Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

Tháng mười 29, 2024

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

(Xây dựng) – Đền thờ Lý Nam Đế thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là một di tích lịch sử quốc gia quan trọng, nằm trong Khu di tích Lý Nam Đế. Đây là những bằng chứng lịch sử, minh chứng cho tư duy chiến lược về chính trị, chủ quyền lãnh thổ, ý chí quật cường, khát vọng độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam và cần tiếp tục được giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Bí thư Thành ủy thành phố Phổ Yên Bùi Văn Lương kiểm tra công tác chuẩn bị cho Lễ khánh thành đền thờ Lý Nam Đế.

Đền thờ Lý Nam Đế là trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích Lý Nam Đế

Quần thể khu di tích lịch sử Lý Nam Đế thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng… Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Lý Nam Đế như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương… Trong đó, đền Mục là di tích lịch sử tiêu biểu thờ Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp là di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng là nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với Vua.

Riêng đối với đền thờ Lý Nam Đế (còn gọi là đền Mục) nằm trên địa phận của tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên được coi là một trong những di tích quan trọng liên quan đến việc phát tích quê hương gốc của Lý Nam Đế.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Hiện trạng di tích đền thờ Lý Nam Đế tại tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong trước khi được trùng tu, tôn tạo.

Vua Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, ông là người đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam xưng Hoàng đế, sánh ngang hàng với các bậc Hoàng đế Trung Hoa ở phương Bắc lúc bấy giờ, người có công to lớn khai sinh ra nước Vạn Xuân, tiền thân của nước Việt Nam ngày nay. Theo tư liệu điền dã thực địa và các thần tích, truyền thuyết còn lưu giữ, các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đã kết luận Lý Bí được sinh ra tại làng Cổ Pháp xưa, thuộc Châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên. Tương truyền khi ông được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, cùng ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong để nuôi dưỡng. Năm 542, với tài đức, văn võ song toàn, Lý Bí đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ nhà Lương, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam) vào ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý, đặt tên nước là Vạn Xuân, khai sinh triều đại Tiền Lý. Ông mất ngày 20/3/548. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Lý Nam Đế, nhân dân đã lập đền Mục và hằng năm, nhân dân thôn Cổ Pháp vẫn tổ chức dâng lễ, thờ cúng vào các ngày sinh, ngày mất và ngày xưng Vương của ông. Ngày 12/1 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Lễ hội chính của đền Mục.

Với giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng không những của Thái Nguyên mà còn của quốc gia, năm 2014, cùng với chùa Hương Ấp, đền Mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, năm 2016, chùa Mãn Tăng cũng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Các điểm di tích này, từ lâu đã trở thành là nơi sinh hoạt tâm linh, tin ngưỡng không thể thiếu của người dân trong vùng và du khách thập phương.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Trước sự xuống cấp của di tích, đền thờ Lý Nam Đế được trùng tu xây dựng, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng.

Trải qua thời gian, các di tích đã bị xuống cấp và cần phải đầu tư tôn tạo. Ngày 9/5/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1228 về việc phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên”. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 54,06ha, được thực hiện trong giai đoạn đến hết năm 2030. Trong đó, đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng.

Chuẩn bị khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Một góc đền thờ Lý Nam Đế sau khi được trùng tu, tôn tạo.

Năm 2023, Di tích lịch sử quốc gia chùa Hương Ấp (Vạn Xuân Tự) thuộc xóm Định Thành, phường Tiên Phong thuộc Khu di tích Lý Nam Đế cũng đã được khởi công xây dựng, trùng tu, tôn tạo, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử liên quan đến quê hương, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đức vua Lý Nam Đế đối với dân tộc Việt Nam.

Riêng đối với đền thờ Lý Nam Đế, năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục)” với tổng diện tích đất quy hoạch là 7.500m2. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp và xây mới với hình thức kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng vốn có với các hạng mục chính như: Nghi môn, Bình phong, Cột cờ, Tả vu, Hữu vu, Tháp chuông, Tháp trống, Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, đền Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu, Lầu hóa sở, Lư hương đá, Nhà khách, Tường rào, cảnh quan sân vườn, các hạ tầng kỹ thuật…

Việc tu bổ tôn tạo ngôi đền không những giúp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của bà con nhân dân địa phương, tạo điểm nhấn quan trọng trong quần thể du lịch văn hóa tâm linh tín ngưỡng của dân tộc.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Các công nhân đang tích cực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của dự án, đảm bảo đúng tiến độ khánh thành công trình.

Trao đổi với phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, ông Nguyễn Văn Đáng, tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong vui mừng cho biết: Việc khánh thành đền thờ Lý Nam Đế là niềm mong đợi và là niềm vui lớn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương bấy lâu nay. Tu bổ để di tích xứng tầm với lịch sử, với công lao đóng góp của đức Vua Lý Nam Đế, làm tiền đề quan trọng, vững chắc để nhân dân phát huy truyền thống của cha ông, của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay và mai sau.

Bí thư Đảng ủy phường Tiên Phong Nguyễn Văn Giáp cũng nhấn mạnh: Đền thờ Lý Nam đế được tôn tạo, trùng tu, khánh thành không những phát huy được những giá trị lịch sử của cả Khu di tích Lý Nam Đế mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thu hút các dự án đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng mảnh đất Tiên Phong anh hùng, xứng tầm là quê hương của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc trong lịch sử và quê hương ATK II trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, các đơn vị thi công, công trình đã được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu thi công cùng các đơn vị liên quan đang hoàn thiện nốt một số hạng mục nhỏ, tiến hành trồng hoa, cây xanh, trang trí khuôn viên cho công trình.

Theo kế hoạch Lễ khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế tại tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong, sẽ được tổ chức vào ngày ngày 2/11/2024 (tức ngày 2/10 âm lịch) sắp tới.

Thái Nguyên: Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế
Phía lối ra của đền đã được hoàn thiện thảm bê tông khang trang, sạch sẽ.

Xác định đây là một sự kiện văn hóa xã hội có ý nghĩa quan trọng với thành phố Phổ Yên nói riêng tỉnh Thái Nguyên nói chung nên để chuẩn bị cho buổi Lễ đảm bảo diễn ra trang trọng, an toàn, đúng kế hoạch, các đơn vị liên quan đang tích cực làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các hạng mục công trình cần thiết cho tổ chức sự kiện như: Đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục tại khu vực nhà tổ chức sự kiện, đổ bê tông đối với đoạn đường và sân đi qua trước và lối ra của đền, trồng cây, lắp đặt hệ thống điện, đảm bảo ánh sáng và diện mạo cảnh quan cho các hoạt động trong quá trình tổ chức buổi lễ.