Arab Saudi sẽ trồng 10 tỷ cây để xanh hóa sa mạc

Arab Saudi sẽ trồng 10 tỷ cây để xanh hóa sa mạc

Arab Saudi đang đầu tư vào sáng kiến xanh nhằm biến đổi sa mạc ở nước này nhưng vấp phải nhiều thách thức trong việc biến dự án tham vọng thành giải pháp khí hậu.

 Một giáo sư ở KAUST kiểm tra hoa màu ở trang trại thử nghiệm.
Một giáo sư ở KAUST kiểm tra hoa màu ở trang trại thử nghiệm. (Ảnh: AFP)

Nằm trong Sáng kiến xanh Trung Đông, Arab Saudi đặt mục tiêu trồng 10 tỷ cây, cải tạo hơn 74 triệu hecta đất. Để đạt mục tiêu tham vọng đó, quản lý tài nguyên đất và nước hiệu quả rất cần thiết. Himanshu Mishra, chuyên gia khoa học và kỹ thuật môi trường ở Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah (KAUST), cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển sản phẩm có thể biến đổi sa mạc trong nước thành đất đai màu mỡ. Loại phân hữu cơ giàu carbon làm từ phân gà dồi dào ở Arab Saudi có tác dụng vượt xa phân bón thông thường, theo AFP.

Mishra giải thích sản phẩm đóng vai trò như lớp bọt biển giữ lại dưỡng chất và nước, đồng thời thúc đẩy đa dạng sinh học vi khuẩn mà cây cối cần để sinh trưởng. Trang trại thử nghiệm của ông tràn ngập cây xanh khi sử dụng loại phân bón mới.

Trên khu đất rộng lớn giữa sa mạc phía bắc Jeddah, một dự án khác sử dụng vi sinh vật để giảm chi phí năng lượng của quá trình xử lý nước thải. Cơ sở xử lý tìm cách lọc nước thải theo cách tiết kiệm năng lượng, theo quản lý là Peiying Hong ở Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah. Quá trình dựa vào vi sinh vật biến đổi carbon thành khí methane. Khí này sẽ được thu thập và sử dụng để sản xuất năng lượng. Nước đã lọc từ quá trình trên có thể dùng để trồng vi tảo giúp cung cấp thức ăn cho gia súc, tưới tiêu cây cối nhằm đối phó tình trạng sa mạc hóa. Nước tái chế có thể rất hữu ích đối với quốc gia sa mạc với nguồn nước cực kỳ hạn chế.

Dù tiềm năng lớn, triển khai những hệ thống như vậy ở quy mô vùng miền hoặc quốc gia đòi hỏi hỗ trợ tài chính và quyết tâm từ nhà chức trách. Nhưng John Robinson, nhà đầu tư và đối tác ở Mazarine Ventures, cho biết gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp kiểu này cực kỳ khó khăn, dù một số có khả năng thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, ngoài chống sa mạc hóa, Arab Saudi còn tập trung vào công nghệ thu giữ carbon. Nhưng những ý kiến chỉ trích cho rằng nỗ lực này chỉ mang tính đánh bóng hình ảnh nhằm cho phép đất nước tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *