Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam
Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam
(Xây dựng) – Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, việc tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển các đô thị theo mục tiêu bền vững. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại các thành tựu đã đạt được mà còn là cơ hội để đặt ra những mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Phùng Phú Phong phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Chiều 1/11, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam (8/11/2008 – 8/11/2024) với sự tham gia của ông Lê Tùng Lâm, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Hà Nam, Chánh Văn phòng UBND thành phố; ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn cùng các doanh nghiệp tham dự.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc tổ chức kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển các đô thị theo mục tiêu bền vững.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng chia sẻ, trong năm 2024, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và cải cách hành chính.
Với chủ đề năm là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” Đà Nẵng đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững.
“Một dấu ấn nổi bật là Nghị quyết số 136/2024/QH15 do Quốc hội ban hành vào ngày 26/6/2024, về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thành phố phát huy tiềm năng, khơi thông nguồn lực và tạo bước đột phá trong phát triển. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp kịp thời của các đơn vị, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp mang lại kết quả tích cực” – ông Phùng Phú Phong nhấn mạnh.
Đông đảo khách mời tham dự kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam. |
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã thẩm định và cấp phép cho hơn 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 61 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, 100% dự án được thẩm định và cấp phép sớm hạn, trong đó có hơn 50% dự án hoàn thành trước thời hạn từ 7 đến 10 ngày.
“Các dự án lớn được triển khai, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Công tác quy hoạch cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực: Đã hoàn thành 6 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về quy hoạch phân khu, đã phê duyệt 11 đồ án, trong đó toàn bộ 9/9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được thông qua. Về các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật dự kiến sẽ hoàn tất phê duyệt vào cuối năm”, ông Phong nói.
Ngoài ra, các quận, huyện của thành phố đã có những đóng góp nổi bật trong việc cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý rác thải, bảo tồn thiên nhiên và cải tạo không gian bãi biển để thu hút khách du lịch. Công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm với các chương trình hỗ trợ y tế, giáo dục và phát triển khu du lịch, kết hợp bảo tồn di sản văn hóa.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Võ Tấn Hà phát biểu về nội dung tọa đàm Thảo luận nhìn nhận thực trạng, đề xuất giải pháp và định hướng trong công tác phối hợp quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng. |
Tuy nhiên, ông Phùng Phú Phong cũng cho biết công tác quản lý đô thị vẫn đối mặt với thách thức. Theo kết luận giám sát của Thường trực HĐND thành phố, một số đồ án quy hoạch chi tiết chậm triển khai chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khối lượng công việc khá lớn trong khi số lượng cán bộ công chức phụ trách quản lý quy hoạch còn mỏng và chưa được đồng bộ về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, với mong muốn thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn, định hướng đô thị bền vững hơn, đơn vị mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện với mục tiêu để công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Tại Lễ kỷ niệm, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng tổ chức tọa đàm Thảo luận nhìn nhận thực trạng, đề xuất giải pháp và định hướng trong công tác phối hợp quản lý đô thị tại thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng Đà Nẵng cho biết, ngày 16/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng hiện đại hóa ngành Xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ, tạo động lực liên kết các vùng và phát triển bền vững.
Nhiều câu hỏi cho các đại biểu tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam. |
Từ khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng đã ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển đô thị. Căn cứ số liệu Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 1287 ngày 2/11/2023, Đà Nẵng đang là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước, đạt 87,4% năm 2020 và tỷ lệ đô thị hóa lên đến 87,3%, cao gấp 2 lần bình quân toàn vùng. Thành phố đã được quốc tế ghi nhận với các danh hiệu như “Một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới”, “Bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” và là điểm đến nổi bật trong danh sách của New York Times.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, Đà Nẵng đang đối mặt nhiều thách thức như diện tích đất hạn chế, nguy cơ từ lũ lụt và nhiễm mặn tại các khu vực ven biển, áp lực gia tăng dân số lên cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư còn thiếu, áp lực tái định cư, công trình hạ tầng xã hội chưa được quan tâm cân bằng…
Trong bối cảnh đó, phát triển đô thị bền vững trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta cần ưu tiên xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở chú trọng theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng…