Vĩnh Phúc: Sẽ công khai thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu

Tháng mười một 2, 2024

Vĩnh Phúc: Sẽ công khai thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu

(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu trên địa bàn tỉnh theo các quy định pháp luật mới; đảm bảo quá trình đấu thầu đáp ứng các yêu cầu về cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Vĩnh Phúc: Sẽ công khai thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu

Dự án quản lý nguồn nước và chống ngập lụt tại Vĩnh Phúc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân nhiều hạng mục công trình sạt lở hư hỏng ngay trong thời gian chạy thử nghiệm.

Chưa chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra chuyên sâu về lĩnh vực đấu thầu

Ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông ký, ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật đấu thầu tại địa phương. Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội khóa XV đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.

Các Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Ngày 29/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Trong những năm qua, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường hiệu quả hoạt động đấu thầu đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện, không ngừng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu thuộc phạm vi quản lý. Cơ bản công tác đấu thầu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu còn một số hạn chế như: Việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại các cơ quan, đơn vị còn chưa được thường xuyên, chưa chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra chuyên sâu về lĩnh vực đấu thầu.

Việc thực hiện báo cáo công tác đấu thầu còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nội dung; việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu còn chưa được các chủ đầu tư, bên mời thầu chủ động giải quyết triệt để, còn để tình trạng kiến nghị lên người có thẩm quyền, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị. Việc nghiên cứu, phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu còn chưa được kịp thời…

Chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất, công khai thông tin xử lý vi phạm

Nhằm mục đích đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu theo các quy định pháp luật mới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm, chủ động rà soát các văn bản quy định về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thuộc phạm vi quản lý để kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, cũng như các quy định của pháp luật có liên quan.

Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư ngoài nhiệm vụ rà soát văn bản quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, cũng như các văn bản quy định của pháp luật có liên quan.

Đơn vị này còn được giao trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các gói thầu có nhiều phản ánh, kiến nghị về hành vi tiêu cực. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng trong phạm vi quản lý theo quy định của Luật Đấu thầu.

Đối với UBND các huyện, thành phố, có trách nhiệm thực hiện nghiên cứu các quy định của pháp luật về đấu thầu; tổ chức, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện công tác đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu tới UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra các vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu.