Chiến thắng Bình Giã trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức

Tháng mười một 4, 2024

Chiến thắng Bình Giã trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức

(Xây dựng) – Ngay sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, quân và dân huyện Châu Đức nói riêng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung đã cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế. Trong hành trình phát triển của mình, quân và dân Châu Đức luôn xem chiến thắng lịch sử Bình Giã vừa là bài học, vừa là động lực để đưa kinh tế “cất cánh” cùng đất nước.

Chiến thắng “Bình Giã” trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức
Quân và dân huyện Châu Đức tất bất chuẩn bị ngày kỷ niệm 30 năm thành lập huyện. (Ảnh: Xuân An)

Quân dân một lòng vì quê hương

Tầm quan trọng của chiến thắng Bình Giã từ lâu đã được ghi nhận, chiến thắng không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có tác động to lớn đối với sự sụp đổ của kẻ thù trên chiến trường miền Nam nói chung. Chính vì tâm quan trọng của chiến thắng, tại bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã dành một phần lớn không gian để trưng bày những hình ảnh, hiện vật… về cuộc chiến.

Tại bảo tàng, ở một góc trung tâm hiện vẫn còn trưng bày lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến thắng, rằng: “Chiến thắng Bình Giã đã đánh dấu sự thất bại về cơ bản của chiến lược chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng “Bình Giã” trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về tầm quan trọng của chiến thắng Bình Giã.

Ngày nay, những bài học quý báu nào từ chiến Bình Giã vẫn được lãnh áp dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương. Đó là tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc của các tầng lớp nhân dân; năng động, sáng tạo, nghĩa tình, tinh thần vượt khó, tinh thần “Quân dân một lòng”, tinh thần “lấy dân làm gốc”…

Những bài học trên đều được Đảng bộ, Chính quyền và khối đại đoàn kết của huyện Châu Đức qua các thời kỳ kế thừa và áp dụng có hiệu quả trong công cuộc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong suốt từng giai đoạn phát triển của huyện nhà để xây dựng được một quê hương tươi đẹp và trở thành một vùng quê đáng sống như ngày hôm nay.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Đức cho biết, theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Châu Đức sẽ là địa phương có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ nhất, trở thành địa phương có diện tích khu công nghiệp tập trung lớn nhất tỉnh, nằm trên 2/3 trục động lực kinh tế của tỉnh.

Chiến thắng “Bình Giã” trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức
Huyện Châu Đức ngày nay đã phát triển vượt bậc cả về đời sống, kinh tế – xã hội.

Qua 30 năm thành lập và phát triển, tới nay với tiềm năng, thế mạnh của địa phương về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thiên nhiên ban tặng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch đến nay đã đạt được một số kết quả vượt trội.

Có thể kể đến một số lĩnh vực như: Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản từng bước được định hình theo chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Cơ cấu nông nghiệp của huyện đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 46%. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện bình quân đạt 3,9%/năm.

Còn trong lĩnh vực công nghiệp, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 3.154ha. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp không chỉ tạo đà để huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn giúp 17.275 người dân có việc làm ổn định, trong đó có hơn 10.000 lao động là người địa phương.

Đặt công tác giáo dục cho thế hệ trẻ lên hàng đầu

Không ngẫu nhiên mà công viên chiến thắng tượng đài Bình Giã được đặt ngay vị trí trung tâm của huyện. Ngày nay, bên cạnh công viên tượng đài là nhiều cơ quan, đơn vị hành chính của huyện. Còn nằm sát ngay cạnh là Trường Trung học cơ sở Châu Đức. Mỗi ngày đến trường, các em đều được nhìn thấy tượng đài, để rồi từ đó nuôi dưỡng tâm hồn yêu quê hương đất nước, ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống cho quê hương có được hòa bình như ngày hôm nay.

Chiến thắng “Bình Giã” trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức
Một bạn trẻ tìm hiểu về chiến thắng Bình Giã tại bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ý thức được tầm quan trọng trong việc giáo dục cho giới trẻ, lãnh đạo huyện Châu Đức thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tối đa giá trị của di tích để giáo dục truyền thống cách mạng. Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, huyện thường xuyên tổ chức lễ viếng tượng đài, nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử quê hương.

Ngoài ra, mỗi dịp “Tháng tri ân” vào tháng 7 hàng năm, huyện Châu Đức cũng tổ chức lễ thắp nến, dâng hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương cho nền hòa bình, độc lập của đất nước. Thông qua các hội thi, các đợt sinh hoạt chính trị trong tuổi trẻ toàn huyện, đã giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương Châu Đức, của dân tộc cho các em sinh viên, học sinh.

Chiến thắng “Bình Giã” trong hành trình “cất cánh” cùng Châu Đức
Điện thờ các anh hùng liệt sỹ trong khuôn viên chiến thắng tượng đài Bình Giã.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Châu Đức cũng đã quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử di tích qua việc dán mã QR code tại các di tích lịch sử trên địa bàn, đồng thời phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử huyện. Qua đó, đã được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và tìm hiểu trong thời gian qua.

Đồng thời, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường các tiết học, giờ sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm có lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương, giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của Chiến thắng Bình Giã cho học sinh huyện nhà được biết, tự hào.