Ninh Bình: Công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”

Tháng mười 28, 2024

Ninh Bình: Công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”

(Xây dựng) – Ngày 28/10, tại Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật Đại học Quốc gia Hà Nội và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã tổ chức Hội nghị công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”.

Ninh Bình: Công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”
Các đại biểu tham dự Hội nghị công bố Đề án.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Việc nhận diện, đánh giá chính xác giá trị kinh tế – thương hiệu Di sản thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng mà còn giúp đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt cần thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, thành phố sáng tạo trong tương lai của tỉnh Ninh Bình.

Việc lượng giá giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số và cũng không chỉ đơn thuần là một công cụ để đánh giá giá trị kinh tế, mà quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Thông qua dự án này làm sâu sắc các giá trị phức hợp của tổng thể di sản đó là: Hệ sinh thái tự nhiên; giá trị lịch sử – văn hóa; di sản định cư; giá trị lan tỏa thương hiệu. Kết quả Đề án sẽ được công bố quốc tế về mặt khoa học và từ đó tạo cơ sở để UNESCO kết nối các tổ chức quốc tế có uy tín, cùng công bố giá trị tổng thể của di sản theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ninh Bình: Công bố Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”
Kết quả của Đề án sẽ là cơ sở giúp các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Bình và các bên liên quan đưa ra các sách lược và kế hoạch hành động cụ thể để phát huy thế mạnh thương hiệu Quần thể danh thắng Tràng An.

“Kết quả nghiên cứu định lượng của Đề án sẽ là cơ sở để chúng ta xây dựng các chính sách, chiến lược, dự án trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu của Quần thể danh thắng Tràng An một cách hiệu quả, bền vững và hài hòa, giúp cho các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Bình và các bên liên quan đưa ra các sách lược và kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, cải thiện và đổi mới cách thức để quản lý nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới 1972”, ông Bùi Văn Mạnh cho biết thêm.

Để triển khai thực hiện thành công đề án có ý nghĩa này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đề nghị: Các Sở, ban, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương trong khu di sản tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, dự báo, cập nhật thông tin và xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững di sản. Phải đảm bảo rằng mọi hoạt động khai thác, phát triển du lịch đều không ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị di sản.

Cùng với đó mong muốn các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm phối hợp nghiên cứu, theo dõi và đưa ra các giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho việc quản lý và khai thác bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; đưa ra một tầm nhìn dài hạn, đảm bảo rằng Quần thể danh thắng Tràng An sẽ được bảo tồn và phát triển không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho tương lai.

Ngoài ra, đề nghị các doanh nghiệp khai thác du lịch trong khu di sản phải thực hiện nghiêm các quy định, quy chế quản lý di sản; có chương trình, chính sách ưu tiên phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch than thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái trong khu di sản; nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp; xây dựng văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu của khu di sản và của tỉnh và đồng thời giữ gìn, bảo tồn môi trường thiên nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản.

Đề nghị Văn phòng UNESCO Hà Nội, Trung tâm Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn của UNESCO và chuyên gia quốc tế phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch và Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thực hiện và công bố kết quả Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”, trên cơ sở đó tiến tới xây dựng một tuyên bố Tràng An hoặc cao hơn là Hiến chương về Di sản Thế giới hỗn hợp Tràng An.