Hà Nội hướng tới thành quả thu hút FDI cao hơn
Hà Nội hướng tới thành quả thu hút FDI cao hơn
Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay, Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước về lĩnh vực này, tạo được ấn tượng tích cực, cũng như thúc đẩy tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế. Đó cũng là thực tế tương xứng với vị thế, sức hấp dẫn và nỗ lực tự thân của thành phố Hà Nội.
Sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm |
Duy trì vị trí tốp đầu
Trong 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD; 160 lượt dự án tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 208 triệu USD.
Kết quả trên đã tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI của Thủ đô, nhất là xét trong tương quan với cả nước. Đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được khoảng 8.000 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 57 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI.
Điều đặc biệt là khu vực FDI đã đóng góp rất lớn cho kinh tế – xã hội của thành phố, với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị. Đó là, khu vực FDI đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng GRDP.
Khu vực FDI cũng đóng góp cơ bản trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn. Qua thời gian, các dự án FDI tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước.
Sự xuất hiện của khối doanh nghiệp FDI cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng lĩnh vực, làm động lực cho doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm; tác động chuyển dịch cơ cấu ngành của các lĩnh vực.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, FDI là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa Thủ đô. Điều đó có được nhờ hàng loạt hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư của thành phố, qua đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ.
Các sở, ngành lập kế hoạch và có chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để vào cuộc, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cũng như môi trường đầu tư của thành phố Hà Nội.
Phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, Hà Nội có tiềm năng về diện tích tự nhiên, hội tụ mọi yếu tố về vị trí, điều kiện để phát triển. Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới, tạo động lực tăng trưởng quan trọng. Quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá sẽ tạo ra cơ hội mới, giá trị mới và tạo thêm sức hấp dẫn thu hút FDI đối với Thủ đô.
Các chuyên gia cũng nhận định, bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
Quan điểm xuyên suốt của thành phố là lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mục tiêu phục vụ, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố Hà Nội. Vì vậy, chủ trương cải cách, kiên trì cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần cầu thị luôn được thực hiện từ thành phố tới từng cấp, ngành.
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất được công bố công khai, minh bạch toàn bộ theo nhiều hình thức, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.
Mọi vướng mắc phải được giải quyết trong thời gian sớm nhất, với trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương, để nhà đầu tư có thể nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư, biến cam kết thành dự án thực tế.
Một trong những chủ trương lớn của Hà Nội là tiếp tục đổi mới trong xúc tiến đầu tư, gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Trong đó, các tập đoàn lớn, các quốc gia phát triển nhóm G7, G8, OECD là thị trường trọng điểm để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Hà Nội đang đứng trước cơ hội với việc khai thác lợi thế, thực hiện cải cách, vận dụng quy định mới để hướng tới những thành quả thu hút FDI cao hơn trong thời gian tới.