Trương Mỹ Lan khai gì trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát?
Trương Mỹ Lan khai gì trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát?
Ở giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an đề nghị truy tố 34 bị can ở 3 nhóm tội. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình trong giai đoạn 1 của vụ án), bị đề nghị truy tố 3 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Còn chồng của Trương Mỹ Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Times Square) bị đề nghị truy tố tội rửa tiền.
Quá trình điều tra giai đoạn 2, C03 Bộ Công an kết luận 3 nhóm hành vi phạm tội.
Cụ thể, nhóm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc phát hành 25 gói trái phiếu “khống” với hơn 308 triệu trái phiếu không có tài sản đảm bảo, mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân: Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần đầu tư – phát triển Sunny World và Công ty cổ phần dịch vụ – thương mại TP.HCM với tổng giá trị 30.869 tỉ đồng, dư nợ 30.081 tỉ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Nhóm hành vi rửa tiền tổng cộng 445.747 tỉ đồng, trong đó có 415.666 tỉ đồng từ nguồn tiền phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và 30.081 tỉ đồng từ nguồn tiền do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Và nhóm hành vi “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” đối với số tiền hơn 4,5 tỉ USD (chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD; ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỉ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật), tương đương 106.730 tỉ đồng.
Biến SCB thành công cụ để Trương Mỹ Lan huy động tiền gửi
Theo kết luận điều tra, SCB được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu 10.583 tỉ đồng, đến nay có vốn điều lệ 15.231 tỉ đồng. SCB có 1 hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Trong đó, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ban quản trị, Ban điều hành SCB, nhưng thông qua nhiều pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ sở hữu cổ phần đã nắm giữ số lượng rất lớn, chiếm hơn 90% số cổ phần SCB.
Bị can Trương Mỹ Lan đã bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt để nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của SCB, biến SCB trở thành công cụ để Lan tổ chức huy động tiền gửi, vay vốn, chạy dòng tiền, đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng phạm.
Đối với hành vi rửa tiền, từ nguồn tiền phạm tội tham ô tài sản của SCB, lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu, thì Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm rút tiền mặt, chuyển nộp vào tài khoản đứng tên tổ chức/cá nhân, chuyển giữa các tài khoản, sử dụng thanh toán các khoản chi cho nhiều mục đích khác nhau của bị cáo.
Cụ thể như để trả gốc, lãi trái phiếu, chi trả nợ các khoản vay tại SCB, trả chi phí lãi vay; chi phí hoạt động của SCB; chi trả cho những người được thuê đứng tên làm giám đốc; cho những người ký chứng từ chạy dòng tiền; chi cho dự án đang triển khai dở dang như dự án Mũi Đèn Đỏ; dự án A6, H.Bình Chánh; chi trả cho khoản vay của các ngân hàng khác; chuyển tiền ra nước ngoài; trả chi phí cá nhân của vợ chồng Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ.
Trương Mỹ Lan khai tiền gửi ra nước ngoài là tiền trả nợ
Đối với hành vi chuyển tiền ra nước ngoài, Trương Mỹ Lan giao cho Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB phối hợp Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula… để lập các khoản vay “khống” tại SCB, rồi lấy nguồn tiền để chuyển ra nước ngoài và sử dụng cho các mục đích khác ở trong nước.
Tại cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan khai tiền nhận từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là tiền vay, còn tiền chuyển ra nước ngoài là tiền trả nợ.
Để chuyển được tiền ra nước ngoài hoặc nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cho Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và lãnh đạo SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB… lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Theo lời khai của Trương Mỹ Lan, thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tiền bán trái phiếu nộp vào tài khoản của chồng để mua sắm nữ trang, đá quý
Cơ quan điều tra xác định, Trương Mỹ Lan vai trò chủ mưu, cầm đầu tổ chức hành vi rửa tiền và hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Lan đã chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rửa tiền hơn 445.746 tỉ đồng và vận chuyển trái phép 106.730 tỉ đồng qua biên giới.
Đối với hành vi rửa tiền của bị can Chu Lập Cơ, kết luận điều tra thể hiện Chu Lập Cơ đã có hành vi rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại SCB.
Bị can Chu Lập Cơ mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán (Visa Master) để thanh toán các dịch vụ, mua sắm nữ trang, đá quý… cho cá nhân vợ chồng Chu Lập Cơ trong quá trình sinh sống, lưu trú, đi lại tại Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý…
Từ ngày 1.1.2018 đến ngày 10.10.2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp hơn 225 tỉ đồng vào 3 thẻ tín dụng trên của Chu Lập Cơ mở ở SCB. Nguồn tiền có nguồn gốc lấy từ các khoản vay khống tại SCB và tiền có nguồn gốc từ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành và bán trái phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông.
Tại cơ quan điều tra, Chu Lập Cơ thừa nhận hành vi của mình, khai nhận biết vợ là Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nộp tiền vào tài khoản mình sử dụng thanh toán các hoạt động, dịch vụ trên.
Bạn đang đọc Trương Mỹ Lan khai gì trong giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát? tại website hungday.com