Quá hãi chuyện nhiều người trẻ chỉ ngủ 3 – 4 tiếng đồng hồ/ngày
Quá hãi chuyện nhiều người trẻ chỉ ngủ 3 – 4 tiếng đồng hồ/ngày
Võ Trần Thanh Trúc (27 tuổi), ngụ 1001 đường Lê Đức Thọ, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ cô gái làm việc trong một công ty truyền thông ở Q.1. Công việc rất áp lực khiến cô liên tục chỉ ngủ khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ/ngày. Dù 18 giờ được tan làm nhưng hôm nào Trúc cũng ở lại công ty tới 20 – 21 giờ để làm cho nốt. Thấy trễ quá, cô bèn ôm việc về nhà làm tiếp.
“Nhiều hôm mình ngẩng đầu lên đã thấy đồng hồ chỉ 1 – 2 giờ. Mình ngủ vài tiếng trong chập chờn rồi 4 – 5 giờ lại thức dậy làm tiếp cho đúng tiến độ công việc. Cuối tuần, mình cũng hiếm khi rảnh rỗi, lúc nào cũng trong trạng thái bận rộn. Ở các công ty truyền thông hầu như ai cũng như mình, tăng ca tới tận khuya để chạy deadline”, cô gái nói.
Dù mức lương rất cao nhưng Trúc cũng không hề vui vì cảm thấy đánh đổi quá nhiều. Thời gian gần đây, cô gái còn thường hay bị lên mụn, rụng tóc… Với cường độ làm việc thế này, cô gái sợ mình sẽ nhanh chóng bị lão hóa.
Nguyễn Hoàng Tú (24 tuổi), làm việc ở 34 đường Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 chia sẻ chàng trai bị mất ngủ thường xuyên do ảnh hưởng từ thói quen học tập từ thời học sinh, sinh viên. Trước đây, Tú thường ngồi học, xử lý công việc của câu lạc bộ tới 23 giờ, sau đó nằm lướt mạng xã hội, chơi game tới 2 – 3 giờ mới chịu ngủ. Ngày nào đến lớp Tú cũng trong tình trạng ngủ gật. “Mình sợ bị bỏ lỡ nên việc gì cũng muốn làm”, Tú nói.
Khi đi làm, dù công việc bớt áp lực hơn nhưng Hoàng Tú ngủ mãi mà không được. Anh chàng thử nhiều cách như uống tim sen, tập thể dục, cố gắng ngủ sớm hơn… nhưng giấc ngủ không được cải thiện. Cứ đến gần sáng, Tú mới bắt đầu vô giấc. Điều này làm anh chàng cảm thấy rất ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Sinh hoạt bị đảo lộn khiến anh luôn trong trạng thái vật vờ vào ban ngày. Buồn ngủ là vậy nhưng nhắm mắt mãi mà Tú vẫn không ngủ được.
Trên mạng xã hội, hàng loạt bài đăng chỉ ngủ 3 – 4 tiếng đồng hồ/ngày, tắm lúc 1 – 2 giờ… khiến nhiều người giật mình. Một giáo viên dạy IELTS có tiếng, cho biết nhiều học sinh hỏi anh làm sao có thể vừa đi học thêm, vừa đi học 6 – 12 tiếng đồng hồ/ngày. Anh trả lời là anh ngủ rất ít và thú nhận suốt 2 năm qua chỉ ngủ 3 – 4 tiếng đồng hồ/ngày.
Theo anh, mọi thứ luôn có sự đánh đổi. Chúng ta không thể muốn đồng thời nhiều thứ và để mọi thứ đều ở mức tốt nhất. Anh cho rằng trong tương lai sẽ chăm chút sức khỏe và ngủ nhiều hơn. Nhờ ngủ rất ít, anh có thêm thời gian để làm nhiều việc.
Ngủ quá ít gây hại nhiều cho sức khỏe
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khuyến cáo rằng thanh niên cần ngủ từ 6 – 8 tiếng đồng hồ/đêm để đảm bảo quá trình tái tạo năng lượng cho cơ thể sau một ngày hoạt động. Giấc ngủ giúp phục hồi sức lao động, cân bằng và làm mới các tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Nếu thiếu ngủ kéo dài trên 3 tháng, có nguy cơ dẫn đến các vấn đề mãn tính, và cần phải điều trị để phục hồi sức khỏe.
Một giấc ngủ đầy đủ và chất lượng không chỉ giúp duy trì sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh. Thiếu ngủ thường xuyên có thể gây hại lâu dài, khiến tế bào thần kinh suy thoái, khó tái tạo và làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể.
Bác sĩ nhấn mạnh rằng trào lưu ngủ ít không phải là một thói quen lành mạnh, vì ban đầu có thể không thấy ảnh hưởng lớn, nhưng về lâu dài, thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể suy giảm sức lao động và sức khỏe tinh thần.
“Thiếu ngủ trong 1 – 2 ngày có thể chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng thiếu ngủ kéo dài sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng làm việc. Đặc biệt, tế bào thần kinh khi bị tổn thương do thiếu ngủ khó tái tạo và phục hồi như ban đầu, khiến sức khỏe và trạng thái tinh thần của người bệnh trở nên bất ổn”, bác sĩ nói.