Cách mình sử dụng ứng dụng “Journal” IOS 17 và việc biến chuyện viết nhật ký thành thói quen
Tháng sáu 6, 2024
Ứng dụng nhật ký của Apple “Journal” không chỉ hỗ trợ văn bản mà còn hỗ trợ ảnh, video, thông tin vị trí, ghi âm,… đồng thời còn gợi ý những nội dung cần ghi lại dựa trên các hoạt động của bạn. Hãy cùng mình tìm hiểu và cách sử dụng một “cuốn nhật ký” theo bài viết dưới đây.
Nếu bạn cập nhật phiên bản iOS 17.2, có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao lại có một ứng dụng mới xuất hiện trên màn hình chính. Thì đây chính là ứng dụng nhật ký “Journal” của Apple.
Đúng như tên gọi “Nhật ký”, ứng dụng này là nơi ghi lại những suy nghĩ cũng như kỷ niệm của bạn. Khoan hãy vội xoá chúng mà hãy sử dụng ít nhất một vài lần.
Ứng dụng này là một trong những nỗ lực của Apple nhằm cải thiện sức khoẻ tinh thần của người dùng. Với các tính năng khuyến khích bạn ghi lại trạng thái tinh thần hàng ngày, “Journal” giúp bạn theo dõi cảm xúc và các số liệu liên quan.
Mặc dù mục đích chính là ghi lại và theo dõi cảm xúc, nhưng “Journal” được thiết kế để tập trung vào sức khỏe tổng thể. Giống như một cuốn nhật ký điện tử (Digital diary), bạn có thể thêm ảnh, video, thông tin vị trí và thậm chí là ghi âm. Ứng dụng cũng gợi ý nội dung cần ghi lại từ hình ảnh, hoạt động,… và đưa ra đề xuất để bạn dễ dàng bắt đầu.
Tính năng “gợi ý” cực kỳ hay ho
Đây là nơi giúp bạn có nhiều cơ hội để trải lòng
Tương tự như việc lục lại ký ức khi nhìn vào album ảnh trong điện thoại (khi không có kết nối WiFi), sẽ có những kỷ niệm trong cuộc sống mà bạn khó lòng nhớ được và tự hỏi, “Tại sao mình lại có ảnh này trong máy nhỉ?” hoặc ký ức về những chuyến đi với suy nghĩ, “À, thì ra mình đã đến đây rồi.”
Vì vậy, ứng dụng này cũng hoạt động tương tự nhưng cho phép bạn biến những suy nghĩ đó thành văn bản, trở thành quyển nhật ký “có một không hai” của riêng bạn. Tính năng này còn đưa ra các câu hỏi khá “deep”, khiến bạn phải tự hỏi lại chính mình. Đó là lúc bạn bắt đầu “trầm tư” và trải lòng.
Ngoài ra, ứng dụng còn gợi ý cho bạn các địa điểm qua việc bạn chụp bức ảnh đó, sau đó sẽ tổng hợp nhanh thành một post gợi ý giúp bạn có thể thao tác dễ dàng ghi nhận khoảnh khắc
Mặc dù tại thời điểm đó mình không hề mở ứng dụng này lên để sử dụng nhưng mọi thứ đã được tự động lưu lại cho phép mình tiếp tục ghi lại cuộc hành trình của bản thân.
Tính năng này rất phù hợp cho những ai có thói quen chạy bộ hoặc đạp xe. Trong khi di chuyển, bạn có thể chụp ảnh và ghi lại những khoảnh khắc trên đường đi. Đặc biệt, ứng dụng còn cho phép bạn thêm cả video, tạo nên một bộ sưu tập sống động về hành trình của mình.
Như vậy, bạn sẽ dễ dàng lưu lại những kỷ niệm, trả lời cho câu hỏi ngày hôm đó bạn đã làm gì, ở đâu, gặp ai, hay đơn giản là cảm thấy thế nào.
Giao diện đơn giản
Apple luôn tạo ra các sản phẩm mang đậm tinh thần tối giản. Do đó, mỗi khi sử dụng sản phẩm của Apple, bạn sẽ luôn cảm thấy sự đơn giản và dễ dàng.
Giao diện cực kỳ đơn giản. Đầu tiên chỉ cần nhấn vào dấu “+” ở dưới cùng và bắt đầu vào việc.
Tại đây sẽ có 2 sự lựa chọn cho bạn:
1. Tự động tạo ra toàn bộ câu chuyện
Bằng cách nhấn vào dòng chữ trên cùng “New Entry”
2. Chọn khoảnh khắc & viết
Phần còn lại ở bên dưới cho phép bạn chọn các hoạt động theo gợi ý có sẵn được lấy nội dung từ quá khứ.
Lưu mà không cần viết
Bạn có thể thêm bất kỳ thứ gì vào nhật ký, từ hình ảnh, thông tin vị trí, bản ghi âm, đến video từ thư viện của mình. Nếu hôm nay bạn cảm thấy lười ghi chép hoặc chỉ muốn lưu giữ vài khoảnh khắc bằng hình ảnh hoặc video, “Journal” cho phép bạn làm điều đó một cách dễ dàng mà không cần phải nghĩ nhiều.
Đây có phải là nơi tốt để bắt đầu viết nhật ký?
Đây không phải là ứng dụng duy nhất. Nếu tìm kiếm trên App Store, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các ứng dụng tương tự có sẵn cho tất cả các nền tảng của Apple (iOS, iPadOS, macOS).
Không có ai tâm sự thì mình ghi nhật ký
Đối với mình, ứng dụng này cũng gần như đầy đủ các tính năng để tạo ra một cuốn “nhật ký ghi lại hành trình” vì nó bao gồm tính năng quan trọng nhất là thêm được hình ảnh và địa điểm.
Đó là lý do mình vẫn ưu tiên viết nhật ký trên điện thoại hơn trên giấy, vì nó tiện lợi và dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể lấy điện thoại và “note” cảm xúc hiện tại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bảo vệ “Journal” của mình bằng cách đặt “Password”, “Touch ID”, hoặc “Face ID” tuỳ vào các dòng máy.
Cách mình sử dụng “Journal” như là nguồn cảm hứng
Ứng dụng này có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy theo nhu cầu của mỗi người. Có người chỉ muốn lưu lại kỷ niệm qua hình ảnh mà không cần viết thành lời, trong khi người khác lại muốn đắm mình vào không gian của những con chữ. Còn đối với những người “ba phải” như mình, muốn kết hợp cả hai, ứng dụng này là sự lựa chọn hoàn hảo.▼
1. Chỉ toàn là hình ảnh
2. Chỉ toàn là chữ
Bù lại cho cách kể chuyện “để cho đẹp”, nơi đây giúp mình giải tỏa những suy nghĩ về cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Hơn nữa, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng viết của mình, thì đây là sự lựa chọn hoàn hảo, vì ứng dụng này sẵn sàng cung cấp các chủ đề gợi ý cho người dùng.
3. Vừa chữ vừa hình
4. Lưu lại những chia sẻ (một cách random)
Chỉ cần nhấn vào nút “Chia sẻ”, sau đó chọn vào ứng dụng “Journal” ngay lập tức nội dung bạn muốn chia sẻ sẽ được thêm vào ứng dụng.
Giống như Spotify ads, đây là lúc bạn chìm đắm vào thế giới riêng của mình.
Mỗi trải nghiệm nghệ thuật đều mang lại những cảm xúc và ý kiến riêng, và mình cũng không phải là ngoại lệ. Về bài hát mới, có lẽ nói lên những gì mà mình cảm nhận từ lời nhạc và giai điệu sẽ giúp tạo ra một đánh giá chân thành hơn. Đối với một bộ phim có cái kết hụt hẫng, mình có thể chia sẻ cảm xúc về sự thất vọng hay cảm giác bất mãn, nhưng cũng có thể tìm điểm sáng trong các yếu tố khác của bộ phim. Về một quyển sách với cái kết mở, đó thường là cơ hội tuyệt vời để sáng tạo và viết tiếp câu chuyện theo cách mình muốn.
Nhưng thực sự, điều quan trọng nhất là không chỉ làm sao bạn cảm nhận, mà còn là cách bạn xử lý cảm xúc và ý kiến của mình. Đôi khi, những bài hát, bộ phim hay sách mà người khác thấy không phù hợp cũng có thể là nguồn cảm hứng vô tận cho mình.
Ý kiến riêng (ykr)
Nói đi thì cũng phải nói lại, bên cạnh những tính năng tuyệt vời của “Journal” thì cũng có những điểm mình không thích và mong Apple sẽ khắc phục
1. Hạn chế đối với việc sử dụng trên các thiết bị khác của Apple
Đây là một điểm tiêu cực đáng lưu ý. Thay vì mở rộng khả năng truy cập vào ứng dụng sang các thiết bị khác như iPad hoặc MacBook, ứng dụng chỉ được tối ưu hóa cho iPhone. Điều này dẫn đến sự phiền toái và hạn chế đối với người dùng khi họ muốn truy cập hoặc sử dụng ứng dụng trên các thiết bị khác, đặc biệt trong các tình huống như điện thoại hết pin hoặc để quên điện thoại.
2. Mục gợi ý đôi khi “vô tri”
Một vấn đề khác mà người dùng gặp phải là mục gợi ý đôi khi không phản ánh chính xác hoạt động của họ. Việc nhận gợi ý để viết về một cửa hàng ăn uống nhanh chỉ vì bạn đi qua đó một cách ngẫu nhiên có thể gây khó chịu và không cần thiết. Điều này có thể gây ra sự hiểu lầm và giảm trải nghiệm người dùng.
Một cách “chữa lành” khá đơn giản…
Mình không thường ghi lại những cảm xúc hàng ngày của mình. Có lẽ chỉ là một dòng ghi chú ngắn gọn về tâm trạng, không quá chi tiết. Nhưng từ việc này, mình bắt đầu thử sức với việc viết nhật ký. Mỗi ngày, chỉ cần vài câu, hoặc thậm chí là vài bức ảnh, là đủ để thấy thời gian trôi qua như thế nào. Như vậy, mình có cơ hội để đánh giá cuộc sống của mình, học hỏi từ những trải nghiệm và làm tốt hơn trong tương lai.
Tự đặt câu hỏi cho bản thân là một cách mở cửa cho sự nhận biết và tiếp nhận, từ việc quan sát những chi tiết nhỏ cho đến việc tự đặt ra những câu hỏi sâu sắc. Và việc hình thành thói quen này không chỉ giúp mình trở nên có ý nghĩa hơn mà còn mang lại cho mình niềm vui, bởi vì qua đó, mình thấy rằng mình đang tạo ra những kỷ niệm, những khoảnh khắc đáng trân trọng trong cuộc sống.
Đây chính là tín hiệu dành cho bạn đó