Nói gì về Netflix series: What’s Next? The Future with Bill Gates

Tháng mười 24, 2024

Episode 1: “What will AI do for us/to us?”

AI có thể làm được gì cho thế giới chúng ta trong tương lai? 

Sở hữu khả năng thu thập dữ liệu, tự học và tự sửa lỗi với tốc độ đáng kinh ngạc, AI đã, đang và sẽ góp phần cải tiến nhiều ngành nghề, đặc biệt là y tế và giáo dục. 

Trong giáo dục, AI cũng đã thể hiện “khả năng vượt trội” của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nền giáo dục hiện nay đã được “đổi mới” với sự giúp sức của AI tập trung vào việc cá nhân hóa học tập (cho người học), tối ưu hóa phương pháp giảng dạy, hỗ trợ lớp học hiệu quả, năng động hơn (cho người dạy và người tự học). 

Một trong những trợ giúp đắc lực khác của AI không thể không kể đến là khả năng giúp tự động hóa và tối ưu hóa quy trình, giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn trong sản xuất, giao thông (nổi trội là xe tự lái), môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề xã hội, chính trị quan trọng. 

Episode 2: Truth or Consequences?

Thật tình thì mình không có nhiều điều để nói về tập này. Hoặc là mình không hiểu sâu về nội dung vì mình không có đủ kiến thức nền, hoặc nội dung tập này thực sự chỉ xoay quanh việc thế giới chúng ta đang sống đang tràn ngập thông tin sai lệch, bịa đặt, những thuyết âm mưu với quy mô lớn, mà internet đang bị quy trách nhiệm chứ không phải một cá nhân, tổ chức nào.

Ở không gian mạng, người ta lan truyền những thông tin mà có thể chính bản thân họ cũng không biết liệu đó có phải là sự thật hay không. Cũng ở đó, người ta tự do bịa đặt rồi lan truyền nó như thể nó là sự thật. Sở dĩ chúng ta dễ bị thao túng bởi những thông tin sai lệch là vì chúng ta không đủ kiến thức về công nghệ, thiếu hiểu biết về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề xã hội. Như một vòng lặp, khi thiếu kiến thức và dễ dàng tin vào thông tin không có cơ sở, chúng ta có xu hướng suy luận tiêu cực, lo sợ. Càng lo sợ càng có hành vi lan truyền tiếp thông tin mà không có bất cứ nền tảng nào.

Câu hỏi đặt ra là bạn muốn tự do ngôn luận hay muốn loại bỏ nội dung độc hại/ không đúng sự thật? 

Ai sẽ là người đặt ra giới hạn giữa quyền tự do biểu đạt và tác hại thực sự của thông tin sai lệch với thế giới?

Biến đổi khí hậu, vô cùng rõ ràng, đang gây nên những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Bằng chứng cho điều này rõ ràng đến mức chẳng cần một lời biện minh từ bất cứ cá nhân, tổ chức, chính phủ nào – khi cả con người và muôn loài sinh vật lớn bé đều chung phần thiệt hại. 

Bill Gates cùng giới chuyên gia khẳng định cần thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ mới. Một số dự án ông đang đầu tư bao gồm công ty năng lượng hạt nhân (TerraPower), công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng sạch, công nghệ làm sạch bầu khí quyền,… Không những thế, tầm nhìn của ông còn xa hơn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Nói một cách lạc quan, khi những công nghệ hiện tại không thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu thì nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới mở ra tương lai của mục tiêu net zero.

Episode 4: Can you be too rich?

“Của cải đi đôi với trách nhiệm.”

Tuy trong tập phim, Bill Gates chỉ tập trung nói về thực trạng bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ, nhưng ở hiện tại, thực trạng này tồn tại trong mọi xã hội, ở mọi quốc gia trên thế giới. Khoảng cách giàu nghèo đã không ngừng gia tăng theo thời gian – kinh tế càng phát triển, khoảng cách càng lớn. Tính đến nay, chỉ khoảng 1,1% dân số (tỷ phú có tài sản ròng trên 1 triệu USD) đang kiểm soát gần một nửa tổng tài sản toàn cầu. Một mức độ chênh lệch đáng kinh ngạc!

Tuy nhiên, một khi khoảng cách thu nhập trở nên quá lớn như hiện tại thì lại gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho xã hội, bao gồm bất bình đẳng cơ hội, bất ổn xã hội và giảm khả năng tiếp cận những tài nguyên cơ bản (giáo dục, y tế, cơ hội việc làm,…). Nhóm có thu nhập cao sở hữu tài sản quá lớn cũng sẽ có cho mình quyền lực nhất định, có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế và xã hội, vô tình rút bớt cơ hội cho những nhóm người còn lại. Một trong những hệ quả nghiêm trọng hơn là phân cực xã hội. Khoảng cách giàu nghèo phân chia tầng lớp xã hội. Khoảng cách quá lớn dẫn đến các tầng lớp có góc nhìn, quan điểm khác nhau đến mức không thể hòa giải về mọi khía cạnh (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…). Từ đó, có thể xảy ra bạo lực, tội phạm và bất ổn chính trị, bất ổn xã hội.

Vậy, sở hữu tài sản quá mức có vấn đề gì không? Liệu đánh thuế cao hơn đối với người giàu có phải là một giải pháp hợp lý cho họ và cho xã hội hay không? Cá nhân giàu có và tập đoàn với khối tài sản kếch xù có thể có trách nhiệm đạo đức nào đối với cộng đồng không?

Chính phủ các nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng thu nhập khi phải cân nhắc đưa ra các chính sách cân bằng, phân định chính sách nào là cưỡng chế, chính sách nào là tự nguyện để tránh những bất mãn quá lớn cho nhóm có thu nhập cao.

Episode 5: Can We Outsmart Disease?

Dịch bệnh – đại dịch đã trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của loài người ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra rằng nhân loại có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh mới hơn trong tương lai do sự tiến khuẩn, biến đổi khí hậu, sự dịch chuyển và toàn cầu hóa. Nội dung tập này xoay quanh những tiềm năng và đột phá mà khoa học, công nghệ như AI, công nghệ gene, và vắc-xin có thể giúp ngăn chặn, vượt qua dịch bệnh. Song song đó là những câu hỏi xoay quanh vấn đề đạo đức trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến này.

Một tiến bộ khoa học quan trọng được nhắc đến nhiều trong tập này là công nghệ gene/ chỉnh sửa gene ứng dụng trong y học và trong công cuộc đẩy lùi các loại dịch bệnh. Công nghệ gene có tiềm năng cứu chữa bệnh cực lớn với khả năng loại bỏ các bệnh di truyền và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, góp phần trong việc nghiên cứu vắc-xin.

Càng nhiều câu hỏi đạo đức được đặt ra, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu và chính phủ càng lớn. Đối với các nhà khoa học, họ cần phải cân nhắc trong quá trình nghiên cứu để đảm bảo rằng các công nghệ mới không chỉ là bước đột phá về mặt kỹ thuật, mà còn phải ưu tiên tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Các chính sách và quy định pháp lý của các chính phủ cũng đóng vai trò tối quan trọng trong việc giữ cho phát triển công nghệ nằm trong “vòng pháp luật” lẫn “vòng tiêu chuẩn đạo đức”, đảm bảo chúng không bị lạm dụng hoặc dùng sai mục đích. Doanh nghiệp và tổ chức y tế cũng là một “mắt xích” trong chuỗi bảo vệ công nghệ tiên tiến thực hiện đúng sứ mệnh mà nó được nghiên cứu và phát triển. Bất cứ mắt xích nào trong chuỗi này bị “nới lỏng” cũng khiến cho một công nghệ mới đi sai mục đích, gây ảnh hưởng vô cùng lớn cho cá nhân, tổ chức, xã hội và cả những thế hệ tương lai.

Khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi vượt bậc cho nhân loại. Song song đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến một cách sáng suốt và có đạo đức. Chúng ta có thể không chắc chắn về tương lai mà AI mang lại, nhưng tương lai chắc chắn phụ thuộc vào cách chúng ta sáng tạo, điều khiển và quản lý công nghệ. Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo cần được sử dụng đúng cách để đạt được sự tiến bộ, công bằng và phát triển bền vững.