, khi cô gái không được ở nhà với mẹ. “Mình biết khi đi học xa, mẹ sẽ nhớ nhiều lắm. Vì vậy, mình gọi điện thoại về nhà để chia sẻ nhiều hơn, phần nào giúp mẹ đỡ buồn. Lời yêu thương mẹ ngày nào mình cũng nói. Bởi vì, mình biết mẹ sẽ rất vui khi được quan tâm. Mình nhớ những ngày bên mẹ cùng ăn vặt và uống trà sữa. Những dịp như 20.10, mình sẽ đặt bánh kem cho mẹ và ngồi ngắm mẹ khi gọi Zalo”, Phước Huệ chia sẻ.