Bình Thuận: Phân công, chỉ đạo bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác

Tháng mười 20, 2024

Bình Thuận: Phân công, chỉ đạo bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác

(Xây dựng) – Bình Thuận thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản còn phức tạp, thiếu hợp lý và bền vững, chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo rõ, giao nhiệm vụ cho từng địa phương về nhiệm vụ bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác.

Bình Thuận: Phân công, chỉ đạo bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác
Bình Thuận có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng: Quặng sa khoáng titan, cát trắng thạch anh, wofram, đá ốp lát, sét bentonit, nước khoáng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn xảy ra nhiều nơi ở Bình Thuận; đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: Cát bồi nền, cát xây dựng.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về khoáng sản, nhất là cấp huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chuyên môn. Bên cạnh đó địa bàn tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, một số loại khoáng sản phân bố rộng khắp gây khó khăn trong công tác bảo vệ khoáng sản.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều kế hoạch để bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, xử lý triệt để khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống người dân địa phương

Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ngành có liên quan, các cấp chính quyền huyện, xã trong việc cung cấp, xử lý thông tin…

Theo đó, UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời lên UBND cấp huyện khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời lên UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường khi phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vượt thẩm quyền xử lý và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đối với UBND cấp huyện giáp ranh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trường hợp không thực hiện báo cáo UBND tỉnh xử lý.