Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần nỗ lực hơn trong phát triển chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Cần nỗ lực hơn trong phát triển chuỗi cung ứng
(Xây dựng) – Làm thế nào để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là bài toán khó cần phải nỗ lực hơn.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo hầu hết có quy mô nhỏ nên sản lượng không lớn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm chỉ khoảng một tỷ USD. Doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều loại mặt hàng như: Sản phẩm liên quan đến cơ khí, điện, điện tử, nhựa cao su, tự động hóa, thậm chí cả những sản phẩm khó hơn như linh kiện quạt gió, tua bin quạt gió. Đặc biệt, bộ dây điện là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam…
Dù sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng, tuy nhiên, một điểm khó khiến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chưa tiến cao trong chuỗi cung ứng là yêu cầu về thành phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất linh kiện rời, trong khi yêu cầu của thị trường thế giới là cụm linh kiện hoàn chỉnh hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. Cùng đó, sự cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc ngày một gay gắt. Tiếp đến, xu hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế. Thế khó của ngành công nghiệp hỗ trợ là vật liệu đầu vào phải là vật liệu tái chế, trong khi trong nước hiện cực kỳ khó tìm nguồn vật liệu này.
Ngoài những khó khăn trong xuất khẩu, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng bày tỏ, tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh, hiện đại như ngày nay, việc đầu tư mới rất cần thiết. “Cung cấp phụ kiện cho Samsung, đối tác đã yêu cầu rất cao về dây chuyền sản xuất, nhất là sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh” – bà Bình nói.
Trong khi đó, việc đầu tư mới với doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó, rất cần sự hỗ trợ về lãi suất vốn vay. “Nếu như hỗ trợ được 3 – 4% như quy định đưa ra trong Nghị định 111/NĐ-CP về Phát triển công nghiệp hỗ trợ là cực kỳ quý”, bà Bình nhấn mạnh. Bà cũng đồng thời đề xuất, các địa phương có thể chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, không thể chỉ chờ chính sách từ Chính phủ.
Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cũng mong những địa phương phát triển công nghiệp mạnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng triển khai các chính sách tương tự” – đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề xuất.
Ngoài ra, bà Bình cũng đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đàm phán với các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung để đề xuất được cung ứng những sản phẩm giá trị cao hơn; giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của đối tác đầu tư mới tại Việt Nam, có sự chuẩn bị và đón đầu.
Việc đầu tư mới với doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó, rất cần sự hỗ trợ về lãi suất vốn vay. |
Về phía ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam thông tin, ngay tại thị trường trong nước cũng có cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng năng lực sản xuất. Đơn cử như chương trình phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô, đường sắt giao thông và nối các vùng, miền từ nay đến năm 2035, kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ USD, nhu cầu thiết bị cho phát triển điện gió cũng rất lớn.
“Một năm chúng ta xuất khẩu được một tỷ USD, vậy thị trường 200 thậm chí 400 tỷ USD lại không hề có chiến lược để tham gia và làm chủ. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ ngành xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể để sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thể tham gia vào lĩnh vực này” – ông Sáng cho hay.
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có cải thiện nhất định trong những năm qua, là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đã mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam (Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD…).
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để tận dụng cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm giao thông đường sắt nội địa, tiến lên nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI lớn. |