Người dân Cần Thơ chật vật ứng phó với triều cường
Người dân Cần Thơ chật vật ứng phó với triều cường
(Xây dựng) – Những ngày qua, triều cường tại Cần Thơ tiếp tục lên cao vượt báo động III, làm nhiều tuyến đường ngập sâu, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Theo ghi nhận của PV, từ chiều tối 17/10, triều cường kết hợp cơn mưa lớn kéo dài đã khiến một số tuyến đường nội ô thành phố Cần Thơ bị ngập nặng. |
Tại một số tuyến đường, nhiều phương tiện bị chết máy được người đi đường hỗ trợ đẩy qua khu vực nguy hiểm. Các hộ kinh doanh vất vả di chuyển hàng hóa, đồ đạc để tránh ngập nước.
Một số khu vực triều cường lên đến 0,5m khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. |
Nước không chỉ gây ngập các tuyến đường, mà còn tràn vào nhà dân dù ngay trung tâm đô thị. Sinh hoạt của bà con bị ảnh hưởng và xáo trộn nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng Cần Thơ đã huy động hầu hết các lực lượng công an, xung kích, thanh niên tình nguyện túc trực tại các điểm ngập để giúp đỡ người dân khi có sự cố.
Một số hộ đã dùng các biện pháp che chắn để ngăn không cho nước tràn vào nhà. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) thành phố Cần Thơ, mực nước triều cường rằm tháng 9 âm lịch đã lên cao vượt báo động III. Dự báo, triều cường tiếp tục vượt báo động III trong những ngày sắp tới, các vùng trũng thấp, ven sông rạch sẽ bị ngập sâu do triều.
Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đề nghị các thành viên, UBND quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triều cường, đồng thời rà soát, cập nhật phương án ứng phó phù hợp.
Trong đó, các địa phương tập trung rà soát phương án sơ tán dân ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt, sạt lở đất; chủ động, tăng cường chỉ đạo công tác chống ngập lụt trong đợt triều cường này và sắp tới; tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị và triển khai phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng, nhất là đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao; củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó cho lực lượng phòng, chống thiên tai cơ sở để ứng phó kịp thời sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng, tránh thiên tai, hạn chế ảnh hưởng do triều cường, mưa, bão; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi phù hợp…