Đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án
Đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án
(Xây dựng) – Sáng 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án,… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.
Toàn cảnh Phiên họp sáng 5/11. (Ảnh: Quốc hội) |
Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công
Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ, trong năm qua, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao hiệu quả, kết quả điều hành kinh tế – xã hội đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù lương tăng cao nhưng chỉ số CPI ổn định, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân còn chậm. Qua tìm hiểu thực tế, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị “tắc”.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu. Trong Luật Đấu thầu quy định, nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày nên dẫn tới việc lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.
Bên cạnh đó, đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ… Đây cũng là bất cập cần được gỡ sớm để hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn vào năm 2025.
Bước sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030. Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án
Thống nhất với nhiều nội dung đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Theo đại biểu Triệu Quang Huy, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nêu cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có đánh giá: “Công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17/10/2024 của Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025 cũng cho thấy, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung…
Trên cơ sở đó, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước.
Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Đồng thời tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đề cập đến một số nội dung liên quan và kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước; cần sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới; cân nhắc việc giảm 5% nguồn chi thường xuyên để thực hiện chính sách xoá nhà tạm; tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân…