Lục Ngạn (Bắc Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới

Tháng mười 15, 2024

Lục Ngạn (Bắc Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới

(Xây dựng) – Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Các cấp, các ngành huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu, đề ra các giải pháp toàn diện và phù hợp với điều kiện của địa phương, huy động hiệu quả tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới
Cơ sở vật chất khang trang ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: PV)

Lồng ghép nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có 12 xã vùng cao, toàn huyện còn 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 2. Dân số gồm 245.240 người, có 8 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 52%. Khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mức độ tiêu chí tại các xã còn thấp, bình quân toàn huyện năm 2010 mới đạt 5,4/19 tiêu chí, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 43,96 %.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục đích thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế – xã hội khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Những năm qua, UBND huyện xây dựng kế hoạch, chủ động kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc các xã rà soát tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, rà soát, xác định công trình bổ sung nâng cao chất lượng tiêu chí, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại cơ sở, định hướng giúp các xã đưa ra các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đã tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đến các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Tăng cường quán triệt Nghị quyết của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh, đưa nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị, thường xuyên trong sinh hoạt thường kỳ; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các buổi sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng dân cư để nhân dân có nhận thức đúng về lợi ích, ý nghĩa của chương trình, về vai trò chủ thể của mình và tích cực tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất…

Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, triển khai nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư như: Mô hình “Bảo đảm vệ sinh môi trường”, “Tổ an ninh trật tự”, “Khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp” và các phong trào thi đua giữa các địa phương, thôn xóm, hộ gia đình để phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện phong trào thi đua “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2024, trên địa bàn huyện đã vận động nhân dân đối ứng được trên 5,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; Đồng thời, các xã đã huy động nhân dân đóng góp ngày công, vận động các hộ dân hiến đất để thi công các công trình xây dựng nông thôn mới của thôn, xã.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới
Quang cảnh sạch đẹp ở huyện Lục Ngạn. (Ảnh: PV)

Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình từ huyện đến cơ sở; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ tại cơ sở; phối hợp với Văn phòng điều phối tỉnh tổ chức 03 lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí, những điểm mới trong thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; các cơ chế chính sách thực hiện Chương trình; hướng dẫn thực hiện duy trì, nâng cao tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với 164 học viên của các xã, thôn tham gia.

Bà Vương Thị Huế, Trưởng thôn kép 1, xã Hồng Phong thông tin: “Để các hoạt động xây dựng nông thôn mới thành công, cần khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức mạnh của cộng đồng, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, dẫn dắt cộng đồng vượt qua những khó khăn, tích cực tham gia xây dựng nông thông mới là điều hết sức quan trọng. Phát huy vai trò của người Trưởng thôn, tôi đã gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn, nhất là trong công tác giảm nghèo, hiến đất làm đường giao thông, đóng góp ngày công lao động…”.

Những việc làm thiết thực, cụ thể của Trưởng thôn đã tác động trực tiếp đến người dân, giúp họ nhận thức rõ chính người dân là đối tượng thụ hưởng những kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong thôn tích cực trồng hoa, cây xanh ven đường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, lắp điện chiếu sáng các tuyến đường liên thôn, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở thôn, xã khi triển khai đều sớm hoàn thành, tạo diện mạo khang trang, đồng bộ, hiện đại cho nông thôn trong xã.

Kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua

Với nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến hết năm 2023, huyện Lục Ngạn đã đạt 18/29 xã nông thôn mới, 04 xã nông thôn mới nâng cao, 11 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Chung sức xây dựng nông thôn mới
Nhân dân huyện Lục Ngạn chung sức, đóng góp công lao động xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: PV)

Năm 2024, huyện phấn đấu 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tân Sơn), 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Giáp Sơn, xã Nam Dương). Tới nay, xã Tân Sơn đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, xã Giáp Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Nam Dương xã đã đạt 18/19 tiêu chí.

Đối với cấp thôn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 03 thôn: Đến nay, 03 thôn đã có quyết định công nhận (thôn Lam Sơn, xã Kiên Thành; thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn; thôn Hòa Mục, xã Mỹ An), đạt tỷ lệ 100% kế hoạch năm. Số thôn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới là 05 thôn: Đến nay, 02 thôn đã có quyết định công nhận (thôn Họa, xã Cấm Sơn; thôn Phố Chợ, xã Tân Sơn), đạt 40% kế hoạch năm. Còn 03 thôn (thôn Cầu Vồng, xã Phú Nhuận; thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp; thôn Ruồng, xã Đèo Gia). Dự kiến đầu tháng 11/2024 thẩm định.

Bà Vũ Thị Hường, người dân xã Trù Hựu vui mừng chia sẻ: “Từ khi huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng nông thôn ở xã đã có nhiều tuyến đường, trường học, nhà văn hóa… được cải tạo và xây dựng mới, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng được quan tâm, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp”, từ đó bản thân nhận thức được xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực cùng nhiều việc làm thiết thực của các cấp ủy, chính quyền huyện; sự hưởng ứng, đồng thuận cao, chung sức xây dựng nông thôn mới của nhân dân trong huyện. Tới nay cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, đời sống tinh thần nhân dân được cải thiện, vùng nông thôn huyện miền núi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từng bước trở thành miền quê đáng sống.