Phát triển kinh tế, xã hội vùng biên Đồng Tháp từ xây dựng hệ thống thương mại, chợ khu vực biên giới

Tháng mười 28, 2024

Phát triển kinh tế, xã hội vùng biên Đồng Tháp từ xây dựng hệ thống thương mại, chợ khu vực biên giới

(Xây dựng) – Hiện nay, các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang được chú trọng phát triển, góp phần vào sự phát triển đời sống kinh tế – xã hội cho nhân nhân địa bàn hai bên biên giới.

Trong thời gian vừa qua, hệ thống thương mại khu vực biên giới Đồng Tháp đã được tỉnh chú trọng tập trung đầu tư. Theo đó, thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, hiện tại tỉnh có 2 siêu thị (Coopmart Hồng Ngự và Mini Go Hồng Ngự), 31 chợ trong quy hoạch được phân hạng và 6 cửa hàng tiện lợi. Trong giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh đã đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo 11 chợ với kinh phí thực hiện 38,2 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế, xã hội vùng biên Đồng Tháp từ xây dựng hệ thống thương mại, chợ khu vực biên giới
Vùng biên giới thành phố Hồng Ngự đang phát triển từng ngày.

Từ tháng 4/2022, việc mở lại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prây-Veng đã tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được khôi phục. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện công bố danh mục cửa khẩu phụ được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gồm: cửa khẩu phụ Sở Thượng (Ba Nguyên) và cửa khẩu phụ Thông Bình.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 304 triệu USD (xuất khẩu đạt 40 triệu USD, nhập khẩu đạt 264 triệu USD); dự kiến đến cuối năm 2024 ước đạt 570 triệu USD, tăng 82,7% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 312 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới chủ yếu: cá sống, dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi các loại, phân bón các loại, trái cây… Hàng hóa nhập khẩu qua biên giới chủ yếu là các sản phẩm lúa, xoài, đường tinh luyện…

Các địa phương tại khu vực biên giới cũng đã tích cực triển khai, định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch sinh thái, du lịch gắn với làng nghề, di tích; tích cực hoàn thiện sản phẩm du lịch và đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm tour, tuyến du lịch tuyến biên giới, tuyến đường thủy Cần Thơ – Pnôm Pênh (Campuchia), tour Việt Nam – Campuchia – Thái Lan; phối hợp xây dựng chương trình Tour Caravan sắc màu vùng biên – Đất Sen hồng…

Hiện nay, các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang được chú trọng phát triển, góp phần vào sự phát triển đời sống kinh tế – xã hội cho nhân nhân địa bàn hai bên biên giới, theo đó, những chợ biên giới này thu hút trung bình 200 – 300 người dân phía đối diện biên giới sang chợ trong ngày. Các chợ được bày bán các mặt hàng nông sản, thủy sản… và nhiều đặc sản vùng miền, mỗi chợ đều mang một nét văn hóa đặc sắc riêng biệt.

Được biết tới là một trong những khu chợ cá đồng lớn ở khu vực huyện biên giới Hồng Ngự, chợ Thường Phước có các mặt hàng chủ yếu là các loại thủy sản được ngư dân đánh bắt ở các cánh đồng ngập nước của khu vực đầu nguồn Hồng Ngự và các khu vực lân cận. Khi nước lũ tràn về cũng là lúc các chợ vùng biên trong tỉnh trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Những sản vật mùa nước nổi miền Tây như: cá linh, tôm, bông súng, bông điên điển… không chỉ là món ăn ngon mà còn là đặc sản hiếm có do thiên nhiên ban tặng và là nguồn thu nhập đáng kể của người dân vùng biên giới. Chợ cá Thường Phước không đơn thuần là nơi mua bán mà còn có những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của người dân vùng đầu nguồn, mang những giá trị văn hóa gắn liền với người dân miền Tây…

Phát triển kinh tế, xã hội vùng biên Đồng Tháp từ xây dựng hệ thống thương mại, chợ khu vực biên giới
Chợ Thường Phước có các mặt hàng chủ yếu là các loại thủy sản được ngư dân đánh bắt ở các cánh đồng ngập nước của khu vực đầu nguồn Hồng Ngự và các khu vực lân cận.

Ngoài ra, chợ Cả Sách (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nằm cách đường biên chỉ 1km, chợ buôn bán đa dạng nhiều loại mặt hàng… Tuy đây là nhánh chợ lẻ nhưng hàng bán phục vụ cho người dân vùng biên hai nước Việt Nam và Campuchia. Sức mua hai bên tương đương như nhau 50/50.

Từ những kết quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp ngày càng chú trọng phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, phát huy tiềm năng kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm kết nối với các vùng lân cận và nước bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới, khuyến khích người dân đẩy mạnh giao thương, trao đổi hàng hóa trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng biên.