Làm sao để ngừng tốn thời gian vào những cuộc tranh luận vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội?

Tháng mười 18, 2024

Bạn đã từng đáp trả qua lại với những người không hề quen biết, không hề liên quan hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình vì một vấn đề nào đó trên mạng xã hội? Mình cũng từng như thế, nhưng đã dừng làm điều đó từ lâu. Thậm chí mình còn đi xa hơn khi không còn tùy tiện gõ phím để bình phẩm hay đánh giá người khác.
Tại sao lại như vậy? Tất cả là vì một bộ phim.

Sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ còn 1000 từ để nói trong suốt phần đời còn lại?

Đó là vấn đề mà bộ phim có tên “A Thousand Words” (Tựa Việt: “Nghìn Từ Cuối”) đặt ra. Giáo viên dạy môn Kỹ Năng Giao Tiếp của mình đã giới thiệu bộ phim này với cả lớp. Mục đích của cô ấy là muốn chúng mình hiểu về cách mà chúng ta giao tiếp với nhau, không chỉ qua lời nói.

Poster phim “Nghìn Từ Cuối” |Nguồn: Internet
Bộ phim xoay quanh một người bán hàng xuất sắc tên Jack McCall. Nhờ tài ăn nói, Jack dễ dàng thăng tiến trong công việc và xây dựng được sự nghiệp thành công. Tuy nhiên, những gì Jack nói thường là những điều vô nghĩa và không có chiều sâu. Anh cũng không ngần ngại đưa ra những lời hứa suông và sẵn sàng nói dối để đạt được mục đích.
Vì thói quen ăn nói tùy tiện này mà Jack đã gặp rắc rối với một cái cây kỳ lạ trong vườn của vị thầy tâm linh nổi tiếng — Dr. Sinja. Cái cây đã đột nhiên xuất hiện trong vườn nhà Jack và có mối liên kết chặt chẽ với anh. Mỗi lần Jack nói một từ, nó sẽ rụng một chiếc lá. Khi cây rụng hết lá, cuộc đời của Jack cũng sẽ kết thúc.
Câu hỏi “Nếu 1000 từ là giới hạn còn lại trong đời, tôi sẽ nói gì?” cứ làm mình suy nghĩ mãi. Mở rộng vấn đề ra, mình muốn thảo luận về cách mà chúng ta giao tiếp với nhau bằng lời nói trong đời sống hiện tại và cách mà chúng ta sử dụng lời nói – nguồn tài nguyên không giới hạn – để đạt được những điều nằm ngoài mục đích giao tiếp.

Từ sự thận trọng trong đời thực đến sự tuỳ tiện trên không gian ảo.

Hai hình thức được chúng ta sử dụng nhiều nhất chính là nói và viết. Mình sẽ tạm phân loại chúng ra làm giao tiếp trực tiếp (lời nói) và gián tiếp (chữ viết).

“Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” – Lời dạy mà ai cũng thuộc lòng.

Việc được dạy phải thận trọng với lời nói của mình không còn xa lạ gì với chúng ta. Thực tế, các nghiên cứu trong lĩnh vực giao tiếp xã hội học và tâm lý học cũng đã chỉ ra xu hướng thận trọng, dè dặt, nhún nhường hơn của con người ở các tình huống giao tiếp trực diện.
1. Impression Management trong tương tác trực tiếp: Một nghiên cứu của Leary và Kowalski (1990) về “Impression Management” cho thấy rằng khi giao tiếp trực tiếp, con người thường lo lắng về việc tạo ấn tượng tốt và tránh xung đột. Điều này dẫn đến việc họ thận trọng hơn trong lời nói, tránh các lời phê bình trực diện hoặc các biểu hiện gây tranh cãi. Sự dè dặt này là kết quả của áp lực xã hội trong các tình huống mặt đối mặt.
2. Lý thuyết khuôn mặt (Face theory): Theo lý thuyết này của Brown và Levinson (1987), trong giao tiếp trực tiếp, mọi người thường cố gắng duy trì “khuôn mặt” – nghĩa là giữ thể diện cho bản thân và người đối diện. Điều này thường dẫn đến các hành vi nhún nhường và thận trọng nhằm tránh làm tổn thương “khuôn mặt” của người khác và duy trì sự hòa nhã trong giao tiếp.
3. Lý thuyết về tự giám sát (Self-monitoring theory): Lý thuyết này cho rằng một số cá nhân có mức độ tự giám sát cao sẽ có xu hướng điều chỉnh hành vi của mình trong các tình huống giao tiếp, đặc biệt là trong giao tiếp trực tiếp. Nghiên cứu của Snyder (1974) cho thấy những người có mức độ tự giám sát cao thường có xu hướng nhún nhường và điều chỉnh hành vi để phù hợp với môi trường xã hội.
Vậy là chúng ta đã thấy rằng mặc dù đời thực không giống như bộ phim “A thousand words” mà mình vừa giới thiệu, tất cả mọi người đều sẽ cẩn thận hơn với những gì thốt ra từ miệng mình khi trò chuyện trực tiếp với người khác. Không chỉ bởi vì chúng ta hiểu sức ảnh hưởng to lớn của lời nói, mà còn vì ta bị những quy tắc ứng xử trong xã hội, cùng với những hiện tượng tâm lý tự nhiên ràng buộc.

Khi nguồn tài nguyên không giới hạn gặp được phương tiện chuyên chở không hạn định.

Ngôn ngữ, tuy là một nguồn tài nguyên không giới hạn, nhưng phương tiện truyền thông thì có (ít nhất là trước đây).
Vào thời cổ đại, người Sumer và người Ai Cập truyền đạt thông tin trên các bảng đất sét, giấy cói, hoặc đá. Và nội dung truyền đạt của họ là những thứ vô cùng quan trọng như tri thức cộng đồng, luật pháp, tôn giáo.
Hay chỉ cần lấy một ví dụ đơn giản là thư viết tay. Bạn nghĩ mình sẽ viết những gì trong lá thư gửi cho một người thân ở xa? Chắc chắn bạn không thể kể những chuyện “lông gà vỏ tỏi” với người nhận thư. Thay vào đó, bạn sẽ cân nhắc từng câu chữ mình viết. Bởi vì không gian biểu đạt mà một lá thư cung cấp cho bạn là rất hạn chế.
Nhưng Internet đã thay đổi toàn diện cách truyền tải thông tin. Vì nó không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa người gửi và người nhận mà còn mở ra sự truyền thông tức thời trên quy mô toàn cầu. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, và Instagram đã mở rộng cách giao tiếp cá nhân và tập thể.
Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã cho chúng ta một không gian vô cùng rộng lớn để cất lên tiếng nói của mình, nhưng cũng chính bởi vì sự tiện lợi và không giới hạn của lượng thông tin mà mỗi người có thể truyền đạt, chúng ta trở nên tuỳ tiện hơn.

Mạng xã hội – Nơi sự tuỳ tiện trong lời nói lên ngôi.

Nhiều nghiên cứu đã so sánh hành vi trong giao tiếp trực tiếp và giao tiếp trực tuyến. Một nghiên cứu của Sproull & Kiesler (1986) chỉ ra rằng khi giao tiếp trực tuyến (qua email hoặc tin nhắn), con người thường thẳng thắn và đôi khi kém nhún nhường hơn so với khi gặp gỡ trực tiếp, do sự vắng mặt của các dấu hiệu phi ngôn ngữ và phản hồi tức thời từ người đối diện.
Nhưng theo mình, mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta xem xét những gì người ta nói với nhau trên mạng xã hội. Vài ngày trước, mình đọc được hai comment (bằng tiếng Nhật) của một người Nhật và một người Việt bên dưới clip nấu một món ăn Việt Nam trên YouTube như thế này:
Bỏ thời gian để dịch câu bình luận trên ra tiếng Nhật hoặc thậm chí là học tiếng Nhật chỉ để nói một điều không cần thiết như thế có đáng hay không? | Ảnh chụp màn hình bởi người viết

Bỏ thời gian để dịch câu bình luận trên ra tiếng Nhật hoặc thậm chí là học tiếng Nhật chỉ để nói một điều không cần thiết như thế có đáng hay không? | Ảnh chụp màn hình bởi người viết
Mình tự hỏi mục đích của người viết bình luận thứ hai là gì. Trao đổi thông tin? Không. Thể hiện cảm xúc? Không. Nếu là Self-presentation – thường xuất phát từ mong muốn được công nhận, tôn trọng, yêu mến thì mình nghĩ họ chưa đạt được mục đích. Đọc xong những lời đó, mình chỉ thấy đây là một người ấu trĩ và vô duyên mà thôi. Không cần biết điều họ nói có đúng hay không, nhưng comment này thật sự không cần thiết.
Đối với mình, đây không còn là thẳng thắn và không nhún nhường nữa, mà là một sự tuỳ tiện trong giao tiếp đến từ cảm giác an toàn mà không gian ảo đem lại. Đích đến sau cùng của người comment, không phải là những mục đích giao tiếp thông thường, mà là sự thoả mãn của cái tôi được vuốt ve bởi cảm giác ưu việt núp bóng căn tính dân tộc.
Đây chỉ là một trong vô vàn bình luận được viết ra một cách tuỳ tiện trên mạng xã hội. Khắp nơi, mình thấy người ta tấn công, hạ thấp, chửi bới người khác mà chẳng cần lý do gì cả.
Dường như những cảm xúc tiêu cực không thể bộc lộ trong đời sống thực tế đã được người ta “số hoá”, và rồi như một loại virus độc hại, sự tiêu cực không những lan tràn trên Internet mà còn ảnh hưởng ngược lại cuộc sống thực bên ngoài màn hình.

Hãy đặt ra 3 cổng kiểm duyệt ngôn từ tự thân.

Đúng là chúng ta có những quy tắc cộng đồng khi tham gia vào bất cứ nền tảng mạng xã hội nào. Nhưng mình ngờ rằng những quy tắc đó không giúp cho người ta suy xét kỹ hơn trước khi gõ phím. Rõ ràng, lằn ranh giữa tự do và tuỳ tiện rất mong manh. Phạm vi của những điều nên và không nên nói cũng không rạch ròi như trắng và đen. Chỉ có sự nhận thức của mỗi người mới đủ khả năng quyết định đâu là giới hạn cho lời nói của mình.
Những cuộc tranh luận trên mạng là khó có thể tránh khỏi. Nhưng đã từ lâu mình không còn tranh luận với người khác. Bởi vì mình đặt ra cho mình “ba cổng kiểm soát an ninh” cần phải vượt qua.
Tại sao tôi lại nói những điều này? Có phải là để trao đổi thông tin, để thuyết phục và ảnh hưởng, để thể hiện sự đồng tình hoặc phản đối? Có cần thiết phải nói ra hay không?Những điều tôi nói có lợi ích gì, và lợi ích đó là dành cho những ai? Dù cho có là phản đối ý kiến của người khác thì khi chỉ ra những điều mà tôi cho là chưa hợp lý ở lập luận của họ, tôi cần phải chắc rằng những gì mình nói có lợi cho chính người đó và tất cả những người nào sẽ đọc được bình luận của tôi.Có sự tham gia của cái tôi cá nhân trong việc này hay không? Tức là, có phải tôi phát biển ý kiến để thể hiện bản thân (kiến thức, trải nghiệm, insights), từ đó tạo cho tôi cảm giác ưu việt hơn người khác? Nếu phải thì tôi phải dừng lại lập tức.
Mình gọi đây là “3 cổng kiểm duyệt ngôn từ tự thân”, bạn cũng có thể sử dụng một trích dẫn sau đây của Đức Phật làm tiêu chuẩn cho riêng mình:
Before you speak, let your words pass through three gates: Is it true? Is it necessary? Is it kind?”
Tạm dịch: “Trước khi cất tiếng, hãy để lời nói của bạn đi qua ba cánh cổng: Điều đó có đúng không? Nó có cần thiết không? Có tử tế không?”

Lời kết

Sau cùng, mình nghĩ là chúng ta nên giữ khái niệm về 1000 lời cuối trong tâm trí. Dẫu cho ngôn ngữ là thứ không bao giờ cạn kiệt. Mỗi người vẫn nên đặt ra giới hạn, bằng cách lập ra một quỹ dự phòng khẩn cấp lấy tên là “Một nghìn từ cuối.”
Khi nào thì cần động đến quỹ này? Chỉ trong những tình huống thật sự cần thiết mà thôi. Nhưng thế nào là một tình huống “cần thiết”? Mỗi người sẽ tự mình xác định.
Cứ coi như ta đang thật sự gặp phải vấn đề như anh chàng Jack McCall: nếu tuỳ tiện sử dụng hết 1000 từ cuối đó, ta sẽ chẳng còn gì để nói nữa.
Nói ít hơn, không chỉ giúp bạn đỡ phí thời gian vào những cuộc tranh luận vô thưởng vô phạt, mà còn cho bạn cơ hội để lắng nghe nhiều hơn. Mình tin rằng những ai tuỳ tiện trong lời nói, sẽ dần trở nên rỗng tuếch. Người rỗng tuếch thì chẳng có gì giá trị để chia sẻ.
Fairy tells,
18/10/2024.
Xin chào, mình là Fairy. Hàng tuần mình sẽ viết bài review sách và các bài viết về viết lách, cũng như phát triển bản thân trên Facebook. Nếu các bạn cũng đam mê đọc, viết và phát triển bản thân giống mình thì hãy ghé thăm mình tại blog “” nhé. Hẹn gặp lại!